Khai mạc Liên hoan các câu lạc bộ Bài chòi tỉnh Bình Định năm 2024​

Tối 2/8, Liên hoan các câu lạc bộ Bài chòi tỉnh Bình Định năm 2024 chính thức khai mạc.

Hoạt động do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định tổ chức nhằm mục đích bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi Bình Định nói riêng, Di sản quốc gia và nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam, Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nói chung.

Tại lễ khai mạc, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định Huỳnh Văn Lợi nhấn mạnh, thời gian qua, trên cơ sở quán triệt sâu sắc các Nghị quyết chuyên đề về văn hóa của Trung ương Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình công tác liên quan tới lĩnh vực văn học nghệ thuật, cụ thể hóa chủ trương, giải pháp thực hiện; trong đó, tập trung tôn vinh, phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ trên địa bàn tỉnh có tác phẩm xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao, sức ảnh hưởng sâu rộng trong công chúng.

Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định Huỳnh Văn Lợi cho biết thêm, Liên hoan là "sân chơi" góp phần khơi nguồn cảm hứng trong lao động sáng tạo nghệ thuật của đội ngũ những người làm nghề cũng như tấm lòng cầu thị và sự tri ân sâu sắc tới đông đảo công chúng có niềm yêu thích, đam mê với lĩnh vực này.   

Liên hoan các câu lạc bộ Bài chòi tỉnh Bình Định năm 2024 diễn ra trong 2 ngày (từ ngày 2-3/8), gồm nội dung chính là thi trình diễn nghệ thuật Bài chòi dân gian do 1-2 câu lạc bộ Bài chòi tiêu biểu của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham gia. Phần thi sẽ trọn vẹn 1 ván đầy đủ, trình thức từ khai trường đến dâng thưởng của hội đánh Bài chòi dân gian.

Bình Định được biết đến là miền đất phát tích và lan tỏa nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, tiêu biểu là nghệ thuật Hát bội, Bài chòi, Võ cổ truyền và nhiều lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống… Trong đó, Bài chòi là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống tại nông thôn Bình Định và các tỉnh miền Trung. Tiền thân từ những câu hô, phong cách diễn xướng của anh Hiệu trong Hội đánh Bài chòi dân gian, cùng với dân ca cổ đã dần hòa quyện cùng nhau để định hình, phát triển thành một loại hình nghệ thuật sân khấu như ngày nay.

Song hành với thời gian, nghệ thuật Bài chòi không ngừng được chọn lọc, kế thừa, nâng cao, tạo nên bản sắc văn hóa không thể trộn lẫn. Bản sắc ấy là nền tảng tinh thần, là động lực trực tiếp, là sức mạnh nội sinh giúp người dân nơi đây sinh cơ, lập nghiệp; làm “tươi mát tâm hồn” bao thế hệ và bồi đắp cho mối cố kết cộng đồng ngày thêm bền chặt. Chính vì vậy, nó không chỉ tồn tại và thăng hoa trong phạm vi khu vực Trung bộ mà còn lan tỏa ra cả trong và ngoài nước. Có được thành quả ấy là do công sức, trí tuệ, tâm huyết của các bậc tiền nhân, của bao thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân đã lao động sáng tạo, gìn giữ, trao truyền.

Lê Phước Ngọc (TTXVN)
Người phụ nữ góp phần truyền lửa dân ca bài chòi
Người phụ nữ góp phần truyền lửa dân ca bài chòi

Say mê nghệ thuật truyền thống từ bé, bà Phạm Thị Lượng (57 tuổi), trú tại xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi luôn miệt mài biểu diễn, sáng tác bài chòi. Trong vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài chòi huyện Mộ Đức, nhiều năm qua, bà đã mang lời ca, tiếng hát ngọt ngào của mình để phục vụ quần chúng và truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN