Hoang phế nhà mồ Cơ Tu

Dọc cung đường Trường Sơn ngang qua núi rừng các tỉnh Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà mồ của người Cơ Tu xây bằng gạch, đắp nổi rồng phụng...

Tự làm mồ cho mình

Hơn 70 tuổi, già AVếch (thôn Cha Ke, xã Thượng Long, huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế) đã có riêng cho mình một cỗ quan tài. Những cấu kiện của nhà mồ cũng được già điêu khắc rời, đặt cẩn thận ở gian riêng. “Tới khi mình qua đời, con cháu sẽ ghép lại hoản chỉnh” - già nói.

Một ngôi nhà mồ nguyên bản hiếm hoi còn sót lại bên đường Trường Sơn.

Chừng nửa thế kỷ trước, theo lời già, vào nhà của người Cơ Tu rất hay bắt gặp cỗ quan tài cùng những cấu kiện nhà mồ được chuẩn bị sẵn như thế. Thời ấy, cây lim, đinh hương, dổi… sống đầy trên rừng. Gia chủ sẽ chuẩn bị một con gà trống trắng, đến gốc cây nào có đường kính đến nửa mét, khấn Giàng, giết gà lấy máu bôi vào thân cây rồi đốn hạ. “Xẻ dọc cây làm hai phần, phần mỏng làm nắp quan tài, phần còn lại đục rỗng ruột làm thân. Khi hình thành, quan tài thường có mặt cắt hình tròn hoặc hình bầu dục tựa chiếc thuyền, có gắn tượng đầu trâu bằng gỗ ở hai đầu” - già cho biết.

Hoang tàn những bức tượng cùng vật dụng bên trong nhà mồ này.

Quan tài được người Cơ Tu gọi là Tr'ang, nhà mồ gọi là Pinh Blâng. Cũng theo già A Vếch, nhà mồ thiết kế giống với nhà của người sống, có 4 hoặc 6 cột tùy theo kích thước; với mái hồi tròn, hình vuông hoặc chữ nhật; thanh xà nóc bằng gỗ chạm khắc với hình đầu trâu. Người Cơ Tu thường đặt mồ ở tít rừng sâu. Trước hết, làm lễ cải táng: gia chủ sẽ giết trâu heo gà thể hiện sự giàu có của mình. Rồi làm lễ bỏ mả để đưa quan tài vào nhà mồ: gia chủ đặt thêm những tượng padil za zá làm bằng lõi của gỗ quý, là tượng trâu, khỉ, trăn, rắn, kỳ đà… ở bốn góc. Lấy nhựa cây bứa làm màu vàng, mài củ nâu làm màu đỏ và đen, lấy lá cây tà râm chế ra màu xanh để vẽ lên cấu kiện: nếu người chết sinh thời giỏi săn bắn thì là cảnh đi săn, nếu giỏi chơi nhạc thì có cảnh múa tung tung ya yá…

Biến dạng nhà mồ

Người Cơ Tu luôn chôn người chết đầu hướng đông chân hướng tây, với ý niệm người chết luôn ngước mắt về hướng đông, nơi cội nguồn sự sống. Họ còn chia của gồm rìu, rựa và đục, ché… đặt trong nhà mồ để người chết có vật dụng mưu sinh nơi thế giới bên kia. Đôi vợ chồng trẻ có một người qua đời thì người sống đeo một cái vòng bạc vào cổ tay người chết, coi như thủ tục ly hôn. Sau cải táng, họ rất sợ đến gần mồ. Có vùng ba năm sau mới thay mả, tức dời mộ từ nơi cũ sang nơi mới, tổ chức tiệc linh đình, để từ đó không đả động đến mồ mả nữa.

Một ngôi nhà mồ được dựng sơ sài.

Quan tài cùng nhà mồ thể hiện giá trị của người chết với những thành viên khác ở thế giới bên kia, nên, trong lễ mừng lúa mới, cưới hỏi… người ta tặng nhau một chiếc quan tài, thậm chí cả một cái nhà mồ để làm quà là điều dễ hiểu. “Nhà mồ do chính tay con làm tặng cho bố mẹ ruột hoặc bố mẹ vợ là có giá trị hơn cả, thể hiện sự hiếu thảo với bố mẹ” - già A Vếch nói.

Tập tục này vẫn còn đấy, nhưng, ở núi rừng Nam Đông, chỉ còn vài người như già A Vếch là biết làm quan tài, biết thiết kế nhà mồ. Dọc tuyến đường Trường Sơn ngang qua các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, rất khó để bắt gặp một ngôi nhà mồ đúng nguyên bản như lời già A Vếch miêu tả. Người ta đã lợp tôn lên những ngôi nhà mồ, đúc bê tông cốt thép cho các cấu kiện, những màu vẽ làm bằng nhựa cây bứa, lá cây tà râm… được thay bằng kỹ thuật đắp nổi sơn và xi măng. Nhiều nơi còn thêm mô típ rồng, phụng, cúc, mai... du nhập từ đồng bằng. Những nghĩa địa đặt tận rừng sâu ngày nào bây giờ đã dễ dàng bắt gặp ven đường.

Dễ dàng bắt gặp những nghĩa địa của người Cơ Tu ở bên đường, với những ngôi nhà mồ xây bằng gạch vữa.

Già làng B’ríu Nga (74 tuổi, thôn Pa Liêng, xã Ating, huyện Đông Giang, Quảng Nam), người phục dựng ngôi nhà mồ truyền thống Cơ Tu đặt ở khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bày tỏ nỗi niềm: “Việc làm nhà mồ tốn rất nhiều gỗ quý, mà gỗ rừng càng cạn kiệt; trong khi đó, người biết đẽo tượng làm nhà mồ như mình ngày càng ít, đám con cháu lại không mấy mặn mà với văn hóa truyền thống”. Già Cơ Lâu Năm (82 tuổi, thôn Pơ Ning, xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam) cũng chung tâm sự: “Việc làm nhà mồ bằng gạch vữa thì cũng chấp nhận được, nhưng mình không đồng ý việc đắp nổi rồng phụng lên. Mình luôn khuyên dân làng đừng làm nhà mồ kiểu như thế, nhưng cũng bất lực thôi”.

Ông Briu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, cho rằng, theo tín ngưỡng của người Cơ Tu, muốn làm nhà mồ thì gia đình đó phải cúng cho làng một con trâu hay con bò thì mới được phép. “Tập tục tốn kém này cũng khiến người dân không còn mặn mà với việc làm nhà mồ kiểu truyền thống”, ông Liếc nói. Nhưng theo ông Liếc, cần bảo tồn nhà mồ chứ không nên phát huy vì quá tốn kém gỗ, trong khi nguồn gỗ trên địa bàn dần khan hiếm.

Năm vừa rồi, huyện Tây Giang đã tổ chức hội thi “Bảo tồn phát huy điêu khắc truyền thống của dân tộc” ở quy mô cấp huyện, theo đó, mỗi xã sẽ lập ra một đội điêu khắc trẻ chế tác gươl, nhà mồ; những nghệ nhân điêu khắc cùng già làng trực tiếp hướng dẫn, dạy thanh niên về nghệ thuật điêu khắc. Gần đây, huyện Đông Giang cũng khôi phục và trưng bày một ngôi nhà mồ Cơ Tu ở Trung tâm bảo tàng huyện. Ông Briu Liếc có ý tưởng vận động người dân ở một, hai làng văn hóa tiêu biểu của huyện mình lập lại khu nghĩa địa với những ngôi nhà mồ đúng theo nguyên bản truyền thống, để huyện có thêm vẻ độc đáo tạo sức hút nhằm khai thác du lịch.

Nhưng ý tưởng này vẫn còn xa vời, việc biến dạng nhà mồ vẫn diễn ra. Những mảnh rừng sâu đã có đường nhựa băng qua, làm lộ ra những khu nghĩa địa. Người Cơ Tu theo tục không dám tới gần mồ mả, giờ không thể không nhìn thấy những ngôi nhà mồ bằng gỗ hiếm hoi sót lại ven đường, không người thăm viếng, đang dần rời rã.
Bài và ảnh: Mai Thành Dũng
Tái hiện lễ Mừng nhà mới và Cúng nhà mồ của người Pa Côh
Tái hiện lễ Mừng nhà mới và Cúng nhà mồ của người Pa Côh

Chiều 20/11, tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra lễ Mừng nhà mới và Cúng nhà mồ của người Pa Coh tại khu nhà dân tộc Tà Ôi làng II.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN