Tại cuộc họp báo diễn ra chiều 22/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: Lễ kỷ niệm 140 năm Ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức và đây cũng là lần đầu tiên ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức theo quy mô quốc gia.
Hoạt động kỷ niệm nhằm khẳng định, tôn vinh trí tuệ, đạo đức, nhân cách, tinh thần yêu nước và tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng; tri ân những công lao, đóng góp to lớn của cụ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; đồng thời phát huy và giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học và ý chí cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Theo đó, Lễ kỷ niệm 140 năm Ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng sẽ được tổ chức vào lúc 9 giờ ngày 1/10 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam. Ngay trước Lễ kỷ niệm, vào 7 giờ 30 cùng ngày, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu sẽ tổ chức Lễ viếng, dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước.
Lễ kỷ niệm 140 năm Ngày sinh nguyên Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng sẽ được tổ chức vào ngày 1/10, tại quê hương Quảng Nam. Ảnh Tư liệu |
Trước ngày diễn ra Lễ kỷ niệm, BTC tổ chức viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng tại núi Thiên Ân, huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) và Khu lưu niệm Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Trung Bộ tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Vào tối 30/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Huỳnh Thúc Kháng với quê hương” tại sân vận động huyện Tiên Phước.
Nhân dịp này còn diễn ra một số hoạt động đáng chú ý khác như: Hội thảo khoa học “Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam” (tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Hà Nội), với 60 bài tham luận của các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn, các nhà khoa học; Hãng phim tài liệu và Khoa học Trung ương xây dựng bộ phim tài liệu với tiêu đề “Huỳnh Thúc Kháng - Chí sĩ nhiệt thành lo nước thương dân” (phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam và các Đài truyền hình địa phương trước và trong dịp diễn ra Lễ kỷ niệm); Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách giới thiệu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng… cùng nhiều hoạt động nổi bật khác, diễn ra tại địa phương.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng, hiệu Mính Viên, tự Giới Sanh, sinh tháng 10 năm Bính Tý (1876) tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) tỉnh Quảng Nam. Năm 1900 cụ đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương và đến năm 1904 đỗ Tiến sỹ. Kế thừa truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc Việt Nam và quê hương Quảng Nam, cụ Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan mà dấn thân vào các hoạt động yêu nước diễn ra sôi nổi những năm đầu thế kỷ XX.
Năm 1904, cụ cùng các sĩ phu yêu nước nổi tiếng đương thời như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can… khởi xướng phong trào Duy Tân, tích cực vận động, tuyên truyền trong nhân dân tinh thần yêu nước, đấu tranh đòi chính quyền thực dân thực hiện cải cách với tinh thần “khai thông dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân… Năm 1908 cụ bị thực dân Pháp bắt đày đi Côn Đảo. Sau khi được thả tự do, cụ tiếp tục các hoạt động yêu nước. Năm 1928 cụ lập ra công ty Huỳnh Thúc Kháng, đồng thời làm chủ nhiệm kiêm chủ bút Tiếng Dân.
Cách mạng tháng Tám thành công, cụ Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ lâm thời với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đầu năm 1946, cụ làm Chủ tịch hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam. Tháng 5/1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, cụ được giao chức vụ Quyền Chủ tịch nước. Với trọng trách được giao, cụ góp phần tích cực xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, vừa đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực phản động thời bấy giờ. Cuối năm 1946, cụ được cử làm Đặc phái viên của Chính phủ vào Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Trung bộ. Ngày 21/4/1947 cụ lâm bệnh nặng và mất tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
Cuộc đời cụ Huỳnh Thúc Kháng là một tấm gương tiêu biểu của một bậc đại trí thức yêu nước nhiệt thành, luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, vì dân vì nước đến hơi thở cuối cùng, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao… Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Với những đóng góp to lớn với dân tộc, ngày 15/4/2013, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang truy tặng Huân chương Sao Vàng.