Gìn giữ di sản cho muôn đời sau: Xây dựng trung tâm đô thị di sản thiên niên kỷ

Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình như "viên ngọc quý" bảo tồn giá trị quý báu của thiên nhiên và văn hóa.

Ngay sau khi Tràng An được ghi danh vào danh sách Di sản thế giới, Ninh Bình tập trung thực hiện quy hoạch tổng thể, ban hành nhiều chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình nỗ lực gìn giữ, trao truyền di sản vô giá cho các thế hệ mai sau với phương châm "Sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản".

Chú thích ảnh
Được ví như “Hạ Long trên cạn” với gần 100 hang động tuyệt đẹp, Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thế giới cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

"Viên ngọc quý" giữa lòng Cố đô

Ngày 23/6/2014, tại Thủ đô Doha (Qatar), Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc đã ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An vào danh mục Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới dựa trên 3 tiêu chí: Văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất - địa mạo. 

Khu vực này hiện có 429 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 36 di tích cấp tỉnh được phân bố đều khắp 18 xã, phường. Nơi đây từng là kinh đô đầu tiên của Nhà nước Đại Cồ Việt, chứa đựng nhiều di tích lịch sử, tôn giáo nổi tiếng, giá trị thiên nhiên và văn hóa độc đáo. Để khẳng định những cam kết, trách nhiệm trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị và chuyển giao di sản cho các thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản Thế giới, Ninh Bình ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý, bảo tồn gắn với phát huy giá trị di sản.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, Di sản Tràng An như "viên ngọc quý" trở thành trái tim, duy trì nhịp đập, khơi lại mạch nguồn quá khứ, được chắt lọc, bảo tồn giá trị quý báu của thiên nhiên, văn hóa. Những giá trị của di sản là động lực quan trọng để tỉnh vươn lên phát triển trong thời kỳ đổi mới, hội nhập vào mạng lưới di sản được sở hữu danh hiệu của UNESCO. Đặc biệt, Tràng An đang giữ vai trò hạt nhân, trung tâm để Ninh Bình phát triển hệ thống đô thị theo hướng đô thị di sản. Đến nay, sau 10 năm được ghi danh là Di sản thế giới, việc quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Tràng An đạt nhiều kết quả tốt đẹp. 

Các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản được tôn trọng và gìn giữ. Tỉnh đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, diễn giải các giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch. Các khu, điểm du lịch trong khu di sản thực sự đóng vai trò là hạt nhân, thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch trên toàn tỉnh. Cộng đồng người dân sinh sống trong vùng di sản được tham gia bảo vệ di sản và hưởng lợi trực tiếp từ di sản. Các giá trị của di sản đến được với mọi người dân, đem lại giá trị tinh thần, gắn kết xã hội, duy trì sinh kế truyền thống và tạo sinh kế mới hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững. Di sản Tràng An thực sự là của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ, gìn giữ và hưởng lợi từ di sản. 

"Ninh Bình với mục tiêu xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, Tràng An đang mang sứ mệnh mới, trở thành trung tâm của đô thị di sản thiên niên kỷ, từ đó, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh", Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định.

Chú thích ảnh
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, huyện Hoa Lư. Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Tràng An trong lòng đô thị di sản thiên niên kỷ

Ngày 23/8/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết 16-NQ/TU về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, trong đó mục tiêu đến năm 2025 sẽ thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gắn với định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là "Đô thị Cố đô - Di sản", dựa trên các giá trị độc đáo về tự nhiên - sinh thái, văn hóa - lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Để phát triển Tràng An làm trung tâm đô thị di sản, Ninh Bình luôn chú trọng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, khoanh vùng cấm và tạm cấm khai thác các dãy núi đá vôi, rừng đặc dụng, đồng thời chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế từ "nâu" sang "xanh". Tỉnh vận dụng linh hoạt mô hình hợp tác công - tư, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên: Cộng đồng (người dân) - chính quyền - doanh nghiệp. 

Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ có 7 đô thị trung tâm; trong đó 1 đô thị loại I là đô thị di sản thiên niên kỷ. Các đô thị của tỉnh Ninh Bình được định hướng phát triển bền vững dựa trên nền tảng không gian hình thành Cố đô Hoa Lư lịch sử, di sản văn hóa qua các thời đại, cùng các di sản thiên nhiên để xác định tính chất, chức năng, vai trò, vị trí trong công cuộc phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư xứng tầm đô thị di sản thiên niên kỷ tiêu biểu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, đô thị di sản trung tâm bao gồm khu vực lịch sử, du lịch, thương mại... được phân tách thành các trung tâm độc lập đan xen với công viên chuyên đề, quần cư di sản, dân cư, tái định cư.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, trong vùng Đồng bằng sông Hồng thường chỉ nói đến các đô thị lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng còn Ninh Bình ít được nhắc đến. Tuy nhiên, khi tiếp cận dưới góc độ di sản, Ninh Bình lại có cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tiềm năng khác biệt. Di sản chính là động lực, tiềm năng mới để Ninh Bình phát triển đô thị. 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, cơ sở để Ninh Bình xây dựng đô thị di sản - du lịch và phong cảnh là do địa phương sở hữu tài nguyên thiên nhiên, di sản độc nhất vô nhị. Di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nhân văn tiêu biểu có nhiều khả năng phát huy trên nền cảnh di sản văn hóa, lịch sử dân tộc. Để phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng với thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, việc lập đề án Đô thị di sản - du lịch là rất quan trọng, tạo khung chiến lược, nền tảng, căn cứ, có giá trị cốt lõi để địa phương từng bước vững chắc đi lên, phát triển bền vững.

Bài tiếp theo: Người trẻ sáng tạo để bảo vệ di sản

Hải Yến (TTXVN)
Lượng hóa giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An
Lượng hóa giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An

Ngày 28/10, tại Quần thể danh thắng Tràng An, Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Hà Nội phối hợp Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức công bố Đề án "Lượng hóa giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN