Giữ hồn dân tộc qua những sắc phong cổ

Tính đến nay, anh Bùi Văn Quang (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) đã trao tặng hơn 60 sắc phong và hàng trăm hiện vật cổ khác cho các bảo tàng và dòng họ trên khắp cả nước. Bằng những việc làm ý nghĩa đó, anh Quang mong muốn phát huy, gìn giữ được giá trị lịch sử dân tộc.


 

Anh Bùi Văn Quang giới thiệu một sắc phong quan tước thời vua Khải Định.

 

Anh Quang chia sẻ: “Hầu hết cổ vật của tôi thuộc các nền văn hóa cổ Việt Nam: Đông Sơn, Đa Bút, Sa Huỳnh, Óc Eo... Đồ Chàm, đồ Chăm, đồ thời Lý, Trần, Lê, gốm Chu Đậu… tôi đều có cả, nhưng ưu tiên nhất là mảng tư liệu Hán Nôm thời Lê, Nguyễn”.


Sinh ra tại xã Liên Minh (huyện Vụ Bản), anh Quang hiện đang là cán bộ phụ trách công đoàn của ngành giao thông vận tải tỉnh Nam Định. Tự nhận là “dân ngoại đạo”, anh cho biết mình mới bắt đầu chơi đồ cổ được hơn hai năm trở lại đây: “Trong một lần về quê, khi dọn lại những gian nhà cũ để chuẩn bị xây sửa lại, tôi có tìm được một chiếc thạp dáng vẻ khá cũ, kích thước không lớn và có đề chữ. Tò mò nên tôi mang chiếc thạp đó về tìm hiểu, từ khi đó niềm đam mê với đồ cổ dần dần “ngấm” vào người lúc nào không hay". Theo anh Quang, ở Nam Định có nhiều người chơi và cũng nhiều người “sành” đồ cổ, nhưng thường họ chơi đồng hồ, đồ mộc, hoặc những đồ đồng, đồ sứ cực kì đắt tiền. Chính vì vậy anh muốn “khai thác” một khoảng trống khá độc đáo so với nhiều dân chơi đồ thành Nam, đó là những tư liệu Hán Nôm cổ. Anh tâm sự: “Việc sưu tầm những hiện vật gốc không chỉ mang giá trị lưu giữ, mà còn giúp khơi lại nét văn hóa gợi nhớ cả một vương triều mà mỗi món đồ đó từng ra đời.” Anh Quang bỏ nhiều tâm huyết để nghiên cứu thêm một số tài liệu lịch sử, tư liệu Hán Nôm; qua thời gian anh càng cảm thấy mình “có duyên” với những sắc phong cổ.


Anh Quang cho biết: Vì đặc thù những bản sắc phong, chiếu chỉ đều làm bằng giấy, nếu được bảo quản ở điều kiện bình thường thì tối đa cũng chỉ tồn tại được khoảng 500 năm sẽ tự phân hủy, nên những bản anh từng sưu tầm được chủ yếu là của thời Lê, Nguyễn. Khác với những cổ vật thông thường phải mất nhiều thời gian thẩm định, những bản sắc phong, chiếu chỉ cổ có một nét rất riêng biệt: Đó là tự thân mỗi bản đã bao hàm một lý lịch, ngoài nội dung thì trên đó còn ghi rõ ràng ngày, tháng, năm, lý do được ban ra. Vì thế nên tuổi của những tư liệu Hán Nôm này luôn được xác định tuyệt đối một cách nhanh chóng. Những bản sắc phong, chiếu chỉ anh Quang sưu tầm hầu hết đều được anh đem tặng lại cho các bảo tàng, đình, đền của các làng xã, dòng họ.


Các bản sắc phong hầu hết đều được làm bằng giấy sắc Long Đằng (tương truyền làm tại làng Bưởi, Hà Nội), có in họa tiết rồng năm móng. Sắc phong có hai loại: Sắc phong cho bách thần và sắc phong cho bách quan. Đối với sắc phong cho bách thần bao gồm nhân thần - những thần tử của vua và thiên thần - những nhân vật trong tưởng tượng, có vị trí nhất định trong đời sống tinh thần và thờ cúng của nhân dân. Sắc phong cho nhân thần lại tùy theo người được sắc phong còn sống hay đã mất mà có cách thức thể hiện khác nhau.

 

“Tôi sưu tầm với mong muốn phát huy giá trị chứ không chủ trương lưu giữ cho cá nhân, khi có điều kiện thì sắc phong thuộc địa phương nào sẽ trao tặng lại đúng cho địa phương đó" - anh Quang chia sẻ.

Thông thường, trên giấy sắc phong “thượng đẳng thần” thường in hình tứ linh, đối với cấp “trung đẳng thần” trên giấy sẽ có hình bó lá cuốn thư. “Cấp chi thần” (hay còn gọi là hạ đẳng thần) là cấp thấp nhất, thường không có họa tiết. Trong sắc phong quan tước thì giấy có hình tứ linh dành cho quan nhất phẩm. Các phẩm cấp sau đó thì tùy theo thứ bậc mà hình in bát bửu cổ đồ số lượng sẽ thay đổi nhiều hay ít. Kích thước của mỗi tấm sắc phong cũng được dựa theo đẳng cấp quan tước của người được phong, đối với sắc phong quan nhất phẩm thì thông thường có kích thước 1,7 m x 0,65 m, những sắc phong khác nhỏ hơn. Nhờ đam mê nên anh Quang đã tự mày mò học hỏi và chính những hiểu biết này đã giúp anh từ một người không hề biết chữ Hán Nôm (không đọc được chữ trên văn bản sắc phong) lại có thể nhận biết chính xác các sắc phong chỉ bằng mắt thường thông qua đặc điểm.


Anh Quang cho biết: Sắc phong của mỗi đời vua, mỗi cấp bậc có đặc thù riêng về kích cỡ, hoa văn họa tiết, thể thức chữ và phong cách viết, cách đóng triện, cách đề lạc khoản… Thể chữ qua các đời vua biến đổi liên tục, màu giấy và chất liệu giấy cũng đổi khác.


Ngoài ra anh còn được sự trợ giúp của nhiều bạn bè, các chuyên gia nghiên cứu, mỗi lần sưu tầm được một sắc phong, ngoài việc tự tìm hiểu, anh còn nhờ mọi người thẩm định, dịch chữ giúp mình để tăng thêm tính xác thực.


Hơn hai năm qua, anh đã trao tặng hơn 60 sắc phong cổ và rất nhiều cổ vật khác cho các bảo tàng, đình, đền thờ, dòng họ… trên khắp cả nước như Bảo tàng Nam Định, Bảo tàng Nhân học (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Bảo tàng Đà Nẵng, đình Bồng Chiêu (tỉnh Hưng Yên), đình thờ chung của ba làng thuộc phường Ninh Phong (TP Ninh Bình)…


Anh Quang tâm sự, anh mong muốn những việc làm như của anh và một số bạn bè có thể trở thành phong trào, để hướng mọi người, nhất là lớp trẻ, quan tâm trân trọng hơn với những di sản của dân tộc.


Bài và ảnh: Hiền Hạnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN