Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu - Hà Nội 2017

Sáng 9/11, Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu - Hà Nội 2017 do Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức đã diễn ra tại đền Rừng (quận Long Biên, Hà Nội) với sự tham gia của 29 thanh đồng đến từ Hà Nội và các tỉnh, thành. Đáng chú ý, Liên hoan lần này đã đề cập đến những đổi mới của diễn xướng hầu đồng trong xã hội đương đại.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Liên hoan mở màn với lễ rước của 29 thanh đồng, cung văn, đoàn múa sênh tiền, múa quạt, đoàn cờ thần và đoàn tố nữ dâng hoa, tạo không khí tưng bừng, sôi động.

Với chủ đề “Thực hành nghi lễ hầu đồng cổ truyền và những nét đổi mới trong xã hội đương đại trên địa bàn Hà Nội”, Liên hoan là hoạt động văn hóa truyền thống nhằm thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt”. Trong 4 ngày tổ chức diễn xướng hầu đồng (từ ngày 9 - 12/11), các thủ nhang, thanh đồng mang đến Liên hoan gần 90 giá đồng.

Sau mỗi buổi hầu, Ban tổ chức cùng các thanh đồng đều trao đổi, góp ý về chuyên môn, góp ý với đội cung văn về lời ca, âm nhạc nhằm bảo tồn, phát huy nét đẹp trong nghi lễ hầu đồng cổ truyền và những đổi mới phù hợp với xã hội đương đại. Cụ thể, về trang phục áo mũ, đạo cụ, nghi thức, lời ca, âm nhạc… Ngày cuối cùng của Liên hoan, sau lễ hầu tạ, Ban tổ chức sẽ có trao đổi chung với 29 thanh đồng và các đội cung văn.

Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội khẳng định: Đây là đợt sinh hoạt chuyên đề nhằm tiếp tục tìm hiểu, làm sáng tỏ về nguồn gốc, đặc điểm và giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Hơn nữa, qua giao lưu diễn xướng hầu đồng - nghi lễ quan trọng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, đã khẳng định hồn cốt của hầu đồng cổ truyền và nhận thức được một số đổi mới cần thiết của nghi lễ này trong đời sống xã hội đương đại. Nhất là trên địa bàn Hà Nội, nơi diễn ra hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu - hầu đồng rất sôi động, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý đúng đắn để giữ gìn, phát huy giá trị của di sản.

Trong khuôn khổ của Liên hoan còn diễn ra hội thảo khoa học  “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt – Nhận diện, bảo tồn và phát triển” tổ chức tại Di tích đình - đền Hào Nam, quận Đống Đa (Hà Nội). Lễ tổng kết Liên hoan sẽ khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho liên hoan.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Đặc sắc tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn ở Đông Cuông
Đặc sắc tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn ở Đông Cuông

Nằm ở phía tả ngạn thượng lưu sông Hồng, đền Đông Cuông (thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) là ngôi đền lớn, cổ kính mang nhiều dấu vết, huyền tích linh thiêng về Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN