Trong không gian mở của khuôn viên Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt (đường Hồ Xuân Hương, Đà Lạt), các hiện vật được trưng bày theo các chủ đề riêng biệt: Thảm họa da cam, nỗi đau da cam; Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học; Những tấm gương vượt khó vươn lên…Triển lãm còn giới thiệu đến công chúng hơn 100 đầu sách, báo, tạp chí, chiếu phim tư liệu về chiến tranh hóa học ở Việt Nam; công tác khắc phục hậu quả do chất độc da cam gây ra.
Triển lãm được tổ chức nhằm tuyên truyền để người dân trong nước và nước ngoài hiểu rõ hơn về hậu quả của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường và sức khỏe con người, đồng thời lan tỏa những nỗ lực của Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả do chất độc da cam gây ra sau chiến tranh.
Tại lễ khai mạc, Trung tướng Đặng Nam Điền, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khẳng định, Triển lãm là thông điệp gửi đến bạn bè quốc tế về khát khao hòa bình, phản đối chiến tranh của nhân dân Việt Nam. Hơn 60 năm qua, nhân dân Việt Nam đã và đang phải gánh chịu một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người khiến 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, ảnh hưởng lâu dài đến môi trường và hệ sinh thái.
Dịp này, Ban Tổ chức tặng quà, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân chất độc da cam của tỉnh Lâm Đồng với số tiền gần 650 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.
Triển lãm mở cửa tự do cho người dân và du khách tham quan đến hết ngày 25/10/2023.