Với nhiều người Hà Nội, ký ức về Công viên Thống Nhất là “thiên đường giải trí” của "một thời đạn bom, một thời hòa bình", cái thời mà khi mua mét vải hay cân thịt cũng phải dùng tem phiếu và mua vé xem phim phải xếp hàng, các điểm vui chơi giải trí công cộng thực sự hiếm hoi và thiếu vắng. Và với nhiều người Hà Nội, thì việc dù chỉ một cái cây trong Công viên Thống Nhất bị đóng đinh cũng khiến người ta xót xa...
Ký ức đẹp của người Hà Nội
Nhiều người dân Hà Nội thời những năm 60, 70, thậm chí 80 của thế kỷ trước đã rất gắn bó với Công viên Thống Nhất. Khởi công xây dựng năm 1958, hoàn thành năm 1960, Công viên Thống Nhất đã trở thành một biểu tượng thời kỳ đầu xây dựng CHXH và đấu tranh thống nhất đất nước của Hà Nội. Nơi người ta tìm đến những dịp lễ, Tết để chứng kiến cảnh dưới hồ có lướt ván, trên bờ bắn pháo hoa, có thi hoa, chọi chim... thật là rộn ràng không kể xiết. Nơi tối thứ bảy có ca nhạc ngoài trời, chủ nhật có các cặp vợ chồng trẻ dẫn con dạo chơi và chụp ảnh kỷ niệm. Nơi nhiều cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc đã đến đây để được tiếp thêm sức mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây đa tại Công viên Thống Nhất ngày 11/1/1960, mở đầu Tết trồng cây do Người phát động. |
Và hơn thế, nơi rất nhiều người đã ghi dấu công sức của mình trong công cuộc góp sức xây dựng công viên. Những năm 1958 - 1960, tham gia xây dựng Công viên Thống Nhất không chỉ có cán bộ và công nhân, mà còn có sinh viên, học sinh và công sức của nhân dân; đặc biệt đây còn là nơi mang ghi dấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố, các danh nhân như cây đa Bác Hồ trồng năm 1960. Năm 1960, công trình hoàn thành với hai mặt nước trong xanh là hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu. Trên bán đảo Gió có quán Gió, ngoài sân quán có giàn phong lan...
Nhớ về Công viên Thống Nhất, với nhiều người Hà Nội ngày nay, đó là thiên đường của tuổi thơ. Nơi ấy có cầu trượt, có đu quay, có bập bênh, có vịt bơi giữa hồ và có que kem mát rượi sau những lúc nô đùa thỏa sức nơi thảm cỏ xanh tươi. Bọn trẻ thời ấy thường hay đặt cho cha mẹ câu hỏi, vì sao công viên lại có tên là Thống Nhất? Và câu trả lời là thời điểm xây dựng công viên, một nửa nước - miền Bắc - đã được giải phóng, đang tiến lên CNXH, nhưng nửa miền Nam vẫn còn bị chia cắt. Chính vì thế, khi xây dựng công viên này, người dân Thủ đô đã tha thiết đề nghị đặt tên là Thống Nhất như một sự gửi gắm mong ước niềm tin đất nước sớm thống nhất, độc lập...
Trong công viên, từ cổng vào phía đường Lê Duẩn có cây cầu cong nối với hòn đảo nhỏ. Cây cầu ấy như một hình ảnh tượng trưng nối hai miền chia cắt nên gọi là cầu Thống Nhất. Còn hòn đảo trong công viên thì gọi là đảo Hòa Bình. Trong công viên còn có đảo Dừa - tượng trưng cho mảnh đất miền Nam ruột thịt yêu thương; và đảo Gió - ấy là khát vọng tự do...
Ngay con đường bên cạnh công viên cũng mang tên về một nỗi nhớ. Công viên xây bên trục đường trung tâm thành phố nối với quốc lộ số 1, sát đường sắt Bắc - Nam đã từng chứng kiến các chuyến tàu đưa những đoàn quân vào Nam chiến đấu, nên con đường ấy có tên là đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn).
Và với KTS Nguyễn Thế Khải, Công viên Thống Nhất cũng là một dấu ấn sâu đậm trong ông. Ông tâm sự: “Công viên Thống Nhất thành phố Hà Nội được khởi công xây dựng từ thập niên năm mươi của thế kỷ XX, để nói lên khát vọng thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Nhiều cán bộ, học sinh, sinh viên, nhân dân hai miền Nam Bắc đã bỏ công sức lao động trực tiếp trên công trường: đào hồ, đắp nền, trồng cây... Đến nay nơi đây vẫn là một kỷ niệm thiêng liêng trong tâm khảm của người dân Việt Nam. Nhiều cán bộ, học sinh, sinh viên thời đó, đặc biệt là những cán bộ miền Nam tập kết đến nay vẫn nhớ như in những hình ảnh và kỷ niệm sâu sắc này. Nhiều cuộc chia tay tiễn đưa cha, chồng, con, em mình vào Nam chiến đấu diễn ra tại nơi đây. Họ hẹn gặp nhau ngày thống nhất...”.
Đừng hủy hoại một biểu tượng
Công viên Thống Nhất đã thực sự là một biểu tượng của CNXH bởi nó được xây dựng bằng những ngày lao động XHCN biến khu ao hồ nước đọng thành công trình văn hóa. Nơi đây cũng đã lưu lại nhiều kỷ vật, kỷ niệm của các lãnh tụ, danh nhân... Đã có lúc Công viên Thống Nhất được xem không chỉ là biểu tượng văn hóa của Hà Nội, mà còn được định hướng để nâng tầm thành Công viên văn hóa với chức năng tổng hợp của quốc gia. Gần đây khi lựa chọn vị trí để đặt tượng Bác Hồ - Bác Tôn, nhiều nhà văn hóa, lịch sử và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng cho rằng không có vị trí nào xứng đáng hơn, mang ý nghĩa di sản hơn là bố trí trong Công viên Thống Nhất.
Trong quá trình phát triển, Công viên Thống Nhất cũng đã có nhiều dự án điều chỉnh cục bộ. Để nâng tầm giá trị của công viên, Hà Nội đã di dời một loạt các cơ quan không phù hợp, trong đó có cả cơ quan quản lý, đỗ xe trong công viên thời kỳ đó. Thậm chí, Hà Nội đã có chủ trương di dời khu tập thể và khu nhà ở góc đường Lê Duẩn sang Công viên Ba Mẫu. Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc thi để hoàn thiện, nâng cao chất lượng công viên như cuộc thi tường rào ở phía đường Đại Cồ Việt, các cổng của công viên, mà đến nay trong một đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố, đã có nhiều nhà khoa học, quy hoạch - kiến trúc đánh giá là công trình có giá trị đặc biệt của thời kỳ 1954 - 1986. Quá trình xây dựng cũng đã có một số dự án không hợp lý như về đỗ xe, kinh doanh khách sạn, nhà hàng, đã có nghiên cứu nhưng cuối cùng không chỉ cộng đồng, các nhà chuyên gia, mà cả các nhà quản lý cũng thống nhất không triển khai. Ý tưởng một công viên "đóng" có thu phí đã được định hướng lại là công viên "mở", không gian giao tiếp, thể dục thể thao, sinh hoạt của nhân dân Thủ đô và cả nước.
Điểm lại một số nét như vậy để thấy, trong mọi giai đoạn, trong bất cứ hoàn cảnh nào, lãnh đạo và nhân dân thành phố Hà Nội đều nỗ lực hết sức mình để gìn giữ, xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện Công viên Thống Nhất cho xứng tầm với biểu tượng của sự thống nhất đất nước, xứng tầm với một không gian văn hóa cộng đồng quan trọng của một di sản đô thị ngay giữa lòng Thủ đô. Ấy vậy mà, bao nhiêu công sức xây dựng, gìn giữ, tôn tạo ấy lại đang đứng trước nguy cơ bị hủy hoại bởi quyết định xây dựng bãi đỗ xe trong công viên.
Quyết định đưa ra là của lãnh đạo thành phố, nhưng với mỗi công trình, dù là cải tạo, xây mới, dù là chuyển đổi một phần mục đích sử dụng, thì trước hết cũng phải là phục vụ dân sinh, là bảo tồn phát huy giá trị di sản. Người viết bài này lại nhớ đến lời phát biểu của bà tổng giám đốc UNESCO năm 2010, nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là "không có biểu tượng nào về hòa bình, hiểu biết lẫn nhau lại vĩ đại hơn một di sản".
Vậy, nên chăng thành phố Hà Nội nên có sự cân nhắc lại với quyết định xây dựng bãi đỗ xe trong Công viên Thống Nhất, để không dẫn tới tình trạng thiếu thống nhất trong quá trình chỉ đạo, sự lặp lại của những sai lầm đã có cảnh báo trước, và đặc biệt là để người dân có thể yên tâm với tương lai của Thủ đô, một tương lai "xanh - văn minh - văn hiến - hiện đại - bền vững". Chúng ta đã có một công viên văn hóa mang trong mình nhiều kỷ vật, kỷ niệm... đã thực sự là "của dân, do dân", thì nay hãy "vì dân" để có sự cân nhắc trong quyết sách.
Tuyết Anh