Quang cảnh hội thảo. Ảnh:qdnd.vn |
Gần 50 tham luận được trình bày tại hội thảo “Văn hiến Vĩnh Phúc - Truyền thống và hiện đại” đều khẳng định sự phong phú, đa dạng, đặc sắc, những nét riêng có của kho tàng văn hóa Vĩnh Phúc – cả văn hóa vật thể và phi vật thể, đã được các thế hệ người Vĩnh Phúc sáng tạo nên qua các thời kỳ lịch sử.
Các tham luận cũng làm rõ những kết quả nghiên cứu mới về văn hóa Vĩnh Phúc; những thành tựu cần phát huy, chỉ ra những tồn tại cần khắc phục cũng như đề xuất, kiến nghị những giải pháp trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa Vĩnh Phúc. Các tham luận còn phân tích, đề cập, làm sáng tỏ truyền thống văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào các chủ đề: Đất và Người Vĩnh Phúc; ngũ vị phúc thần thờ phụng của Vĩnh Phúc; Nguyễn Thái Học và huyền thoại về lòng yêu nước; Vĩnh Phúc - mảnh đất giàu tiềm năng sáng tạo văn chương; Vĩnh Phúc - miền đất văn hiến; Bí thư Kim Ngọc và thông điệp của sự nghiệp đổi mới; Quốc Mẫu Tam Đảo và Quốc Mẫu Tây Thiên - hai hay là một; Vĩnh Phúc - diện mạo văn hóa một vùng; Văn hiến Vĩnh Phúc với xây dựng Vĩnh Phúc giàu đẹp.
Giáo sư Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho rằng: Với Vĩnh Phúc, những truyền thống tốt đẹp của quá khứ luôn đồng hành với hiện tại và cùng với hiện tại vươn tơi tương lai và đó là một trong những nguồn năng lượng quan trọng của thành công. Vĩnh Phúc, một trong những cái nôi của dân tộc, là nơi giao thoa các nền văn hóa nổi tiếng của đất nước: Văn hóa Hùng Vương, văn hóa Thăng Long, văn hóa Kinh Bắc và văn hóa xứ Đoài hay nói cách khác, nhờ vị trí địa văn hóa, văn hóa Vĩnh Phúc là nơi hội tụ được tất cả các tinh hoa của những nền văn hóa dân tộc. Tại hội thảo, một lần nữa chúng ta lại tìm về với truyền thống văn hiến giàu có và phong phú của Vĩnh Phúc, để nhận thức về truyền thống này một cách đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cho rằng, những kết quả nghiên cứu mới về văn hóa Vĩnh Phúc tại hội thảo đã nêu bật những thành tựu cần phát huy; chỉ ra những tồn tại cần khắc phục trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa Vĩnh Phúc trong cuộc sống hôm nay. Trên cơ sở những tham luận này, các ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu để tăng cường quản lý, bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa trong thời gian tới. Đồng thời khẳng định, thành công của hội thảo là sự cổ vũ rất lớn đối với cán bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc để cùng nhau đoàn kết, xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng giàu mạnh như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm tỉnh năm 1963 “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.