‘Giao lưu văn hóa’ có bỏ quên sân khấu?

Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, tỏ ra khá “tủi thân” khi chia sẻ về vị trí “con rơi” của sân khấu trong các hoạt động giao lưu văn hóa chính thống, tầm quốc gia.

Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Thế Vinh cho biết, trong năm 2017, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng có nhiều chuyến đi lưu diễn quốc tế.


Trong đó, riêng Trung Quốc là 6 lần, gồm 4 lần tham dự Tuần lễ sân khấu Trung Quốc - ASEAN và 2 lần đi theo lời mời của Sở Văn hóa Hà Nam và Sở Văn hóa Quý Châu- Trung Quốc. Bên cạnh đó, là tham dự các LH Quốc tế ở Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Monaco…

Đạo diễn Chua Soo Pong (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn các diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam tập vở "Hồng Lâu Mộng".

Tuy nhiên, những lần “đem chuông đi đánh xứ người” này đều là do lời mời của các liên hoan, hoặc là sự liên hệ cá nhân của một số nghệ sĩ Nhà hát với các đơn vị nước ngoài.


Còn, để có vị trí trong các hoạt động giao lưu văn hóa tầm quốc gia nhưng các tuần lễ văn hóa, chương trình quảng bá văn hóa Việt Nam thì… xem như chưa có.


“Hiện nay ngân sách của Nhà nước càng ngày càng eo hẹp và càng ngày càng khó khăn hơn trong việc giới thiệu các tác phẩm của chúng ta ra nước ngoài. Trông chờ vào các Nghị định, các chương trình hợp tác theo con đường Nhà nước thì gần như không có cơ hội cho các đơn vị kịch nói, chỉ có ca múa nhạc là đi làm đối ngoại. Các tháng văn hóa, tuần lễ văn hóa quốc tế ở nước ngoài chỉ có các đoàn ca nhạc, cùng lắm là các nghệ sĩ giao hưởng tham gia; mà không có chỗ cho kịch nói”, ông Nguyễn Thế Vinh chia sẻ.


Theo ông Nguyễn Thế Vinh, cá nhân ông đã từng có ý kiến trong cuộc họp Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cũng như tổng kết của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch về công tác đối ngoại, rằng “tại sao không, khi chúng ta có thể mang những tác phẩm kịch nói kinh điển, do các nghệ sĩ Việt Nam trình diễn, tới nước ngoài, để giới thiệu về trình độ diễn xuất, cũng như khả năng chúng ta có thể đạt được về văn hóa để giới thiệu với công chúng”. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy có một hứa hẹn về “tương lai sáng” nào cho sân khấu trong phương diện này.


Được biết, năm 2016, vở Hămlét của Nhà hát Kịch Việt Nam, với sự hỗ trợ của một doanh nghiệp, đã có cơ hội tới với các khán giả Singapore. Và như nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Singapore: Vở diễn đã góp phần nâng tầm con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế tại Singapore.


“Sân khấu là một kênh có thể nâng hình ảnh Việt Nam lên rất cao trong mắt bạn bè quốc tế. Bằng một tác phẩm nghệ thuật, công trình nghệ thuật thế này, hình ảnh sẽ lên rất cao, giúp cho sự liên kết cộng đồng ở nước ngoài cũng tốt hơn. Đơn cử như mới đây, khi Nhà hát mang vở “Bệnh sĩ” đi diễn ở châu Âu, rất nhiều người Việt Nam đã từng sinh sống 30 - 40 năm ở châu Âu xem xong rất xúc động, lên rưng rưng nói với tôi: “40 năm nay rồi tôi chưa được xem vở kịch nào hay như thế, ý nghĩa như vậy”. Có thể nói, những vở diễn tác động rất tốt trong việc liên kết cộng đồng. Nhưng gần như kịch nói đã không được sự quan tâm thấu đáo của lãnh đạo Bộ trong việc đưa ra làm công tác đối ngoại. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh, có tiếng nói. Lãnh đạo nên có tầm nhìn, sự thấu hiểu về tầm quan trọng của kịch nói”, ông Nguyễn Thế Vinh quả quyết.


Không chỉ với hoạt động “xuất ngoại”, mà với hoạt động “nhập nội”, thì việc “đối ngoại” của sân khấu cũng còn nhiều vấn đề. Đơn cử như lần này, khi Nhà hát mời đạo diễn người Singapore, ông Chua Soo Pong, sang hợp tác dàn dựng vở “Hồng Lâu Mộng”, cũng gặp nhiều khó khăn.


Do quy định, tất cả các tác phẩm nghệ thuật đặt hàng chỉ trả tiền đạo diễn chứ không trả tiền ăn ở cho đạo diễn người nước ngoài; bởi vậy, Nhà hát đã phải liên hệ và được sự hỗ trợ của Quỹ Văn hóa Quốc tế Singapore. Quỹ này đã đồng ý hỗ trợ ông Chua Soo Pong tiền vé máy bay đi về, tiền ăn, tiền ở trong thời gian làm việc tại Việt Nam, cho tới khi kết thúc vở diễn. “Nếu không, chúng tôi cũng sẽ không đủ sức để chi trả mà mời đạo diễn nước ngoài được, trong khi đây là một điều rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tác phẩm sân khấu, đưa sân khấu Việt Nam hội nhập với thế giới”, đại diện Nhà hát cho biết.


Có thể hơi nặng lời, nhưng như chia sẻ của giám đốc Nguyễn Thế Vinh: “Có lẽ, do cái nhìn ở tầm lãnh đạo chưa thấu đáo, nên chúng ta bị coi nhẹ. Hy vọng bằng những tác phẩm sân khấu mà Nhà hát đang dàn dựng (“Romeo & Juliet”, “Hồng Lâu Mộng”), chúng ta vừa mang đến cho công chúng những tác phẩm nghệ thuật có giá trị; nhưng đồng thời cũng nhắc nhớ lãnh đạo Bộ VHTTDL về những giá trị tác phẩm của chúng ta, có thể mang lại những đổi thay về nhận thức, về văn hóa, cũng như những vấn đề khác cho con người, đất nước Việt Nam”.


Phải chăng, đã tới lúc không nên bỏ quên sân khấu nữa, trong các hoạt động đối ngoại của văn hóa.


PT/Báo Tin Tức
Nhà hát Kịch Việt Nam khởi dựng 'Hồng Lâu Mộng' của tác giả Tào Tuyết Cần
Nhà hát Kịch Việt Nam khởi dựng 'Hồng Lâu Mộng' của tác giả Tào Tuyết Cần

Sáng 25/9, Nhà hát Kịch Việt Nam đã khởi dựng vở kịch “Hồng Lâu Mộng”, dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Trung Quốc Tào Tuyết Cần. Vở kịch là công trình hợp tác giữa Nhà hát Kịch Việt Nam và Quỹ Văn hóa Quốc tế Singapore (SIF).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN