Nhưng làm sao cho sân khấu truyền hình Hải Phòng tiếp đà thành công này trong bối cảnh sân khấu cạnh tranh khốc liệt với các loại hình nghệ thuật, giải trí khác là bài toán đầy thách thức của người trong cuộc.
Quy tụ tinh hoa
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, với sự quan tâm của Thành ủy, chương trình sân khấu truyền hình được triển khai từ 11/2019. Đến thời điểm này, 30 chương trình đã thực hiện, trong đó 16 chương trình truyền hình trực tiếp, 14 chương trình ghi hình phát sóng. Các chương trình sân khấu truyền hình thành công là sự đóng góp, kết hợp chặt chẽ của Sở Văn hóa và Thể thao, các đơn vị liên quan, sự tâm huyết của các nghệ sĩ, diễn viên, tác giả, đạo diễn, cố vấn trong sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Hoạt động này góp phần tạo nên sự đổi mới trong tư duy sáng tạo của văn nghệ sĩ, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Chia sẻ về hoạt động của chương trình sân khấu truyền hình từ đầu năm 2022 đến nay, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, đã có 6 số sân khấu truyền hình phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, trong đó có 2 số truyền hình trực tiếp. Các số sân khấu truyền hình quy tụ không chỉ các diễn viên, nghệ sĩ của Hải Phòng mà còn có sự góp mặt của của ê kíp hàng đầu Việt Nam từ diễn viên đến đội ngũ dàn dựng, đầu tư cảnh trí, đạo cụ, trang phục, hòa âm phối khí, ánh sáng cho các vở diễn. Tiêu biểu như vở kịch nói "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của tác giả Lưu Quang Vũ do Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Như Lai là đạo diễn. Một số nghệ sĩ tham gia diễn vở đến từ Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Hà Nội góp phần làm mới tác phẩm và sân khấu kịch nói Hải Phòng.
Mới đây, trong buổi làm việc tìm các giải pháp nâng cao chất lượng chương trình sân khấu truyền hình do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố tổ chức, các tác giả, nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu sân khấu của Việt Nam đều nhất trí, Hải Phòng là điểm sáng của cả nước vực dậy sân khấu truyền hình, thổi bùng lại ngọn lửa đam mê của các nghệ sĩ hoạt động trong 5 đoàn nghệ thuật của thành phố gồm: Ca múa nhạc, Kịch nói, Chèo, Cải lương và Múa rối. Sự thành công này có được là do thành phố hậu thuẫn về nguồn lực tài chính, sự bật dậy của ngành Văn hóa Thể thao Hải Phòng trong hành trình tìm đường ra cho các loại hình sân khấu truyền thống và không thể không kể đến sự dấn thân của các nghệ sĩ tại các đoàn nghệ thuật này.
Đánh giá về hoạt động của sân khấu truyền hình Hải Phòng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, đây là một thành công cực kỳ lớn của thành phố trong bối cảnh khấu cả nước đang rơi vào khủng hoảng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, dù đạt kết quả đáng ngưỡng mộ, song sân khấu truyền hình của Hải Phòng đang là dạng thưởng thức nghệ thuật theo phong cách "đồ hộp" (qua phương tiện truyền thông). Khán giả vẫn rất cần một không gian thưởng thức sân khấu trọn vẹn là tại các nhà hát. Nơi đó, họ bị dẫn dắt, chìm đắm với diễn tiến và cảm xúc của nhân vật. Song cũng chính ở điểm giao này, những người thành phố Cảng làm nghệ thuật lại có một khả năng rất giỏi nữa, đó là đưa những vở diễn của sân khấu truyền hình đến biểu diễn tại khu vực nông thôn và khu công nghiệp.
Để ánh đèn sân khấu luôn tỏa sáng
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, trong 6 tháng đầu năm 2022, các đoàn nghệ thuật của thành phố đã tổ chức 86 buổi lưu diễn. Đặc biệt, hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Sở Văn hóa và Thể thao, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc (chương trình nằm trong kế hoạch của đề án sân khấu truyền hình) dành tặng các chuyên gia nước ngoài, cán bộ, người lao động đang làm việc tại Khu Công nghiệp Tràng Duệ.
Sân khấu truyền hình Hải Phòng đạt kết quả đáng mừng là vậy, song con đường phía trước của hoạt động này quá hẹp và ghập ghềnh.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết, các chương trình sân khấu truyền hình được đầu tư công phu, nhưng do điều kiện thực tế tại các điểm lưu diễn hạn chế, hầu hết các vở diễn, chương trình nghệ thuật phải biên tập lại cho phù hợp với địa phương.
Kịch bản luôn là yếu tố sống còn của chương trình biểu diễn. Tuy nhiên, một số đơn vị nghệ thuật chưa tích cực, chủ động trong việc tìm kiếm, đặt hàng các tác phẩm theo yêu cầu và nội dung của đề án. Vì vậy, nguồn kịch bản chưa phong phú, không có nhiều lựa chọn.
Một rào cản khác trong triển khai sân khấu truyền hình đó chính là lực lượng diễn viên. Hiện, diễn viên tại các đoàn nghệ thuật của Hải Phòng đều mỏng, tuổi đời và tuổi nghề cao, hầu hết các đoàn đều gặp nhiều khó khăn khi dàn dựng những vở diễn quy mô lớn.
Về vấn đề nhân lực, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Chức, nguyên Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bày tỏ tâm tư, đã có những giai đoạn, Đoàn Kịch Nói Hải Phòng diễn không có đối thủ. Nhưng giai đoạn hiện tại, lực lượng diễn viên của đoàn quá mỏng nên sẽ kéo theo chất lượng biểu diễn chưa cao. Nghệ sĩ Ưu tú Lê Chức chỉ ra cách gỡ nút thắt cho Hải Phòng như có thể mời các nghệ sĩ, diễn viên kỳ cựu về đào tạo cho lớp diễn viên mới. Bản thân các đoàn nghệ thuật cũng phải tìm cách vượt lên chính mình.
Đối với những khó khăn của các đoàn nghệ thuật, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam thẳng thắn, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố sẵn sàng dành nguồn lực cho sân khấu truyền hình, chăm lo đời sống của các nghệ sĩ trong các đoàn nghệ thuật, nhưng những người trực tiếp tham gia hoạt động sân khấu truyền hình luôn phải có tinh thần sáng tạo, xây dựng chương trình biểu diễn đáp ứng nhu cầu càng ngày càng đa dạng và khắt khe của người xem. Thời gian tới, đơn vị tổ chức và biểu diễn cần mở rộng phạm vi ảnh hưởng của sân khấu truyền hình Hải Phòng đến các địa phương lân cận, hướng tới tiếp cận khán giả cả nước.