Quần thể di tích thờ 5 đức thánh họ Vương đã có công phù giúp vua Lê Đại Hành chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc thế kỷ thứ 10.
Lễ hội diễn ra từ ngày 22 - 24 tháng Giêng âm lịch hằng năm và được đánh giá là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Hải Dương; khẳng định truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa độc đáo riêng có của quần thể Khu di tích Quốc gia đền Cao.
Lễ hội bao gồm các nghi lễ truyền thống như: Lễ vót tăm, lễ khâu áo thánh, lễ mộc dục, lễ rước bộ và 13 tuần tế thánh, tế hồi đồng, tế vật đập đất, tế yến…và lễ dâng hương tưởng niệm ngày mất của 5 đức thánh họ Vương. Cùng với đó là nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian đậm bản sắc địa phương như: Hội thi giã bánh giầy, nấu chè kho, giải vật truyền thống, giao lưu văn nghệ, thể thao.
Tương truyền vào thời nhà Đinh, ở trang Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, phủ Nga Trung, Lộ Thanh Hóa có gia đình ông Vương Tĩnh và bà Đào Thanh là người nhân đức, song vợ chồng ông bà tuổi đã cao mà chưa có con nối dõi. Ông bà bèn tìm nơi đất mới để sinh sống, khi đến Dược Đậu trang, đất Bàng Châu, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là phường An Lạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đã quyết định ở lại lập nghiệp. Ít lâu sau gia đình ông sinh được 5 người con.
Năm Thiên Phúc 981 thời Tiền Lê, quân Tống xâm lược nước ta, khi nhà vua hành binh đem quân đi đánh giặc và lập đồn trại tại đây, thấy 5 anh em họ Vương tướng mạo khác thường vua liền thu phục và phong chức. Năm anh em họ Vương đã ra sức giúp vua đánh thắng giặc.
Sau khi 5 anh em họ Vương mất, để ghi nhớ công lao, nhà vua sắc phong cho 5 anh em là năm vị tướng và phong là “Thượng đẳng phúc thần” và sai nhân dân lập đền thờ nơi các thánh hóa, hương hỏa phụng thờ. Trải qua thời gian dài, các ngôi đền vẫn được các thế hệ người dân nơi đây bảo vệ, gìn giữ nguyên vẹn như: 11 đạo sắc phong, ngọc phả, hoành phi, câu đối, đại tự...
Hiện nay, thành phố Chí Linh có trên 400 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng. Trong đó có 4 bảo vật quốc gia, 1 Khu di tích được xếp hạng Quốc gia đặc biệt, 8 di tích, cụm di tích xếp hạng Quốc gia, 21 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 4 khu, điểm du lịch cấp tỉnh là Khu du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc, Khu du lịch Phượng Hoàng, Khu du lịch đền Cao và điểm du lịch đền Sinh - đền Hóa.
Hằng năm vào ngày 22 - 24 tháng Giêng, nhân dân nơi đây lại tổ chức lễ hội truyền thống ghi nhớ công lao của 5 vị tướng cùng quân dân Đại Cồ Việt chống giặc ngoại xâm; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ.