Khôi phục võ cổ truyền Gò Công trước nguy cơ thất truyền

Hệ phái võ Gò Công xuất phát từ nghĩa quân của anh hùng dân tộc Trương Định trong thời kỳ chống Pháp.

Thị xã Gò Công (Tiền Giang) được xem là cái nôi võ cổ truyền Gò Công với võ đường do võ sư Triệu Tử Long (tên thật là Phạm Văn Trí) sư tổ của hệ phái võ Triệu Tử Long (tên gọi khác của võ Gò Công) sáng lập. Tuy nhiên, trải qua những biến động lịch sử, do nhiều yếu tố, hệ phái võ Gò Công dần bị mai một, phái võ tinh hoa này đang đứng trước nguy cơ thất truyền.

Chú thích ảnh
 Môn sinh võ Gò Công thực hiện bài song nhuyễn tiên.

Thời kỳ huy hoàng

Theo nhiều nguồn tài liệu cũng như các võ sư lớn tuổi kể lại, hệ phái võ Gò Công xuất phát từ nghĩa quân của anh hùng dân tộc Trương Định trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Cố võ sư Phạm Văn Trí sau khi học nghệ từ nghĩa quân, ông tiếp tục theo đuổi những môn võ khác, rồi sau này rút ra tinh hoa lập lên phái võ Gò Công.

Sinh thời, cố võ sư Phạm Văn Trí mở võ đường Triệu Tử Long, thu nhận đệ tử và truyền dạy võ công. Trong những học trò của ông, nhiều người đã nổi danh trong làng võ thuật như các võ sư Hồng Long (tên thật Phạm Văn Thời), Sơn Long (tên thật Phạm Văn Chơi), Trần Bình Long (tên thật Trần Văn Mừng), Hồng Yên (tên thật Nguyễn Văn Yên)…

Trong thời kỳ kháng chiến, nhiều người đã theo học võ Gò Công để tự vệ cũng như chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược. Nhờ những thế võ thực chiến hiệu quả, ít hoa mỹ, nhắm điểm yếu của địch mà đánh, hạ đối phương trong thời gian ngắn, sử dụng nhiều loại vũ khí thân thuộc với người dân Nam bộ như liềm, gậy tầm vông, mái chèo, mà những đòn thế của võ Gò Công phát huy tối đa hiệu quả.

Võ sư Sơn Long đã gần 70 tuổi, quê ở thị xã Gò Công (Tiền Giang) hào hứng kể lại: “Sau khi võ sư Phạm Văn Trí qua đời vào năm 1972, con trai ông là võ sư Hồng Long tiếp tục duy trì và mở rộng võ đường, đây cũng chính là giai đoạn đỉnh cao của hệ phái võ Gò Công". Cùng thời với võ sư Hồng Long, những võ sư khác cũng bắt đầu mở các võ đường và truyền dạy võ thuật trên địa bàn tỉnh, khi cao điểm có tới hàng ngàn môn sinh theo học.

Ngoài việc duy trì và mở rộng võ đường, điều giúp danh tiếng hệ phái võ Gò Công ngày càng vang xa hơn chính là nhờ những võ sư lứa đầu của môn phái; trong đó có võ sư Trần Bình Long - người được mệnh danh là tay đấm không biết mệt. Với thể lực tốt, kèm theo kỹ thuật linh hoạt, kinh nghiệm thực chiến nhiều, suốt thời trai trẻ, võ sư Trần Bình Long đã thượng đài trên 20 lần với 17 trận thắng knock-out các đối thủ trong, ngoài nước, đặc biệt là có nhiều đối thủ từng vang danh làng võ thuật các nước Trung Quốc, Campuchia…

Theo võ sư Trần Bình Long, hệ phái võ Gò Công từng được nhiều người theo học vì tính thực chiến cao, ít hoa mỹ, ra đòn nhanh gọn, triệt hạ đối phương trong thời gian ngắn nhất. Đặc sắc nhất của phái võ này phải kể đến những đòn cước tiền, phá trụ và bộ thủ pháp sử dụng trỏ, được xem như cốt lõi của môn phái.

Võ sư Thanh Vân, người đang mở võ đường và truyền dạy võ thuật Gò Công trên địa bàn huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), cho biết thêm: Ngoài những đòn thế căn bản dùng trỏ, gối, phá trụ, những bài quyền đặc trưng của phái võ Gò Công như bài Mai Hoa Quyền, Long Hổ Hội, La Thiên Côn, Song Nhuyễn Tiên, võ Gò Công còn áp dụng nhiều loại binh khí thân thuộc của người dân Nam bộ như dùng mái chèo hay liềm gặt lúa để áp dụng vào thực chiến. Những vật dụng này tuy đơn giản nhưng khi kết hợp vào thủ pháp và được tập luyện bài bản sẽ phát huy tác dụng lớn.

Nguy cơ thất truyền

Hiện nay, phái võ Gò Công đang gặp nhiều khó khăn khiến môn võ này đứng trước nguy cơ bị thất truyền.

Theo ông Lê Bá Tùng - Chủ tịch Hội võ cổ truyền tỉnh Tiền Giang, hiện toàn tỉnh chỉ còn 4-5 võ đường, với trên 200 võ sinh tập luyện không thường xuyên. Từ một môn phái có hàng ngàn võ sinh theo học, vang danh khắp các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, đến nay số học trò ít, phong trào luyện tập cũng đi xuống đáng kể.

Chú thích ảnh
Môn sinh võ Gò Công thực hiện bài quyền bộ pháp trỏ.

Có nhiều lý do nhưng lý do chính phải kể đến là trong khoảng thời gian dài (từ những năm 1995 đến nay), môn phái không được truyền dạy phổ biến. Bên cạnh đó, nhiều võ sư nắm giữ kỹ thuật, tuyệt học của môn phái nay đã tuổi cao, sức yếu, không thể truyền đạt lại được cho lứa học sinh sau này, khiến môn phái mai một nhiều. Ngoài ra, giới trẻ hiện nay không còn mặn mà với võ thuật cổ truyền nên việc tập hợp, truyền dạy rất khó khăn. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều võ sư tâm huyết với nghề cũng đành bỏ dở để chạy theo nỗi lo cơm gạo.

Để vực dậy truyền thống võ thuật cổ truyền nói chung và hệ phái võ Gò Công nói riêng, Hội võ cổ truyền tỉnh Tiền Giang đã tích cực phối hợp với Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao tỉnh Tiền Giang mời những võ sư gạo cội vực lại phong trào; đồng thời sẽ tổ chức những giải thi đấu võ thuật ngay tại vùng đất Gò Công xưa để khơi lại tinh thần luyện tập, khôi phục môn võ tinh hoa trước nguy cơ thất truyền.

Bài và ảnh: Nam Thái (TTXVN)
Khai mạc Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lần thứ 5
Khai mạc Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lần thứ 5

Ngày 23/7, tại Trung tâm Thể dục thể thao Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố phối hợp với Liên đoàn Võ cổ truyền thành phố tổ chức khai mạc Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lần thứ 5 và Liên hoan Võ cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lần thứ 14 năm 2018 với chủ đề: Võ Việt đất phương Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN