Tọa đàm có sự tham gia của nhiều khách mời là chuyên gia trong các lĩnh vực lưu trữ, giáo dục, quản lý di sản, truyền thông… Đây là diễn đàn để chia sẻ rộng rãi các quan điểm, góc nhìn về tài liệu lưu trữ nói chung và di sản tư liệu thế giới nói riêng.
Theo Ban tổ chức, Tuyên ngôn quốc tế về tài liệu lưu trữ, được thông qua tại phiên họp thứ 36, Hội nghị toàn thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) năm 2011, đã ghi nhận vai trò của tài liệu lưu trữ trong việc cung cấp bằng chứng xác thực về mọi mặt hoạt động, đảm bảo nền hành chính minh bạch. Đảng và Nhà nước ta cũng khẳng định “Tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhiều phông và khối tài liệu, tư liệu đặc biệt quý hiếm, trong những năm qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tích cực thực hiện các hoạt động nhằm giới thiệu rộng rãi các di sản tư liệu quý giá đến với đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Gần đây nhất là sự kiện trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại”. Đây là hệ thống các tài liệu hành chính gốc duy nhất ở Việt Nam và thuộc số ít trên thế giới còn lưu được bút tích phê duyệt trực tiếp của các hoàng đế trên văn bản. Với những giá trị đặc biệt về nội dung và hình thức, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới…
Các ý kiến đóng góp tại Tọa đàm đã gợi mở nhiều giải pháp và định hướng hợp tác vì mục đích chung nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về bảo tồn, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ và di sản tư liệu.
Tại tọa đàm, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Trần Thị Mai Hương đã chia sẻ những chương trình mà nhiều năm qua Trung tâm đã thực hiện để nhằm mục đích “đánh thức” di sản, đồng thời lan tỏa và phát huy giá trị của di sản đến đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đánh giá, di sản tư liệu là một trong những loại hình di sản quan trọng của quốc gia do các thế hệ cha ông để lại. Tuy nhiên, không giống với các loại hình di sản khác, di sản tư liệu luôn có tính chất và đặc điểm riêng biệt và thường là các loại tài liệu lưu trữ mang tính chất ghi chép thông tin, ký ức nên công chúng ít được biết đến và ít được tiếp cận hơn các di sản khác. Đặc biệt là giới trẻ càng ít có cơ hội để tiếp cận, tìm hiểu loại hình di sản này hơn. Do đó, ngành lưu trữ nói chung và Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đang nỗ lực nghiên cứu tìm ra nhiều hình thức, phương pháp phổ biến và gần gũi để công chúng hóa các tài liệu lưu trữ nhằm giúp cho giới trẻ dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu góp phần nâng cao kiến thức về lịch sử, đồng thời nâng cao giá trị của di sản tài liệu quốc gia và lan tỏa rộng rãi hơn nữa các giá trị này đến với công chúng trong nước và trên thế giới.
Làm rõ hơn về tầm quan trọng của di sản tư liệu cũng như tầm quan trọng của việc giới trẻ biết đến loại hình di sản này, bà Nguyễn Thu Hoài cho rằng, di sản tư liệu đa phần xuất phát từ nguồn tài liệu lưu trữ. Đó là các ký ức của nhân loại và của Việt Nam qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn lịch sử. Thậm chí có nhiều di sản tài liệu là những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền lãnh thổ và các vấn đề lịch sử quan trọng khác của một quốc gia. Do vậy, giá trị của các di sản tài liệu này vô cùng lớn. Để giới trẻ biết đến những giá trị to lớn này, đòi hỏi ngành lưu trữ phải tiếp tục không ngừng nghiên cứu, tìm ra các phương pháp mới phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại nhằm công chúng hóa, phát huy tối đa giá trị của các di sản tài liệu đang được bảo quản hiện nay.
Tọa đàm cũng là một trong những nỗ lực nhằm kết nối chặt chẽ hơn nữa giới trẻ với tài liệu lưu trữ và di sản.