Nhớ những ngày quân quản

Bám theo các đơn vị bộ đội chủ lực của đặc khu Quảng Đà, là mũi tiến công giải phóng thành phố Đà Nẵng từ hướng nam. Đoàn cán bộ thuộc các cơ quan của quận Ba, thành phố Đà Nẵng thực hiện lệnh tiếp quản địa bàn theo mệnh lệnh của Đặc khu ủy Quảng Đà cũng nhanh chóng tiếp cận làm chủ từng địa bàn từ khu phố Đa Mặn (nay là phường Khuê Mỹ thuộc quận Ngũ Hành Sơn) cho đến khu phố Nam Thọ (nay là phường Thọ Quang thuộc quận Sơn Trà). Đến trưa ngày 29 tháng 3 năm 1975 thì lệnh tiếp quản đã được hoàn tất ở 8/8 phường thuộc quận Ba, thành phố Đà Nẵng.

Các cơ quan đầu não của quận Ba lúc bấy giờ đóng tập trung tại một doanh trại của ngụy quân Sài Gòn, được gọi là Tổng kho Hậu cần - Kỹ thuật của Mỹ - Ngụy chuyên bảo đảm cung cấp vũ khí, trang bị và lương thực thực phẩm cho các đơn vị của chúng tại Quân đoàn I - Vùng I chiến thuật (hiện khu vực này nằm gọn trong diện tích thuộc Khu phức hợp dự án VINCOM nằm ở bờ đông gần cầu quay sông Hàn).

Sau khi tiếp quản quận, tôi được phân công làm nhân viên Văn phòng Ủy ban Quân quản kiêm bảo vệ cơ quan. Nhiệm vụ của những ngày đầu mới giải phóng quận thật là tất bật, việc gì cũng phải hết sức khẩn trương. Nào là triển khai nội dung tuyên truyền chính sách, chủ trương của cách mạng cho các đối tượng ngụy quân - ngụy quyền và nhân dân đang còn khá bỡ ngỡ trước bối cảnh mới; nào là theo dõi cập nhật báo cáo hàng giờ, hằng ngày về kết quả tiếp nhận những người tham gia chế độ cũ ra trình diện chính quyền cách mạng; nào là theo dõi tình hình đời sống nhân dân để có hướng giải quyết kịp thời không để cho dân đói; nào là theo dõi việc thu gom súng đạn của địch vất lung tung ở các khu dân cư trong lúc tháo chạy trước đà tiến công dũng mãnh, thần tốc của quân giải phóng, nào là theo dõi tình hình chiến sự trên hệ thống radio… Bên cạnh đó còn tổ chức chu đáo đón nhận sắp xếp chỗ làm việc, sinh hoạt cho các cán bộ tăng cường từ các tỉnh Thanh Hóa, thành phố Hải Phòng kết nghĩa. Những ngày đầu mới giải phóng quận, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nghe tiếng súng nổ lẹt đẹt trên núi Sơn Trà, đó là sự phản ứng yếu ớt của nhóm tàn quân ngụy còn ngoan cố chống trả các lực lượng truy quét của ta, chúng hy vọng được tiếp viện từ bên ngoài nên chưa chịu buông súng đầu hàng quân giải phóng.

Diễu hành thuyền buồm quốc tế Clipper Race 2015 - 2016 trên sông Hàn thành phố Đà Nẵng.

Hầu như ngày nào tôi cũng được giao thêm nhiệm vụ sử dụng chiếc xe đạp chiến lợi phẩm (lúc này tôi chưa biết đi xe máy) để vận chuyển tài liệu của các cơ quan cấp trên xuống bàn giao cho các Ủy ban Quân quản phường để kịp triển khai thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.

Sau những tuần đầu giải phóng, áp lực công việc chung có giảm xuống đôi chút. Theo định hướng của lãnh đạo quận, một lớp bổ túc văn hóa nội bộ được mở ra để bồi dưỡng, nâng cao trình độ học vấn cho anh chị em từ chiến khu xuống, từ bưng biền hoặc căn cứ lõm trở về. Vì hoàn cảnh chiến tranh, ai cũng hy sinh việc riêng, lo làm nhiệm vụ chung là đánh đuổi giặc thù, giải phóng quê hương, cứu đất nước khỏi nạn xâm lăng, nên hầu hết anh chị em chỉ mới biết đọc, biết viết đơn giản. Ở giai đoạn cách mạng mới, muốn phục vụ tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, phải từng bước nâng cao trình độ học vấn cho anh chị em, đó là yêu cầu đặt ra cho toàn cơ quan quận Ba lúc bấy giờ. Tôi được xem là có trình độ học vấn hơn nhiều người nên được lãnh đạo Văn phòng giao nhiệm vụ làm “thầy giáo” cho lớp học “đặc biệt” này. Tôi vừa lo lắng, vừa vui mừng vì được lãnh đạo tin tưởng, thế là sau mỗi bữa cơm chiều, anh chị em cơ quan rất hăng hái tập trung tại phòng giao ban của Văn phòng quận để nghe “thầy Tưởng” giảng bài, bày làm toán. Các buổi học từ tập viết chính tả, đến tập làm văn, tập làm toán đều được các anh chị em say mê chăm chỉ học tập, học từ cái dễ đến cái khó, học từ nội dung giản đơn đến nội dung phức tạp… dần dần lớp bổ túc của chúng tôi cũng có “tiếng vang”, thu hút cả một số cán bộ, chiến sỹ bên cơ quan quân sự, cơ quan công an quận cũng đến đăng ký tham gia học.

Làm sao tôi quên được những “học trò” của mình ở lớp bổ túc “đặc biệt” ấy, như các chị Mai Thị Tỏ, chị Nguyễn Thị Mười, chị Đặng Thị Chúc, em Trần Thị Hiền, em Nguyễn Thị Dưỡng, em Nguyễn Văn Phán…

Vậy mà đã 41 năm trôi qua, bây giờ ai cũng đã về hưu, vui với đời thường bên con cháu, nhưng mỗi lúc tổ chức sự kiện kỷ niệm ngày giải phóng thành phố quê hương (29/3/1975), mỗi một người trong chúng tôi lại nhớ những người anh, người chị đã ngã xuống trước thời khắc quê hương giải phóng, như anh Lê Văn Sáu, cán bộ Quận đội quận Ba (là anh ruột của anh Lê Văn Hoa, nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2004 - 2009).

Từ quận Ba xưa đến quận Sơn Trà hôm nay, đã có quá nhiều biến đổi về diện mạo, về tầm vóc, về ảnh hưởng của một vùng đất đang từng ngày vươn lên mạnh mẽ, xứng danh là một góc đô thị giàu đẹp, đáng sống ở phía Đông thành phố sông Hàn quyến rũ yêu thương và mến khách.
Mai Mộng Tưởng
Thời cơ chiến lược trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975
Thời cơ chiến lược trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975

Sau khi Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết (27/1/1973), tương quan lực lượng địch - ta trên chiến trường miền Nam có sự thay đổi căn bản, theo hướng có lợi cho ta và bất lợi cho địch. Đây là thời cơ rất lớn, mở ra cuộc tiến công quyết định để có thể giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN