Là dự án phi lợi nhuận của một nhóm các bạn trẻ 9X, “Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương” nhằm mang lại cơ hội trải nghiệm các loại hình văn hóa nghệ thuật cổ truyền đến với công chúng hiện đại, đặc biệt là giới trẻ, qua đó khơi dậy niềm yêu thích, tự hào về giá trị bản sắc dân tộc, thúc đẩy những hành động gìn giữ, bảo tồn và phát huy một cách có hiệu quả.
Trải qua hai năm thực hiện, dự án “Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương” đã tổ chức thành công 3 khóa học với hai bộ môn: Chèo và Chầu Văn, cùng hàng loạt các chương trình trải nghiệm sáng tạo như: “Không gian nguồn cội”, “Young Culture day”, “Về nguồn”, “Trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể”, “Gala Tôi Chèo về quê hương”... đón nhận sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của những người đam mê nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là các bạn trẻ.
Các học viên tham gia đêm Gala Show của dự án “Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương”. |
Dưới sự bảo trợ chuyên môn của Nhà hát Chèo Việt Nam, năm nay, dự án “Chèo 48h” tiếp tục khởi động với các lớp học Chèo, Xẩm, Chầu Văn. Lớp học kéo dài khoảng 2 tháng, bắt đầu từ ngày 14/7 tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đến nay, mỗi lớp học đã thu hút hàng chục học viên tham gia, không phân biệt lứa tuổi và nghề nghiệp. Nhờ sự hướng dẫn và chỉ bảo tận tình của các thầy cô là những nghệ sỹ nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật dân gian truyền thống, thông qua mỗi giờ học các học viên được làm quen với các hình tượng nhân vật mẫu bằng việc hóa thân vào những nhân vật điển hình trong nghệ thuật Chèo như: Xã trưởng, Mẹ đốp, Cu Sứt, Xúy Vân... Sau đó, thông qua các hoạt động thực tế biểu diễn ở trường mầm non, sân đình - chùa hay đêm diễn tổng kết khóa học (Gala Show)... các diễn viên không chuyên đã lan tỏa tình yêu nghệ thuật chèo đến với nhiều khán giả, trong đó có khá nhiều bạn trẻ.
Vốn yêu thích và đam mê nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là bộ môn Chèo, bạn Ngô Thu Hà (sinh viên năm hai, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) đã đăng ký tham gia khóa học, Thu Hà chia sẻ: “Em tham gia lớp học Chèo với hy vọng sẽ được tiếp cận và tìm hiểu về nguồn gốc, sự ra đời của bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Thông qua các buổi học, qua lời ca, tiếng hát của Chèo, em có thể cảm nhận đằng sau vẻ đẹp về nội dung và hình thức là vẻ đẹp của ngôn ngữ qua từng lời thơ, làn điệu, hoàn cảnh của nhân vật trong các tích Chèo. Với em, đây là một trải nghiệm khá thú vị và bổ ích”.
Không chỉ riêng các bạn học viên, những giảng viên trực tiếp tham gia dự án cũng vô cùng hào hứng, NSƯT Thúy Ngần - Giám đốc Nhà hát thể nghiệm, giảng viên khoa Kịch hát dân tộc, trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh cho biết: “Tôi thực sự cảm thấy rất mừng và ngạc nhiên khi thấy các học viên lại say mê nghệ thuật truyền thống. Mặc dù không phải là những nghệ sỹ chuyên nghiệp nhưng các bạn lại có năng khiếu, có bản lĩnh lên sân khấu, hát và diễn trước nhiều người. Với sự say mê tìm tòi và ham học hỏi, các bạn còn lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống đến với mọi người”.
Băn khoăn trước tình trạng các bộ môn nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương... đang ngày càng thiếu thốn về nguồn nhân lực, NSƯT Thúy Ngần chia sẻ: “Tôi hy vọng, bên cạnh những lớp học nghệ thuật chuyên nghiệp sẽ ngày càng có nhiều lớp học như thế này hơn nữa, để nhiều người cùng được tiếp xúc với các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Việc làm này giúp tìm tòi và phát hiện ra những người có năng khiếu, có khả năng và đam mê nghệ thuật nhằm duy trì và phát triển các giá trị văn hóa của cha ông, như vậy thì mới có hy vọng nghệ thuật truyền thống không bị mai một”.