Nhà báo Đặng Văn Nở đã chứng minh rằng không cứ phải là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp mới có thể giành ngôi vương. Anh đã đoạt Huy chương Vàng của FIAP với tác phẩm "Em bé Cơ Tu" trong cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 7 tại Việt Nam.
1.Sáng chủ nhật 1/12, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội), trong tiết trời se lạnh, rất đông nghệ sĩ nhiếp ảnh có mặt để chứng kiến giây phút được mong chờ nhất của giải thưởng thường niên được trao hai năm một lần-cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế do Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt nam (VAPA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP). Khi cái tên Đặng Văn Nở được xướng lên cho Huy chương Vàng ở thể loại ảnh chân dung do FIAP trao tặng, nhiều người nhìn lên khán đài với ánh mắt ngạc nhiên. Tác giả của bức ảnh "Em bé Cơ Tu" quá trẻ.
Đặng Văn Nở và tác phẩm "Em bé Cơ Tu". |
Nhìn anh chân chất, mộc mạc, nụ cười hiền, nói năng chậm dãi, đĩnh đạc quy chuẩn giống một công chức hơn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nếu tìm kiếm ở vẻ bề ngoài thường thấy của những tay máy chuyên nghiệp chất lãng tử, phong sương, ống kính tê lê dài mấy gang tay, tóc dài thổi bay trong gió hoặc búi tó củ hành, ăn sóng nói gió, hẳn nhiên không có ở anh. Nhưng tất cả những điều ngạc nhiên thoáng qua ấy được quên ngay bởi người ta quan tâm đến bức ảnh của anh.
2.Bức ảnh đơn sắc (đen trắng) đặc tả khuôn mặt của em bé Cơ Tu với bố cục truyền thống của ảnh chân dung. Điều đặc biệt của bức ảnh là đôi mắt to đen láy như đọng nước nhưng tươi sáng của em bé như hút ánh nhìn của bất cứ ai khi chạm đến. Bức ảnh này Đặng Văn Nở chụp trong chuyến đi cùng CLB Nhiếp ảnh Nghệ thuật Sông Hàn (thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố Đà Nẵng) về làng Aduông 2 thuộc thị trấn Prao, huyện Đông Giang, Quảng Nam trao quà giúp đỡ đồng bào dân tộc Cơ Tu tại đây.
Ấn tượng đầu tiên của anh về em bé này là khuôn mặt rất ngây thơ, đôi mắt sáng trong và nụ cười mỉm rất huyền bí. Và giây phút bắt gặp ánh nhìn của em bé, anh đã bấm máy. Bức ảnh này anh rất thích nên gửi dự thi ở nội dung ảnh nghệ thuật chân dung cùng với những bức ảnh khác ở các chủ đề Thiên nhiên, Du lịch và Tự do như qui định của ban tổ chức. Khi chọn bức ảnh này, Đặng Văn Nở không thể nghĩ rằng bức ảnh có thể đoạt giải vì bố cục bức ảnh này hơi cổ điển. Trong khi đó, cuộc thi lần này, có tới 4.005 ảnh chân dung trong tổng số 15.360 ảnh của hơn 1.427 tác giả là những nhà nhiếp ảnh trên toàn thế giới gửi đến dự thi.
Vì thế khi nghệ sĩ nhiếp ảnh Thân Nguyên thông báo tin vui này lúc anh đang ngồi viết bài ở cơ quan (Đặng Văn Nở là phóng viên viết mảng thời sự-chính trị của báo Đà Nẵng) thì anh không tin. Tưởng đâu mấy anh nói đùa cho vui, không ngờ khi mở trang Thông tin điện tử của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam ra thì đó là sự thật. Niềm vui và hạnh phúc như vỡ òa, chiến thắng ngoài mong đợi ấy như nguồn động lực, niềm an ủi anh trong suốt những ngày tháng qua, khi anh gắn bó với nghề báo-nghề đã cho anh bén duyên với nhiếp ảnh.
3.Đặng Văn Nở (SN 1977) sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Anh từng thi đỗ Đại học Tổng hợp khoa văn nhưng nhà nghèo nên không thể đi học. Gác lại giấc mơ giảng đường Đặng Văn Nở lên đường nhập ngũ. Ba năm sau trở về, anh vẫn như ngày ra đi, tay trắng, không nghề nghiệp. Làm gì bây giờ, chỉ còn cách đi thi lại. Để có thể học mà không phải lo học phí, anh chọn Cao đẳng sư phạm Sử-Địa thuộc Đại học Đà Nẵng. Tốt nghiệp, anh không có cơ hội xin được việc làm. Anh làm đủ nghề để kiếm sống, từ phụ hồ, bảo vệ, nhân viên kinh doanh,... Trong thời gian này, khi thuê nhà ở cùng với những người bạn học cùng trường, thấy bạn khi chưa có việc làm nhưng thường xuyên cộng tác cho một số tờ báo, thế là anh tập tành viết lách và cộng tác.
