Lễ hội đầu Xuân - Hướng về những giá trị cội nguồn tốt đẹp

Ninh Bình, mảnh đất níu chân biết bao du khách trong và ngoài nước không chỉ bởi vẻ đẹp của nhiều danh lam, thắng cảnh mà còn ở các lễ hội mang đậm giá trị văn hóa lịch sử truyền thống.

Đây cũng là dịp những người con xa quê trở về cội nguồn, nuôi dưỡng giá trị tốt đẹp, bảo tồn nét đẹp truyền thống và khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng.

Cầu nối giữa quá khứ và hiện tại

Chú thích ảnh
Lễ hội truyền thống động Hoa Lư thu hút đông đảo người dân và du khách dâng hương, vãn cảnh (Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia động Hoa Lư, xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Ảnh tư liệu: Thùy Dung/TTXVN

Lập gia đình tại tỉnh Hưng Yên, xa quê hương hơn 20 năm nhưng mỗi năm, vào mùng 10 tháng Giêng, bà Nguyễn Thị Lý quê ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình vẫn cùng con, cháu trở về tham gia Lễ hội truyền thống động Hoa Lư diễn ra tại Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia động Hoa Lư, xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn.

Trong không khí trang nghiêm của phần lễ, bà Nguyễn Thị Lý luôn dành thời gian nhắc cho con cháu nhớ về truyền thống và những nét đẹp văn hóa của quê hương cần gìn giữ, phát huy.

Bà Nguyễn Thị Lý cho biết, lễ hội diễn ra từ ngày mùng 10 đến ngày 13 tháng Giêng hằng năm để thể hiện lòng thành kính, tri ân công đức của đức Đinh Tiên Hoàng Đế và những người có công với đất nước. Động Hoa Lư còn có tên là Thung Lau hay Thung Ông. Xưa kia, Đinh Bộ Lĩnh lấy nơi đây làm nơi luyện tập binh mã, chiêu hồi quân sĩ.

Sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế lập lên nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta. Động Hoa Lư được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996. Nằm giữa động Hoa Lư là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và hội đồng văn võ triều Đinh, phía sau là đền thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không - người có nhiều công lao trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Lễ hội truyền thống động Hoa Lư là dịp để người dân và du khách thập phương thành kính dâng hương, hướng về cội nguồn, ghi nhớ công lao dựng nước và giữ nước, tạo lập làng, xã, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của vùng đất Gia Viễn địa linh nhân kiệt.

Đối với người dân Việt Nam, lễ hội nói chung và lễ hội đầu Xuân nói riêng đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành nét đẹp văn hóa, nơi "về nguồn" ý nghĩa của biết bao thế hệ người dân. Đặc biệt, lễ hội còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào về nguồn cội cho thế hệ trẻ.

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 11 tháng Giêng hằng năm, nhân dân ở thôn Xuân Vũ, xã Ninh Vân, thành phố Hoa Lư lại tưng bừng tổ chức lễ hội làng. Đối với người dân thôn Xuân Vũ, tham gia lễ hội làng là cơ hội để tỏ lòng thành kính, tri ân công đức của các bậc tiền nhân đã có công bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ làng. Đây cũng là dịp để người dân được vui hết mình với những hoạt động sôi nổi trong lễ hội.

Đại diện UBND xã Ninh Vân cho biết, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, lòng tự hào cho người dân địa phương về việc giữ gìn các lễ hội truyền thống. Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò của người cao tuổi trong gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong các lễ hội làng. Các cụ cao tuổi sẽ là người hướng dẫn về mặt lễ nghi, truyền lại phong tục tập quán và tổ chức hoạt động hành lễ trong lễ hội. Ban tổ chức lễ hội chú trọng tổ chức phần hội với các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống nhằm đưa các lễ hội thực sự trở thành nơi "về nguồn" ý nghĩa của nhân dân, tạo sức hút đối với du khách thập phương và quốc tế.

Phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống

Chú thích ảnh
Chùa Vàng - thành phố Hoa Lư, một điểm thăm quan mới tại tỉnh Ninh Bình cũng thu hút rất đông du khách. Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, hiện tỉnh có 248 lễ hội, trong đó có 247 lễ hội truyền thống và một lễ hội văn hóa. Bốn lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội làng Bình Hải, Lễ hội Báo bản và Lễ hội Đền Thánh Nguyễn. Một số lễ hội đầu Xuân ở Ninh Bình đã trở thành lễ hội lớn, nổi tiếng, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài nước tham gia như Lễ hội Tràng An, Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội đền Thái Vi, Lễ hội đền Thánh Nguyễn... góp phần duy trì, gìn giữ văn hóa truyền thống và phát triển du lịch.

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, dịp đầu năm, ở nhiều địa phương trên địa bàn đã tổ chức các lễ hội, trong đó chú trọng lưu truyền những giá trị truyền thống, đặc biệt nói không với mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình hay hủ tục lạc hậu và thực hành tiết kiệm, hiệu quả.

Các lễ hội truyền thống chính là nơi để mọi người hướng về những giá trị cội nguồn tốt đẹp, khơi dậy khát vọng xây dựng, cống hiến cho quê hương, đất nước. Đồng thời là nơi để kết nối, tăng tình đoàn kết các khu dân cư, thu hút khách du lịch cũng là tiền đề, nền tảng xây dựng bản sắc văn hóa đặc trưng cho mỗi địa phương.

Những năm qua, trong các lễ hội, nghi thức phần lễ được thực hiện trang nghiêm, thành kính, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương. Phần hội có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống và hiện đại, tạo nên không gian lễ hội vui tươi, lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Các lễ hội tuy được tổ chức với quy mô khác nhau song đều thu hút sự tham dự của đông đảo nhân dân địa phương và du khách.

Để đảm bảo mùa lễ hội Xuân nói riêng và việc tổ chức các lễ hội trong năm 2025 diễn ra vui tươi, an toàn, lành mạnh, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc cũng như thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, ngày 8/1/2025, UBND tỉnh ban hành văn bản số 36/UBND-VP6 yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thành phố Tăng cường công tác quản lí và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh năm 2025. Đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân, nghiêm túc thực hiện quy định về tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Thời gian tới, đặc biệt là những tháng đầu năm, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục tăng cường sự phối hợp các cơ quan liên quan, UBND huyện, thành phố trong công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn tổ chức lễ hội, đồng thời đẩy mạnh thanh, kiểm tra đảm bảo các lễ hội được tổ chức đúng quy định.

Hải Yến (TTXVN)
Điểm danh 3 sản phẩm du lịch mới hứa hẹn 'làm mưa làm gió' tại Đà Nẵng
Điểm danh 3 sản phẩm du lịch mới hứa hẹn 'làm mưa làm gió' tại Đà Nẵng

Du xuân Đà Nẵng những ngày này, chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên trước sự đổi mới đến bất ngờ từ những trải nghiệm và sản phẩm du lịch mới của thành phố. Và đừng bỏ qua 3 trải nghiệm mới cực kỳ thú vị lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố sông Hàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN