“Bài chòi” là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Bài chòi” diễn ra vào buổi tối ở không gian ngoài trời, với sân khấu mang đậm chất dân gian. Vì vậy người dân Quảng Nam rất yêu thích loại hình nghệ thuật này.
Nhận thức được vai trò của bài chòi ăn sâu vào tiềm thức, đời sống văn hóa cộng đồng, nếu lồng ghép được vào chính sách bảo hiểm xã hội sẽ rất hiệu quả, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Trung tâm văn hóa tỉnh nghiên cứu xây dựng kịch bản chương trình hô hát bài chòi truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo truyền thống dân gian, tập trung vào tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bằng cách mềm hóa chính sách vốn dĩ rất khô cứng theo cách gần gũi đời thường nhất, hấp dẫn nhất, việc sân khấu hóa nội dung chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua nghệ thuật dân gian “bài chòi” đã khiến cho người được tuyên truyền dễ hiểu và thấm sâu hơn về chính sách nhân văn này. Từ đó, nâng cao hơn nữa nhận thức về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, về quyền lợi, lợi ích để người dân đăng ký tham gia; tác động trực tiếp đến nhóm đối tượng chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là người dân, người lao động tự do tại cơ sở.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Quảng Nam Nguyễn Thanh Danh cho biết, ý tưởng này xuất phát từ việc kết hợp hình thức văn hóa dân gian của địa phương và nội dung tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, tạo nên hình thức tuyên truyền mới, dễ lôi cuốn, thu hút nhiều người dân quan tâm. Tham dự buổi tuyên truyền, người dân vừa được thưởng thức văn hóa tinh thần, vừa được tìm hiểu về chính sách an sinh xã hội. Đây là hình thức tuyên truyền mới lạ, là sự kết hợp giữa công tác tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước với nghệ thuật dân gian mang đậm bản sắc địa phương.
Trước buổi tuyên truyền, Trung Văn hóa tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp với địa phương thông báo trên sóng phát thanh xã, phường và tuyên truyền lưu động trên địa bàn. Trong thời gian diễn ra buổi tuyên truyền, Bảo hiểm xã hội tỉnh đặt bàn tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và trả lời tư vấn khi người dân có nhu cầu. Khi được tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở, hình thức này có sự tương tác qua lại với người nghe nên hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn.
Mỗi buổi tuyên truyền kéo dài khoảng 60 phút, gồm 3 phần. Phần 1 là 4 tiết mục văn nghệ về ngành Bảo hiểm xã hội, về quê hương đất nước, do Trung tâm Văn hóa tỉnh và Trung tâm Văn hóa địa phương nơi diễn ra buổi tuyên truyền thực hiện. Đây là thời gian tạo nên sự sôi động, lôi cuốn người dân đến xem và Ban tổ chức sẽ phát tờ rơi tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Phần 2 là Mini games những câu hỏi về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện với các phương án để người dân lựa chọn. Với những hiểu biết về chính sách, cộng với tờ rơi tuyên truyền vừa được phát, người tham dự sẽ trả lời những câu hỏi về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thông qua Mini games này, người dẫn chương trình sẽ giải thích nội dung chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để người dân hiểu thêm những phương án lựa chọn đúng tương ứng với từng câu hỏi. Đây là phần cung cấp nội dung chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để giúp người tham gia biết và thưởng thức “bài chòi” một cách dễ hiểu nhất, góp phần đem lại hiệu quả của buổi tuyên truyền.
Phần 3 là bài chòi về bảo hiểm xã hội tự nguyện, cũng là phần chính của buổi tuyên truyền. Các nội dung cơ bản về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, một vài điểm nhấn về chức năng, nhiệm vụ ngành Bảo hiểm xã hội, tổ chức bộ máy… sẽ được chuyển tải thông qua các làn điệu hát đặc trưng của “bài chòi” như: Xàng xê, Xuân nữ, Hò quảng, Cổ bản…
Đặc biệt, maket sân khấu được thiết kế bởi các chất liệu tre trúc, lồng đèn, chòi, phướn, nhạc cụ truyền thống, cộng với trang phục áo bà ba, guốc mộc tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn của một chương trình tuyên truyền.
Đề cập đến hiệu quả của phương pháp truyền thông này, ông Nguyễn Thanh Danh cho biết, đây là cách truyền thông nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin cho những người đã, đang và sẽ tham gia bảo hiểm xã hội, những người trong tổ chức thực hiện; đồng thời duy trì những người đã và đang đóng bảo hiểm xã hội, tiếp tục thu hút người tham gia mới. Cho dù khó đo đếm được hiệu quả cụ thể, nhưng có thể thấy chương trình hô hát bài chòi có sức hút hơn hẳn các mô hình tuyên truyền khác.
Đến nay, Bảo hiểm xã hội Quảng Nam đã tổ chức được 20 buổi công diễn và đều thu hút rất đông người dân đến xem. Mỗi buổi bình quân có khoảng 400 người, đặc biệt, có buổi thu hút gần ngàn người xem như ở Hội An, Tiên Phước, Núi Thành. Người đến xem phần lớn là nông dân, lao động tự do, là đối tượng tiềm năng và quan tâm đến chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, đã góp phần chung vào công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh năm 2022 (tăng mới 5.568 người).
Sau mỗi buổi tuyên truyền, chương trình đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân, lãnh đạo địa phương, tăng thêm sự quan tâm, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và lan tỏa rộng hơn chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến với người dân.
Bên cạnh hình thức tuyên truyền trực tiếp, “Bài chòi về bảo hiểm xã hội tự nguyện” đã được truyền thông qua sóng Đài truyền hình Quảng Nam, hệ thống phát thanh xã, phường. Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Quảng Nam, sản phẩm truyền thông này có thể áp dụng để tuyên truyền trực tiếp tại các địa phương trên cả nước, nhất là các tỉnh miền Trung, cái nôi của loại hình nghệ thuật bài chòi, hoặc có thể truyền thông qua sóng phát thanh, truyền hình.
“Rất nhiều lãnh đạo huyện đề nghị Bảo hiểm xã hội đưa chương trình về biểu diễn ở huyện, xã, thôn, làng nhưng chúng tôi không đủ sức. Còn việc phát hành trên loa được thực hiện hàng ngày, hàng tuần, lúc nào người ta cũng nghe được, nghe rất hay, không ai chán. Các thông điệp dường như đã thấm sâu được vào đời sống của người dân”, vị Giám đốc này chia sẻ.
Sáng tạo thay đổi hình thức tuyên truyền để phù hợp với tình hình thực tế, áp dụng các hình thức truyền thông hiện đại, công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Quảng Nam những năm gần đây đạt được kết quả cao. Từ chỗ năm 2019, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện toàn tỉnh chỉ mới 6.674 người, năm 2020 tăng lên 17.618 người và năm 2021, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn phát triển được hơn 10.600 người tham gia mới.
Việc đổi mới công tác truyền thông cũng đã góp phần giúp Bảo hiểm xã hội tỉnh kiểm soát được chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, 2 năm liền không vượt dự toán Chính phủ giao. Trong khi đó, nhiều năm trước đây, Quảng Nam là tỉnh luôn vượt Quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.