Để giữ lửa cho chèo

Liệu chèo có còn giữ được bản sắc hay dần dần phai nhạt, đánh mất đi cái gốc của chèo? Làm sao định hướng để các đoàn chèo không đánh mất cái gốc, mà vẫn phát triển, tạo được sức hấp dẫn cho thương hiệu của mình? Đó thực sự là những vấn đề đặt ra với chèo hiện nay.


Vẫn còn lửa


Có thể nhận thấy rất rõ hai khuynh hướng của người làm chèo bộc lộ trong 24 vở diễn của 17 đoàn tham dự "Cuộc thi nghệ thuật chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013". Một khuynh hướng bám trụ, tôn trọng những thủ pháp truyền thống của chèo một cách tối đa và một khuynh hướng muốn cách tân để làm mới cho chèo. Dẫu là khuynh hướng nào, thì trong suốt 14 ngày diễn ra cuộc thi tại Hải Phòng, người dân đã tới đông nghịt các suất diễn để được thưởng thức.


Việc trao giải của Ban giám khảo cũng đã thừa nhận những nỗ lực sáng tạo thành công nhất của những vở diễn thuộc cả hai khuynh hướng này. Đặc biệt là 3 vở diễn xuất sắc giành HCV là "Vương nữ Mê Linh" (Nhà hát chèo Hà Nội), "Người thầy của muôn đời" (Nhà hát Chèo Quân đội) và "Chuông ngân rừng trúc" (Nhà hát Chèo Hải Dương).

Một cảnh trong vở chèo "Vương nữ Mê Linh".


Bên cạnh đó, cuộc thi năm nay chứng kiến sự chuyển hướng khá mạnh của chèo từ hình thức chiếu chèo dân dã lên sân khấu rộng lớn với quy mô hoành tráng, âm thanh, ánh sáng được đầu tư kỹ lưỡng. Khán giả không chỉ được thưởng thức những giọng ca mượt mà, đằm thắm, mà còn “mãn nhãn” khi chứng kiến những cảnh diễn chỉ có thể xuất hiện ở thời kỳ công nghệ hiện đại.


Cần nhiều nỗ lực


NSƯT Thanh Bình chia sẻ: "Chỉ ở những đơn vị được sự quan tâm của địa phương thì trình độ diễn viên mới khởi sắc. Hiện nay điều mà ngành chèo rất lo bởi nguy cơ bị mai một, một số đoàn chèo chuyên nghiệp nhưng lại ít diễn chèo mà chủ yếu là dựng các chương trình ca nhạc, hài kịch để cốt có doanh thu, đơn cử như Đoàn chèo Quảng Ninh. Cứ trước kỳ thi, các đoàn lại xốc lại không khí làm nghề, bỏ ra hàng tháng trời dàn dựng nhưng vẫn khó mà có thể xoay chuyển được tình thế chèo đang mất nghề, mất khán giả cho bộ môn nghệ thuật của mình".


Thực tế đúng là như vậy, có thể thấy rất rõ, nơi nào lãnh đạo tỉnh, Sở VHTTDL quan tâm đầu tư thì nơi đó nghệ thuật chèo được phát triển, còn nếu không thì dựng chèo, diễn chèo chỉ "cho có", để có tên trong danh sách các đơn vị chèo mà thôi. Thậm chí, một số đơn vị mang danh là chèo, nhưng chỉ có khi nào có cuộc thi thì mới dựng chèo còn không thì kịch mục biểu diễn thường xuyên của đơn vị lại là ca nhạc, tấu hài để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Không được tập luyện và diễn chèo thường xuyên đã khiến diễn viên khó có thể vào vai chèo nhuần nhuyễn, đạt độ chín sau vài tháng tập vở đi thi. Thật tiếc cho một số nghệ sĩ có thanh, có sắc nhưng vì hạn chế của kịch bản hay thiếu “đất diễn” cũng như thiếu khổ công tập luyện nên khó phát huy tại cuộc thi lần này.


Vấn đề đặt ra hôm nay đối với những người làm chèo trong việc bảo tồn và phát triển đó làm thế nào để diễn viên chèo sống được bằng nghề và có được những vở chèo có đời sống bằng những đêm diễn doanh thu, chứ không phải chỉ để dựng vở “cúng cụ” nhằm đi thi theo định kỳ. Vì vậy mục tiêu quan trọng nhất của các nhà hát lúc này là việc làm thế nào để sân khấu chèo đỏ đèn mỗi đêm. Rất nhiều nhà hát đã chịu khó "làm mới” với việc đầu tư tiền tỷ vào mỗi vở diễn, hay kết hợp các loại hình hoặc tìm cách quảng bá loại hình nghệ thuật đặc trưng này... Đơn cử như Nhà hát Chèo Việt Nam đã và bắt tay vào thực hiện Đề án Nhà hát Chèo Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2025 với một lộ trình phát triển trước mắt và lâu dài một cách khoa học từ dàn dựng chương trình, trích đoạn cho tới xúc tiến địa điểm biểu diễn thành nơi “điểm đến” của khách du lịch… Đó là chưa kể tới việc nhà hát đã tự tuyển và gửi trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội những diễn viên và nhạc công để có lớp kế cận. Nhà hát Chèo Hà Nội đang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để thực hiện Đề án xây dựng lớp khán giả kế thừa sẽ áp dụng với 150 trường tiểu học, THCS, THPT.


Bài và ảnh: Anh Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN