Trưng bày 50 di sản tư liệu, tài liệu lưu trữ quốc gia

Đây là Triển lãm trực tuyến đầu tiên được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản phối hợp thực hiện.

Chú thích ảnh
Đại biểu xem và nghe thuyết minh về triển lãm trực tuyến “Lịch sử quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản qua tài liệu lưu trữ”. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Lễ ra mắt Triển lãm trực tuyến “Việt Nam - Nhật Bản: Lịch sử quan hệ hợp tác qua tài liệu lưu trữ” đã được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) hợp tác với Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản tổ chức ngày 20/9. 

Đây là sự kiện hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2018).

Triển lãm giới thiệu gần 50 di sản tư liệu, tài liệu lưu trữ quốc gia tiêu biểu được lựa chọn công phu từ khối tài liệu lưu trữ hiện đang bảo quản tại các lưu trữ quốc gia, trung tâm bảo tồn, viện nghiên cứu, cơ quan thông tấn của hai nước, tái hiện những dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản qua nhiều thế kỷ, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố, giới thiệu tới công chúng.

Triển lãm gồm 4 phần chính: Thời kỳ sơ khai (khoảng thế kỷ thứ 8), Sơ kỳ cận đại (thế kỷ 16 - 19), Thời kỳ cận đại và hiện đại (đầu thế kỷ 20), Việt Nam - Nhật Bản: Đối tác cũ - Cơ hội mới. Đây là Triển lãm trực tuyến đầu tiên được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản phối hợp thực hiện. Theo thỏa thuận, Triển lãm này sẽ kéo dài trong 3 năm trên website của Lưu trữ hai nước.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết, Triển lãm là kết quả của sự hợp tác năng động, hiệu quả và nỗ lực của cả hai bên trong công tác phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia giữa hai cơ quan Lưu trữ hai nước Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời thể hiện cam kết thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản đã ký kết.

Theo sử ký ghi lại, mối quan hệ bang giao Việt Nam - Nhật Bản đã bắt đầu từ rất sớm khi tăng sĩ Champa Phật Triết sang Nhật vào thế kỷ thứ VIII để truyền giảng Phật đạo. Ông được suy tôn là tông sư của Nhã nhạc Nhật Bản do đã có công truyền dạy các vũ điệu Lâm Ấp - sau này trở thành một phần quan trọng của Nhã nhạc Nhật Bản.

Từ những giao lưu tôn giáo và văn hóa bước đầu, mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không ngừng được mở rộng sang nhiều lĩnh vực như hàng hải, thương mại… Lịch sử đã chứng kiến những con thuyền Châu ấn của Nhật vượt biển sang Việt Nam buôn bán, góp phần tạo nên những thương cảng phồn thịnh ở miền Trung Việt Nam thời chúa Nguyễn, trong đó có Hội An với những dấu ấn văn hóa Phù Tang đậm nét còn lưu lại đến ngày nay. Tài liệu lưu trữ giới thiệu trong Triển lãm lần này cũng cho thấy, mặc dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử ở thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, nhưng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản chưa hề bị gián đoạn.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho hay, Việt Nam và Nhật Bản là hai dân tộc có mối quan hệ từ lâu đời với nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, truyền thống, giá trị nhân văn. Sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trên nhiều lĩnh vực. Triển lãm “Việt Nam - Nhật Bản: Lịch sử quan hệ hợp tác qua tài liệu lưu trữ” đã tái hiện chặng đường phát triển với những dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước, gắn liền với những thành tựu hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật... từ buổi sơ khai đến nay.

Website Triển lãm được công bố giới thiệu những tư liệu lịch sử quý báu đang được bảo quản tại các Lưu trữ Quốc gia hai nước và các cơ quan ở Việt Nam - Nhật Bản một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của cơ quan lưu trữ và tài liệu lưu trữ trong việc gìn giữ, truyền tải ký ức. Chính công việc thầm lặng của những người làm công tác lưu trữ đã làm sống lại những sự kiện đầy ý nghĩa trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.

Website Triển lãm bằng tiếng Việt, tiếng Nhật và tiếng Anh, không những khai mở những tiềm năng mới trong việc đa dạng hóa các hoạt động hợp tác, mà còn giúp công chúng Việt Nam, Nhật Bản và bạn bè quốc tế tiếp cận những thông tin, tài liệu vô giá nhằm phát huy giá trị tài liệu lưu trữ và di sản văn hóa của Việt Nam - Nhật Bản trong cộng đồng quốc tế.

Chú thích ảnh
Tư liệu di sản, tài liệu lưu trữ được trưng bày. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio đánh giá cao việc tổ chức Triển lãm, cho rằng đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, qua đây có thể cảm nhận rõ lịch sử quan hệ Nhật Bản - Việt Nam và tương lai của mối quan hệ này. Theo Đại sứ Umeda Kunio, quan hệ đối tác chiến lược hai nước đang ngày càng phát triển tốt đẹp. Sự phát triển bền vững của Việt Nam có vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Đại sứ cũng đánh giá cao về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, giáo dục giữa hai nước thời gian qua.

Thanh Vân - Mạnh Tuân (TTXVN)
45 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Chắp cánh thành công của cộng đồng Việt Nam
45 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Chắp cánh thành công của cộng đồng Việt Nam

Cùng với sự tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản, làn sóng sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản du học phát triển mạnh mẽ. Sau khi tốt nghiệp, nhiều bạn trẻ Việt Nam quyết định ở lại Nhật Bản lập nghiệp và gặt hái thành công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN