Người dân, học sinh đến đọc sách tại tủ sách do anh Nguyễn Văn Pháp mở.
Từ năm 2017, anh Nguyễn Văn Pháp (sinh năm 1980, thôn Bình Thành, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) đã xây dựng một tủ sách với hơn 16.000 đầu sách các loại, đặt trong chính ngôi nhà của mình. Tủ sách bao gồm nhiều đầu sách như sách tham khảo, truyện tranh, sách giải trí đến các loại sách về văn hóa, xã hội, lịch sử, triết học, ngoại ngữ... Những cuốn sách có giá trị lớn được đặt một góc riêng. Tất cả đều được sắp xếp ngăn nắp, bố trí khoa học. Ngoài ra, anh còn trang bị thêm 6 bộ máy vi tính để các bạn trẻ có thể học và tìm kiếm thêm thông tin.
Chia sẻ ý tưởng xây dựng tủ sách miễn phí, anh Pháp cho hay, xuất phát từ niềm đam mê đọc sách và muốn đưa văn hóa đọc đến các em học sinh ở đây, anh đã tự xây dựng một không gian nhỏ với hàng ngàn loại sách để giúp đỡ các em trong việc học tập. “Tôi chỉ mong sao các em nhỏ hình thành thói quen đọc sách, vì đọc được càng nhiều sách các em sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức. Đó cũng là cánh cổng giúp các em tự tin trên hành trình của cuộc đời mình”, anh Pháp nói.
Từ ngày có tủ sách tại khu dân cư, các em nhỏ và người dân có thêm một nơi để đọc sách, vui chơi. Chị Nguyễn Phạm Gia Linh, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành chia sẻ, bản thân chị hiểu được tầm quan trọng của đọc sách, nhưng do công việc bận rộn, cộng với sự phát triển của công nghệ nên việc đọc sách của chị và các con bị sao nhãng. “Từ ngày có tủ sách của anh Pháp, vào những ngày cuối tuần tôi thường dẫn các con đến để đọc sách. Bản thân phải làm gương thì các con mới noi theo, do vậy tôi thường cố gắng cùng đọc, chia sẻ nội dung cuốn sách cùng con”, chị Linh cho biết.
Năm 2020, anh Nguyễn Văn Pháp đã nhận được thư biểu dương vì đóng góp cho phát triển sự nghiệp thư viện tại địa phương; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng bằng khen vì có thành tích điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Cũng từ năm 2020, Đoàn xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành đã xây dựng một thư viện xanh tại Nhà văn hóa thôn An Phước với khoảng 1.500 đầu sách các loại. Để việc đọc sách đạt được hiệu quả, Ban Chấp hành Đoàn xã đã phân công người trực để đảm bảo thư viện luôn mở cửa phục vụ các em nhỏ. Bí thư Đoàn xã Hành Dũng Nguyễn Thị Hồng Thái cho biết, tại các trường học đều có thư viện để các em đọc sách, truyện. Tuy nhiên, thư viện trường chỉ mở theo giờ hành chính, mà giờ đó các em phải học. Còn thư viện này chúng tôi mở cả buổi tối và ngày cuối tuần để các em đến đọc sách, vui chơi. “Thư viện chứa đựng rất nhiều kiến thức quý báu trong mỗi trang sách, mỗi tác phẩm, giúp các em mở rộng tư duy và khám phá thế giới qua sách. Nơi đây cũng giúp các em rèn luyện thói quen đọc sách và phát triển niềm đam mê học hỏi. Anh chị Đoàn Thanh niên luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng các em trên hành trình khám phá và học tập. Mong rằng thư viện sẽ trở thành người bạn thân thiết của các em trong quá trình học tập, chị Thái chia sẻ.
Học sinh đọc sách tại thư viện xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành.
Đoàn xã Hành Dũng cũng tổ chức các chương trình để học sinh đọc sách nhiều hơn trong trường học, khuyến khích phụ huynh cùng con đọc sách để tạo thói quen cho các em. Các giải pháp này khuyến khích học sinh hình thành và duy trì thói quen đọc sách lâu dài, góp phần nâng cao khả năng ngôn ngữ và kiến thức.
Em Trương Như Quỳnh (14 tuổi), xã Hành Dũng cho biết: Những lúc rảnh em và các bạn thường đến thư viện này để đọc sách. Có những quyển sách em đã được ba mẹ mua cho, nhưng khi đến đây đọc cùng các bạn em có cảm giác thoải mái, thích thú hơn. Em còn rủ em của mình và bạn đến mượn sách đọc. Với mong muốn tủ sách luôn được duy trì, mỗi khi mượn sách em đều gìn giữ rất cẩn thận. Em cũng góp những cuốn sách của mình đã đọc xong cho thư viện với mong muốn cuốn sách hay sẽ đến với nhiều người.
Theo thống kê, ở Quảng Ngãi hiện có hàng chục thư viện, tủ sách miễn phí do các tổ chức, cá nhân, dòng họ tự mở. Giám đốc Thư viện tỉnh Quảng Ngãi Phan Đình Độ cho biết, để thay đổi văn hóa đọc của các em học sinh và người dân, đơn vị tập hợp đa dạng các đầu sách tại thư viện công lập; thực hiện chuyển đổi số, đổi mới phương thức hoạt động. Đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa đọc; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia hình thành thư viện tư nhân, hỗ trợ hoạt động của thư viện tư nhân; tôn vinh người tâm huyết hình thành thư viện và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.