Trong đó, ngày 25/1 sẽ là chương trình dựng cây nêu ngày Tết. Đây là một phong tục truyền thống của người Việt nhằm bày tỏ lòng thờ kính thần linh, thể hiện tình cảm uống nước nhớ nguồn. Thông qua việc dựng cây nêu cũng là để trừ những điều xấu của năm cũ, bảo vệ cuộc sống bình yên cho con người, đón Tết bình an, hạnh phúc với ước mong có nhiều đổi mới, thành đạt hơn cho cộng đồng 54 dân tộc anh em trong năm mới.
Chương trình “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết” năm 2021 có chủ đề “Trao yêu thương - Tết sum vầy”. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc được Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam thực hiện thường niên từ nhiều năm qua. Kinh phí được huy động từ nguồn xã hội hóa, đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm. Dự kiến, Ban Tổ chức sẽ chuẩn bị khoảng 1.000 túi quà, mỗi túi quà trị giá khoảng 500.000 đồng (gồm 2 bánh chưng, 1 hộp mứt Tết, 5 kg gạo tẻ, 1 chai dầu ăn, 1 áo ấm hoặc chăn ấm mới...). Các phần quà này sẽ được chuyển tới tận tay đồng bào nghèo tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Hoạt động đón Tết Tân Sửu và gói bánh chưng tặng đồng bào nghèo của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm giới thiệu với du khách về nét văn hóa đặc sắc đón Tết cổ truyền của dân tộc, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam.
Mặt khác, thông qua hoạt động gói bánh chưng là cơ hội để các thế hệ người Việt Nam thể hiện sự đoàn kết, tương thân, tương ái, chung tay tiếp nối, phát huy truyền thống nhân ái, lá lành đùm lá rách, chia sẻ tinh thần đón Tết cổ truyền ấm áp nghĩa tình, hướng tới một năm mới bình an, tốt đẹp.
Thông qua các hoạt động đón Tết Tân Sửu 2021, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam muốn thể hiện một bức tranh văn hóa đa dạng, đa sắc, góp phần quảng bá, giới thiệu về “ngôi nhà chung” của các dân tộc Việt Nam với bạn bè trong nước và quốc tế. Từ đó, Ban Tổ chức tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết; động viên tinh thần phấn khởi, đón mừng xuân mới với khí thế mới của cộng đồng các dân tộc Việt Nam…