LTS: Sau khi đăng loạt bài viết "Xây dựng bãi đỗ xe tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội): Cần cân nhắc rất kỹ", Báo Tin tức đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc, các KTS, các nhà văn hóa..., không đồng tình với dự án xây dựng bãi đỗ xe ĐX1 tại Công viên Thống Nhất; cũng như góp ý cho việc hoàn thiện kiến trúc tổng thể, nâng cao giá trị của Công viên Thống Nhất.
Báo Tin tức xin được trích đăng một số ý kiến trong số các ý kiến này.
KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam: Cần công khai lấy ý kiến người dân
Công viên Thống Nhất dường như có sức hấp dẫn đặc biệt với các nhà đầu tư. Đã từng có một dự án khách sạn quốc tế ở trong công viên, giáp đường Lê Duẩn. Một doanh nghiệp tư nhân cũng đã lập dự án với vốn hàng chục triệu USD định biến nơi đây thành khu vui chơi giải trí đẳng cấp cao. Và nay là dự án xây dựng bãi đỗ xe trong công viên.
Một góc Công viên Thống Nhất (Hà Nội). Ảnh: CTV |
Dự án khách sạn do nước ngoài làm chủ đầu tư đã bị hủy bỏ dù đã làm xong phần móng, bởi sự đấu tranh quyết liệt của dư luận xã hội. Cũng như thế, dự án khu vui chơi giải trí cũng chết yểu khi mới manh nha trên giấy. Nhưng xem ra lần này, chuyện xây dựng bãi đỗ xe trong công viên đang khá "hiện thực", với vốn đầu tư 166 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 3 năm (từ 2013 đến 2015). Đây là dự án khá hoành tráng, có diện tích chiếm đất lên tới 2.384 m2, nằm giáp đường Trần Nhân Tông, được xây dựng cả nổi lẫn chìm; gồm nơi để xe, nhà điều hành để làm chức năng quản lý phương tiện theo công nghệ tự động và cả tầng dịch vụ thương mại…
Hà Nội là một thành phố phát triển nhanh, thậm chí nhanh đến nóng vội. Vì thế, nhiều năm nay, dù đã rất cố gắng đầu tư xây dựng cải tạo, nhưng thành phố luôn thiếu những tiêu chuẩn cơ bản của một đô thị hiện đại, trong đó có đất cây xanh và đất dành cho giao thông tĩnh. Chính vì thế, mỗi mét vuông cây xanh, mặt nước, công viên hiện có trong lòng thành phố là rất quý giá. Đó là những lá phổi xanh của đô thị. Hà Nội rộng hơn 3.000 km2, nhưng mật độ dân cư, xe cộ và mật độ xây dựng tập trung rất cao ở khu vực trung tâm nội đô, nên việc thiếu đất cho giao thông tĩnh là dễ hiểu. Nhưng không vì thế mà tùy tiện cắt xén, lấy đất công viên để làm bãi đỗ xe.
Lãnh đạo thành phố quyết tâm cải thiện tình hình giao thông phức tạp hiện nay ở Thủ đô là việc cần thiết. Nhưng xây bãi đỗ xe ở đâu thì cần phải có một quy hoạch tổng thể được nghiên cứu nghiêm túc, cẩn trọng, khoa học, có tầm nhìn xa và đặc biệt là phải công khai, phải có sự tham dự của cộng đồng. Một dự án bãi đỗ xe trong Công viên Thống Nhất vốn rất nhạy cảm, cần được công khai để người dân được biết và đóng góp ý kiến.
KTS Trần Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Xây dựng và Giao thông vận tải, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ: Đừng lấy của người nghèo phục vụ người giàu
Theo tôi, không nên phá vỡ cảnh quan hiện có của Công viên Thống Nhất. Thứ nhất, tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là các thủ đô, người ta đều quan tâm đến tỷ lệ diện tích cây xanh trên đầu người. Đơn cử như tại Pari (Pháp), con số này là 11 m2, còn tại New York (Mỹ), thành phố của những ngôi nhà chọc trời san sát nhau, con số này là 15 m2/người. Thậm chí có những thành phố trên thế giới con số này lên đến 30 m2.
Trong khi đó, hiện tại cây xanh ở các quận Hà Nội mới chỉ đạt khoảng hơn 1,2 m2/ người, thậm chí có những quận chỉ đạt 1 m2/ người. Tỷ lệ cây xanh của Hà Nội như thế là vô cùng thấp. Thế mà trong khi Hà Nội chỉ còn có 2 công viên lớn là Công viên Thống Nhất và Công viên Hòa Bình, còn là công viên nhỏ với diện tích cây xanh không đáng kể. Đã thiếu và kém như thế, mà còn không giữ gìn, thậm chí lại có ý định thu nhỏ diện tích cây xanh của Công viên Thống Nhất thì quả thật đây là một điều rất nguy hiểm.
Quyết định này cũng vi phạm tâm lý xã hội, đặc biệt là vấn đề phân biệt giữa giàu và nghèo. Tầng lớp trung gian và tầng lớp nghèo mới là những người cần đến không gian công viên, để có thể đến vui chơi, giải trí, tập thể dục. Thế nên nếu lấy đất công viên để làm bãi đỗ xe, nghĩa là phục vụ cho tầng lớp giàu (vì rõ ràng chỉ giàu có mới có thể mua được xe ô tô), là xâm phạm tới quyền lợi của những người dân lao động khác. Đất công viên là của quốc gia, của cộng đồng, nên phải đảm bảo quyền lợi cho đa số, chứ không phải chiếm hữu để phục vụ cho thiểu số như vậy!
Trên thực tế, càng làm thêm nhiều điểm đỗ xe, thì cũng đồng nghĩa với việc càng khuyến khích mua nhiều ô tô, càng tắc đường. Thực trạng, Hà Nội với quy hoạch vốn có từ thời Pháp, hệ thống đường và điểm đỗ xe đều rất yếu. Thời gian qua Hà Nội cũng chưa thật sự quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Giờ đây, khi chúng ta muốn khắc phục những hạn chế đó, thì phải tìm giải pháp phù hợp, có thể là xây bãi đỗ xe nhưng phải là bãi đỗ xe ngầm, và tất nhiên là xây ở vị trí khác chứ không phải là "xẻ thịt" Công viên Thống Nhất như vậy. Theo tôi, có một giải pháp là nên khuyến khích xây ở những khu bên bờ sông, có thể xây gara trên tầng cao. Không nên lấy đất của Công viên Thống Nhất, và nhất là không thể xây nửa chìm nửa nổi như vậy!