Nằm dưới chân đồi Vọng Cảnh, làng hương Thủy Xuân nổi tiếng bậc nhất trong nghề làm hương bao đời nay của Cố đô Huế. Nghề làm hương có mùa vụ quanh năm, nhưng vào dịp cuối năm, không khí làm việc ở làng nghề trở nên khẩn trương hơn.
Các cơ sở sản xuất hương hối hả trộn bột, se hương để chuẩn bị cho những chuyến hàng Tết. Đến làng hương, không khí Tết thật rõ ràng, mùi thơm nồng nàn trong gió. Hàng ngàn bó hương, tăm hương được xếp cẩn thận, bung xòe như đóa hoa, tạo thành một con đường hoa đủ sắc màu. Thương lái ra vào vận chuyển hàng đi khắp nơi.
Bà Nguyễn Thị Loan cho biết: Từ tháng 10, gia đình bà đã bắt đầu chuẩn bị sản xuất hương phục vụ mùa Tết nhưng từ tháng Chạp là thời gian khách hàng đặt mua nhiều. Nhiều thời điểm “cháy hàng” cả gia đình phải “tăng ca” thêm buổi tối, bình quân mỗi mùa Tết gia đình cung cấp cho thị trường khoảng 40 - 50 vạn hương.
Theo các cụ cao niên ở làng hương Thủy Xuân, nghề làm hương có từ thời Nhà Nguyễn. Người dân làng hương Thủy Xuân gắn bó, lưu truyền và phát triển nghề không chỉ vì kế sinh nhai mà còn bằng niềm say mê và trân quý nghề truyền thống của ông cha đã để lại. Làng hương Thủy Xuân cung cấp ra thị trường nhiều loại hương khác nhau như: hương quế, hương sả, hương nhài, hương vòng, nụ trầm, nhưng hương trầm là loại hương tạo nên tên tuổi cho làng nghề Thủy Xuân.
Mỗi cây hương trầm có ba nguyên liệu chính gồm tăm hương, bột trầm và chất keo. Tăm hương là phần lõi được vót từ ruột tre già sau đó mang nhúng vào phẩm màu để tạo chân hương. Để có được màu sắc tươi tắn cho chân hương, người thợ hòa một lượng bột màu thích hợp trong nước nóng, nhúng chân hương qua vài lần, sau đó đem phơi khô nhiều ngày nữa. Chất keo được tạo thành từ vỏ cây bời lời.
Để làm nên những nén hương không chỉ đòi hỏi rất nhiều nguyên liệu mà còn trải qua các công đoạn vô cùng công phu. Tuy nhiên, công đoạn quan trọng nhất phải kể đến là gia công bột trầm và se hương. Bột trầm được pha trộn với tỷ lệ thích hợp từ nhiều nguyên liệu khác nhau như: trầm và các vị tùng, trắc, quy đầu, bạch chỉ, hắc hương, hoa hồi, quế chi, ngoài ra còn kèm thêm cả vỏ quả bưởi rừng, hoa bưởi khô, quế, bạch đàn…
Sau đó, các thành phần sẽ được đem trộn đều với nước sao cho hỗn hợp bột đạt độ “dẻo quánh” là có thể bắt đầu công đoạn se hương. Se hương là một trong những công đoạn khó nhất trong quy trình làm hương và quyết định đến tính thẩm mỹ của sản phẩm. Khi se hương, người thợ phải lăn thật nhẹ và chắc tay để cho bột bám đều vào que hương. Hương sau khi se xong phải đủ nắng mới không bị mốc và để được lâu.
Hiện nay, tại Thừa Thiên - Huế có hơn 40 cơ sở sản xuất hương trầm, tinh dầu trầm và các sản phẩm mỹ nghệ trầm hương với tuổi đời hàng trăm năm. Hương trầm Thủy Xuân có mùi thơm xa, nhưng không nức khi đốt lên có mùi dịu nhẹ rất đặc trưng của xứ Huế mà không nơi nào có được.
Theo chị Tôn Nữ Phước Hạnh, một người làm hương gần 30 năm: Để làm ra những nén hương trầm ưng ý lại mang hương vị đặc trưng của người dân xứ Huế, không chỉ quan trọng ở khâu chuẩn bị nguyên liệu, mà còn đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn.
Người thợ sẽ gia giảm các thành phần hương liệu theo một tỉ lệ thích hợp bằng phương pháp gia truyền để tạo nên hương thơm khác biệt. Đặc biệt, hương của làng không sử dụng hóa chất, chỉ dùng các loại hương liệu, nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường, nên có màu vàng sáng hơn các loại hương những nơi khác; lúc đốt, hương sẽ cháy đến tận chân hương và tàn hương thì uốn cong rất đẹp.
Hiện nay, sản phẩm hương của làng Thủy Xuân không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà còn có mặt ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và xuất khẩu ra nước ngoài. Mỗi loại hương có giá bán khác nhau. Hương trầm loại thông dụng giá 80.000 đồng/bó, loại đắt nhất là 200.000 đồng/bó. Hương quế có giá 40.000 đồng/bó. Nụ trầm có giá từ 50.000 - 600.000 đồng/hộp.
Hiện nay, làng hương Thủy Xuân tồn tại hai kiểu sản xuất song song là làm thủ công bằng tay và làm bằng máy. Do nhu cầu thị trường ngày càng lớn, nhiều gia đình đã đầu tư máy móc để việc sản xuất được hiệu quả hơn.
Chị Tôn Nữ Anh Tuyết cho biết, làm thủ công bằng tay, một ngày, chị chỉ làm được 3.000 cây. Nhưng làm máy, sản lượng tăng hơn 5 lần so với làm tay. Nhưng người làm hương Thủy Xuân vẫn lưu giữ cách làm hương thủ công truyền thống để lưu giữ nét truyền thống và nghệ thuật làm hương. Tuy ít nhiều có sự vất vả, nhưng vì cách làm hương độc đáo này lại khiến khách du lịch yêu thích.
Những năm trở lại đây, người dân làng hương Thủy Xuân phát triển loại hình du lịch truyền thống kết hợp trải nghiệm nhằm quảng bá làng nghề và cách làm hương đến du khách trong và ngoài nước. Làng hương Thủy Xuân giờ đây trở thành địa điểm du lịch đặc sắc thu hút du khách. Trung bình mỗi ngày có khoảng 25 - 30 đoàn khách đến tham quan và trải nghiệm giúp người dân nơi đây càng có nhiều điều kiện hơn trong việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của ông cha.
Ông Chirstophe, du khách đến từ Pháp cho biết: “Nghề thủ công làm hương ở đây thật độc đáo. Hương rất thơm và có màu sắc đẹp mắt. Đến đây, chúng tôi còn được trải nghiệm làm hương, thật tuyệt vời”.
Ngày cuối năm, người dân làng hương Thủy Xuân nỗ lực chạy đua với thời gian để mang phong vị Tết cổ truyền đến từng nhà, từng vùng, làm cho không khí ngày Xuân thêm ấm áp và thắt chặt hơn sợi dây nguồn cội.