Hồi tưởng lại một thời hào hùng

Những ngày kỷ niệm lịch sử của dân tộc lại đến vào dịp cuối tháng 4 và tháng 5 này. Cùng với đó là sự kiện trọng đại: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Hòa chung trong không khí của cả nước, rất nhiều hoạt động văn hóa cũng được tổ chức, để chào mừng và tuyên truyền hiệu quả cho các hoạt động.

Triển lãm “Ký ức chiến tranh”, diễn ra tại Bảo tào Lịch sử Quân sự Việt Nam từ nay đến hết tháng 5/2016, trưng bày hơn 400 hình ảnh, hiện vật do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sưu tầm, tiếp nhận từ năm 2010 đến 2015.

Triển lãm do Bảo tàng LSQS Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Đặc công, Bảo tàng Tiền tệ tổ chức chào mừng kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2016); 62 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2016); 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2016).

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt các đại biểu hội đồng nhân dân khóa đầu tiên của Hà Nội. Ảnh: Ảnh tư liệu

Triển lãm gồm 4 phần: “Việt Nam - Cuộc chiến ác liệt”, “Những kỷ vật trở về từ phía bên kia”, “Những kỷ vật sống mãi với thời gian”, “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”.

“Việt Nam - Cuộc chiến ác liệt” tập hợp những bức ảnh đã từng gây chấn động dư luận thế giới một thời về chiến tranh Việt Nam, do Hãng thông tấn AP (Mỹ) trao tặng. Nhiều bức ảnh trong số này đã từng giành giải thưởng Pulitzer; góp phần phản ánh toàn cảnh cuộc chiến ác liệt ở Việt Nam, giúp cho nhân dân các nước trên thế giới kể cả nhân dân Mỹ hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh phi nghĩa Mỹ đã gây ra ở Việt Nam và cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc Việt Nam để giành thắng lợi trong cuộc chiến. Tiêu biểu là bức ảnh: “Nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự đàn áp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1963)” của Malcolm Browne; “Tổng trưởng cảnh sát Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Ngọc Loan dùng súng lục bắn vào đầu Nguyễn Văn Lém, người bị tình nghi là Quân giải phóng trên một con phố Sài Gòn trong Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968)” của phóng viên Eddie Adams; “Em bé Napalm - Kim Phúc (1972)” của phóng viên Nick Út…

“Những kỷ vật trở về từ phía bên kia” giới thiệu những hình ảnh, hiện vật là kỷ vật của bộ đội ta do cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam trao trả. Tiêu biểu là Lá cờ Đảng do cựu chiến binh Mỹ Thomas Smith trao lại cho Bảo tàng LSQS Việt Nam; lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do cựu binh Mỹ Patrick Mc Makin từng tham chiến ở Việt Nam từ năm 1969 đến năm 1970 trao lại thông qua Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… Hay cuốn “Nhật ký bằng tranh” của họa sĩ Lê Đức Tuấn sau hơn 40 năm lưu lạc ở nửa bên kia trái đất được trao trả cho chủ nhân của nó.

“Những kỷ vật sống mãi với thời gian” giới thiệu những hiện vật, sưu tập hiện vật gắn với những sự kiện, con người tiêu biểu, phản ánh những chiến công, những đóng góp, hy sinh to lớn của quân và dân ta trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tiêu biểu là Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, thư của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, thư của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh, “Quyết tâm thư” của Đại đội súng máy phòng không mang tên Phùng Chí Kiên, Nhật ký của đồng chí Nguyễn Văn Hợi, chiến sĩ Tiểu đoàn K3 Tam Đảo… Đây là những kỷ vật chiến tranh sống mãi với thời gian, nhắc chúng ta về một thời oanh liệt đã qua.

Và cuối cùng, phần “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” giới thiệu bộ ảnh phản ánh quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau chiến tranh do Hội Việt - Mỹ trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Theo BTC, triển lãm nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam, bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trên cơ sở đó, động viên, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam phát huy tinh thần yêu nước, củng cố ý chí và quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cũng diễn ra tới cuối tháng 5, cuộc triển lãm với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND”, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, là một hoạt động nhằm thực hiện công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 và hướng tới kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2016).

Triển lãm trưng bày gần 200 ảnh, tài liệu và hiện vật giới thiệu những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình chuẩn bị mọi mặt về tư tưởng, chính trị và tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946 - 1960) (DCCH), về các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sau đó.

Triển lãm được chia làm hai nội dung chính: Chủ tịch Hồ Chí Minh với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội của nước Việt Nam DCCH năm 1946; Các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh (1960 - 2016).

“Triển lãm là một minh chứng cho thấy, mục tiêu bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp là sự lựa chọn những đại biểu có đủ đức và tài, xứng đáng đại điện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tại các cơ quan quyền lực nhà nước, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân trong sạch, vững mạnh... Đặc biệt, triển lãm dành một phần giới thiệu những hoạt động chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Qua đó, cung cấp thông tin và giúp cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, phát huy quyền dân chủ, hăng hái tham gia bầu cử đúng luật, an toàn... để ngày bầu cử Quốc hội thực sự là ngày hội Đại đoàn kết của toàn dân”, đại diện BTC cho biết.
PV
Giải phóng Trường Sa mùa Xuân năm 1975
Giải phóng Trường Sa mùa Xuân năm 1975

Trong hào khí cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 lịch sử, sau chiến thắng vang dội của ta ở mặt trận Buôn Mê Thuột, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa và một số tỉnh thành khác, thực hiện mệnh lệnh của Quân ủy TƯ, Bộ Tư lệnh Hải quân, một bộ phận của Hải quân nhân dân Việt Nam đã tiến ra giải phóng quần đảo Trường Sa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN