Vào các dịp lễ, tết hàng năm, nhiều chương trình biểu diễn, giao lưu Đờn ca tài tử đều đặn phục vụ người dân; một số liên hoan, hội thi, hội diễn Đờn ca tài tử cấp tỉnh và cấp huyện được tổ chức. Phong trào Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đang góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại duy nhất của Nam Bộ.
Là nơi sớm tiếp thu những tinh hoa của nghệ thuật Đờn ca tài tử từ đầu thế kỷ XX, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Kiên Giang luôn tích cực thực hiện các biện pháp nhằm vừa bảo tồn, vừa thúc đẩy hoạt động Đờn ca tài tử. Thời gian qua, số câu lạc bộ, nghệ nhân và người tham gia sinh hoạt Đờn ca tài tử tăng lên ngày càng nhiều ở các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng phong trào Đờn ca tài tử trên địa bàn toàn tỉnh.
Vùng đất giàu truyền thống Đờn ca tài tử
Đờn ca tài tử là loại hình sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng, phản ánh tâm tư, tình cảm của người dân Nam Bộ, trong đó có Kiên Giang. Đầu thế kỷ XX, tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang ngày nay) hình thành nhiều gia đình và những nhóm Đờn ca tài tử trong cộng đồng. Năm 1936, nhóm “Dây Đờn Rạch Giá” ra đời được người hâm mộ yêu thích và nhanh chóng phát triển khắp Nam Bộ. Thập niên 40 của thế kỷ trước, Rạch Giá còn có một tiệm đóng đàn nổi tiếng khắp lục tỉnh Nam Kỳ tên là “Sơn Ca”, chuyên đóng đàn guitare phím lõm, đàn kìm, bán cho giới tài tử.
Phong trào Đờn ca tài tử Kiên Giang tiếp tục có nhiều tiến bộ trong những thập niên 50 - 70 thế kỷ XX, không ít người đã trưởng thành trên con đường nghệ thuật, có nhiều tác phẩm mới ca ngợi vẻ đẹp đất và người Nam Bộ. Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, tại Rạch Giá vẫn còn một số nhóm Đờn ca tài tử nổi tiếng như nhóm: Ba Ca, Hai Kỳ.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang, giai đoạn từ năm 1990 - 2010, phong trào Đờn ca tài tử không còn mạnh mẽ như trước, nhiều câu lạc bộ hoạt động hợp tan theo mùa hội diễn. Số lượng các nghệ nhân giỏi Đờn ca tài tử ngày càng ít đi do tuổi cao sức yếu. Giới trẻ ít người được truyền dạy cơ bản, nhiều người thích ca vọng cổ, cải lương và một số bài bản thông dụng...
Gây dựng phong trào từ cơ sở
Từ khi nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2013, phong trào Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ngày càng khởi sắc. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang Nguyễn Diệp Mai cho biết, tất cả 15 huyện, thành phố trong tỉnh đều có các câu lạc bộ, nhóm Đờn ca tài tử với hơn 1.700 người tham gia sinh hoạt. Tiêu biểu như các huyện An Biên, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận và thành phố Rạch Giá là những nơi có phong trào Đờn ca tài tử hoạt động tốt. Trong đó, nhiều câu lạc bộ hoạt động khá hiệu quả, đạt được giải thưởng trong các kỳ liên hoan. Ngoài câu lạc bộ, nhóm tài tử, nhiều gia đình có truyền thống, nhiều thế hệ đều theo nghiệp Đờn ca tài tử. Họ là những người có hiểu biết uyên thâm về loại hình Đờn ca tài tử, nhuần nhuyễn nhiều bài bản tổ.
Ông Trần Thanh Thảo (Chín Thảo), ấp Sáu Đình, xã Nam Thái, huyện An Biên, tham gia hoạt động Đờn ca tài tử liên tục từ năm 1992 đến nay, hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang (phụ trách cụm 4 huyện Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, An Minh, An Biên), kiêm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện An Biên, là nghệ nhân tiêu biểu góp phần phát triển phong trào Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Nhiều năm nay, ông Thảo tham gia biểu diễn, dàn dựng kịch bản cho địa phương tham dự các hội thi, hội diễn. Ông còn truyền dạy cho khoảng 30 tài tử ca, 5 tài tử đờn trong suốt quá trình hoạt động Đờn ca tài tử của mình.
Chúng tôi đến nhà ông khi Nhóm Đờn ca tài tử ấp Sáu Đình do ông thành lập, đầu tư nhạc cụ, máy móc, đang sinh hoạt sôi nổi. Dù thời tiết mưa gió do ảnh hưởng của cơn bão số 5 nhưng các thành viên vẫn tập hợp đông đủ, cùng nhau thể hiện đam mê, chia sẻ lời ca tiếng hát mùi mẫn, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước…
Trong Nhóm Đờn ca tài tử ấp Sáu Đình, gia đình ông Thảo có đến 5 thành viên, trong đó có cháu họ của ông là Trần Thị Ngân, 11 tuổi đang học lớp 6, được truyền dạy và biết hát từ khi 6 tuổi, hiện là thành viên sinh hoạt thường xuyên trong nhóm. Ngân chia sẻ: “Cháu rất thích hát Đờn ca tài tử. Ngoài thời gian học, cháu chép lời các bài vọng cổ để nhớ lời khi hát. Trong khi sinh hoạt, cháu luôn được các cô chú chỉ dẫn, uốn nắn để hát được đúng nhịp, có tình cảm hơn. Học cùng lớp cháu cũng có nhiều bạn thích và biết hát Đờn ca tài tử giống cháu…”.
Nghệ nhân Trần Thanh Thảo cho biết, phong trào Đờn ca tài tử đang phát triển rộng khắp tất cả các xã trên địa bàn huyện An Biên. Các nhóm, câu lạc bộ đa số sinh hoạt định kỳ hàng tháng, riêng Nhóm Đờn ca tài tử ấp Sáu Đình sinh hoạt hàng tuần vì có đủ điều kiện nhạc cụ và có tài tử đờn, trong khi vẫn còn một số câu lạc bộ không thể sinh hoạt định kỳ vì thiếu tài tử đờn. Đây chính là điều cản trở lớn nhất trong sinh hoạt Đờn ca tài tử tại địa phương nên việc tăng số lượng tài tử đờn để thúc đẩy phong trào hoạt động mạnh hơn nữa là cần thiết.
Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử
Theo nghệ nhân Trần Thanh Thảo, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần có một địa điểm để các tài tử đờn tập hợp lại, cùng nhau sinh hoạt, tập luyện, học hỏi kinh nghiệm, từ đó nâng cao tay nghề, tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ, tạo cơ sở cho nguồn tài tử đờn trong các buổi sinh hoạt Đờn ca tài tử.
Tháng 7/2020 vừa qua, nằm trong chương trình Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018 - 2020”, Kiên Giang mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng cho người truyền dạy Đờn ca tài tử với 60 học viên tham gia. Tham gia truyền dạy có Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên - Giảng viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Khải - Giảng viên Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ sĩ Kim Loan - Giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo nghệ nhân Trần Thanh Thảo, cần có nhiều lớp bồi dưỡng như vậy để tăng số lượng cũng như chất lượng cho người truyền dạy, giúp khơi dậy và nhân rộng số người có khả năng đờn và hát Đờn ca tài tử. “Cá nhân tôi có tâm nguyện truyền dạy cho thế hệ đời sau. Ai có niềm đam mê, tâm huyết với Đờn ca tài tử, tôi sẵn sàng truyền dạy miễn phí, vừa đờn vừa hát để tạo nguồn kế thừa sau này. Chính nguồn kế thừa là điều kiện quan trọng để bảo tồn, giữ gìn loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử của dân tộc”, nghệ nhân Trần Thanh Thảo chia sẻ.
Thực tế, thời gian qua, Trường Văn hóa Nghệ thuật và Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang hàng năm đều chiêu sinh các lớp Đờn ca tài tử. Bên cạnh đó, một số cơ sở truyền dạy Đờn ca tài tử tư nhân cũng được hình thành trên địa bàn tỉnh. Để tạo sự kết nối và mở rộng không gian sinh hoạt Đờn ca tài tử, ngành Văn hóa Kiên Giang còn tổ chức đoàn đi tham gia một số sự kiện (liên hoan, nhạc hội, hội thảo) về Đờn ca tài tử do các tỉnh, thành phố trong khu vực tổ chức như tại Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh...
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang Nguyễn Diệp Mai, cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức và trình độ kỹ năng chuyên môn về Đờn ca tài tử cho Ban Chủ nhiệm và thành viên các câu lạc bộ; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo mở lớp truyền dạy kiến thức cơ bản về Đờn ca tài tử cho đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên; thí điểm đưa Đờn ca tài tử thành một môn học ngoại khóa tại một số trường học, tổ chức một số lớp theo mô hình Đờn ca tài tử học đường, giúp học sinh tiếp cận làn điệu, bài bản nhẹ nhàng, vui tươi để các em có dịp làm quen với Đờn ca tài tử; kịp thời phát hiện và có kế hoạch chăm bồi tài năng tại các địa phương.
Các cuộc thi sáng tác lời mới về Đờn ca tài tử cũng cần được tổ chức. Trên cơ sở 20 bài tổ, vận dụng sáng tác những bài bản thuộc hệ thống âm nhạc tài tử với chủ đề phản ánh đời sống xã hội, ca ngợi quê hương, đất nước và con người Kiên Giang trong xu thế hội nhập; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn kinh phí phục vụ các hoạt động Đờn ca tài tử; đầu tư kinh phí cho các hoạt động mang tính định hướng truyền dạy, tập huấn, liên hoan, hội thi, hội diễn các cấp, từ đó góp phần giữ gìn, tôn vinh nghệ thuật truyền thống, từng bước nâng cao giá trị của Đờn ca tài tử gắn với văn hóa sinh hoạt thường ngày ở cộng đồng dân cư.
Bài 2: Nghệ nhân gần 80 năm gắn bó với nghệ thuật truyền thống