Lâu nay, kịch bản hay dành cho sân khấu không nhiều, kịch bản dành riêng cho chèo lại càng ít. Đã từ lâu, loại hình nghệ thuật chèo thiếu vắng hẳn lực lượng sáng tác cho nghệ thuật chèo, trăn trở chèo của nhà quản lý cũng như các đơn vị nghệ thuật chèo trong quá trình đưa chèo đến với công chúng.
Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 vừa diễn ra tại Hải Phòng, với sự tham gia của 17 đơn vị nghệ thuật Chèo trên toàn quốc, 24 tác phẩm dự thi. Số lượng tác phẩm dự thi có thể coi là nhiều, song vẫn chưa xuất hiện những kịch bản mới mà đa số là những kịch bản được chuyển thể từ các kịch bản của loại hình sân khấu khác. Thậm chí, do bí kịch bản, nhiều đoàn nghệ thuật đã phải dựng lại những kịch bản có cách đây hàng chục năm.
Các nghệ sĩ đoàn Chèo Hải Phòng biểu diễn tác phẩm “Ông Vua hóa hổ” trong đêm khai mạc. |
Bên cạnh đó, cũng chưa xuất hiện những gương mặt mới. Tại cuộc thi năm nay, riêng tiến sĩ Trần Đình Ngôn có 5 tác phẩm dự thi, trong đó 3 tác phẩm mới dàn dựng, 2 tác phẩm được dựng lại do các nhà hát không thể tìm được kịch bản ưng ý, phải phục dựng lại. Nhà viết kịch Trần Đình Văn có 3 vở, có gần chục vở là được chuyển thể từ kịch bản của các loại hình sân khấu khác. Điều này cho thấy, lực lượng sáng tác kịch bản cho nghệ thuật chèo đang thiếu vắng trầm trọng.
Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH, TT & DL) thừa nhận, sân khấu chèo đang thiếu những kịch bản hay, thiếu những đạo diễn có tay nghề để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mang tính đột phá. “Cả nước hiện có 18 đơn vị nghệ thuật chèo, nhưng đến nay chỉ còn có một tác giả viết riêng cho chèo, đó là tiến sĩ Trần Đình Ngôn - đó là điều vô cùng khó khăn. Đa số các nhà hát phải chuyển thể từ kịch nói sang chèo. Đó là chưa kể, lực lượng đạo diễn, âm nhạc, lực lượng sáng tạo, biên đạo… cũng đếm trên đầu ngón tay. Cứ như thế này, không biết sân khấu chèo sẽ đi về đâu”, ông Nguyễn Đăng Chương lo lắng.
NSƯT Trịnh Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội chia sẻ, để có một kịch bản hay dàn dựng hiện nay là điều vô cùng khó khăn, chẳng khác gì đãi cát tìm vàng. Nhà hát chèo Hà Nội cũng rất khổ sở mỗi khi tìm kiếm kịch bản. Hầu như thời gian rỗi, NSƯT Thúy Mùi đều dành để đọc các loại kịch bản, nhưng dù đọc rất nhiều, cũng không dễ gì có thể tìm được một kịch bản hay, bởi hiện tại còn rất ít tác giả viết cho chèo.
NSƯT Vũ Ngọc Cải, Giám đốc Nhà hát chèo Thái Bình, cái nôi của nghệ thuật chèo, cũng thừa nhận, những kịch bản viết cho nghệ thuật chèo hiện nay đúng là rất thiếu hụt và khó khăn. Lâu nay, các đoàn nghệ thuật dựng các vở diễn thường phải lấy kịch bản của các đoàn khác, rồi chuyển thể sang. Tuy nhiên, việc chuyển thể này lại phụ thuộc rất nhiều đến trình độ của người chuyển thể có nắm được chèo hay không. Trên thực tế, nhiều nghệ sỹ tham gia chuyển thể, nhưng chưa nắm chắc lối hành văn của chèo, gieo vần điệu không chuẩn, rồi cách đặt lời bài hát cho kịch bản cũng không đến đầu đến đũa… thêm vào đó, bố cục cho một kịch bản sân khấu chèo không hề giống như những loại hình nhân vật của các nghệ thuật khác… từ những yếu tố này cho thấy, kịch bản cho chèo khan hiếm và khó khăn, kể cả khi chuyển thể, anh em nghệ sỹ có kinh nghiệm lại tự chuyển thể cho riêng mình, bằng kinh nghiệm của mình, nên ở nhiều kịch bản mà nghệ sỹ chưa có kinh nghiệm diễn thì sẽ không đến đầu đến đũa, chưa chuẩn là chèo.
Tiến sỹ Trần Đình Ngôn, người chuyên viết kịch bản cho sân khấu chèo chia sẻ: Hiện nay, các tác giả chuyên viết chèo đều đã cao tuổi, những tác giả trẻ tuổi có khả năng viết chèo, cũng như chuyển thể chèo tuy có, nhưng không nhiều, các tác giả trẻ thành nghề lại càng hiếm. Tuy đã có xuất hiện một số cây bút trẻ, nhưng chưa có độ tin cậy, nhiều kịch bản không được dàn dựng… Cứ đà này, chỉ vài năm nữa, tình trạng thiếu kịch bản cho sân khấu chèo sẽ ngày càng trầm trọng, khiến những người trong nghề không khỏi lo lắng, trăn trở. |
Phương Hà