Nghề báo đúng là có đặc trưng riêng của nó, bằng cấp là một chuyện nhưng năng khiếu cũng giúp ích rất nhiều cho họ có thể đến với nghề. Một thời gian sau, khi báo Đà Nẵng tuyển phóng viên, anh đã trúng tuyển. Từ đấy là những ngày tháng anh vừa làm vừa học thêm một trường đại học. Cũng từ làm báo, để có thể phục vụ cho công việc, Đặng Văn Nở đã bước chân vào làng nhiếp ảnh, trở thành hội viên CLB Nhiếp ảnh Sông Hàn. Với anh, làm báo là cái duyên ban đầu thì chụp ảnh là cái duyên về sau và anh đã bị nhiếp ảnh chinh phục.
Cho đến bây giờ, Đặng Văn Nở đã chụp hàng ngàn bức ảnh ở các đề tài nhưng chủ yếu là ảnh báo chí. Chụp ảnh nghệ thuật đòi hỏi cao hơn rất nhiều, ngoài kiến thức ra thì còn cần phương tiện kỹ thuật. Nhưng có một bức ảnh mà Đặng Văn Nở chụp sau đó giành được giải thưởng đã tiếp cho anh thêm sức mạnh, rằng anh có thể làm được điều kỳ diệu ngay trong điều kiện khó khăn, thua kém về mặt công nghệ. Đó là tác phẩm Lung linh Sông Hàn anh chụp năm 2008, khi lần đầu tiên Đà Nẵng tổ chức cuộc thi pháo hoa quốc tế.
"Đến bây giờ tôi vẫn không quên, hôm đó, tôi đi cùng một số nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Đà Nẵng đến một tòa nhà cao tầng để chụp ảnh pháo hoa. Vừa lên đến tầng thượng của tòa nhà 12 tầng, tôi bất ngờ thấy những tay máy từ Thành phố Hồ Chí Minh ra với phương tiện rất hiện đại và chuyên nghiệp. Có người nói vui với tôi rằng, máy “cùi bắp” này thì về đi, chụp được cái gì mà đứng cho chật chỗ (chiếc máy ảnh bán chuyên nghiệp này tôi mua lại của một người mang từ nước ngoài về). Tôi cảm thấy ái ngại cho bản thân mình nhưng vẫn im lặng và tìm cho mình một vị trí thật khiêm tốn và mải mê chụp. Sau cuộc thi bắn pháo hoa đó, thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc thi ảnh với chủ đề Ảnh đẹp pháo hoa. Tôi cũng chọn và gửi mấy tác phẩm. Thật bất ngờ, bức ảnh chụp đêm hôm đó được trao giải Ba. Sau đó, người mà nói với tôi hôm ấy gặp bắt tay tôi và nói: Thì ra máy ảnh tốt chưa hẳn đã có hình đẹp", Đặng Văn Nở kể.
4. Nhưng những tác phẩm đoạt giải này với anh vẫn chưa phải là bức ảnh đem lại cho anh nhiều cảm xúc nhất cho đến khi anh chụp được bức ảnh mang tên Nỗi đau. Tác phẩm này anh chưa công bố. Bức ảnh này anh chụp tại Hội trường UBND tỉnh Quảng Bình, nơi diễn ra lễ dâng hương và lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê nhà Quảng Bình. Để có được bức hình này, anh đã “phục” hơn một giờ đồng hồ và chụp gần 100 bức ảnh về một nữ sĩ quan trẻ đang khóc nghẹn ngào tiễn đưa đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hay tác phẩm Nước mắt người mẹ, Đặng văn Nở chụp một người phụ nữ có hai con bị nhiễm chất độc da cam. Trong gần 20 năm qua, người mẹ ấy đã vượt qua bao khó khăn để chăm sóc chu đáo cho những đứa con tật nguyền. Bức ảnh chụp không hề thấy người mẹ khóc, nhưng ai đó khi nhìn vào chắc hẳn sẽ không khỏi rơi lệ… Để có bức ảnh này, Đặng Văn Nở đã đến thăm gia đình chị ấy rất nhiều lần, tâm sự, sẻ chia với những mất mát và nỗi đau mà họ đang phải trải qua.
Bài và ảnh:Xuân Phong