Gian nan đường lên Am Tiên

Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Am Tiên nằm trong quần thể khu danh lam thắng cảnh Ngàn Nưa, thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, nơi gợi nhớ về lịch sử chiến đấu oai hùng của nghĩa quân Bà Triệu năm 248. Di tích vừa mang đậm chất dân gian, huyền thoại, vừa là danh thắng nổi tiếng và cũng là 1 trong 3 huyệt khí lớn nhất của quốc gia. Tuy nhiên, đường lên đỉnh núi Nưa (nơi tọa lạc của chùa Am Tiên) khiến du khách phải thót tim bởi sự nguy hiểm của con đường này.

Dịch vụ xe ôm chở khách lên Am Tiên. Ảnh: dulichxuthanh.com


Có mặt tại Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Am Tiên vào ngày đầu năm mới Quý Tỵ, chúng tôi được "mục sở thị" sự hiểm nguy của con đường hành hương từ chân Ngàn Nưa lên đỉnh Am Tiên.

 Ngay từ ngoài đường cái, trời mưa đường trơn như đổ nhựa nhầy nhụa, lầy lội vào đến tận chân núi Nưa. Nhiều du khách đi xe đã bị trượt ngã bẩn hết quần áo. Để đảm bảo an toàn cho người dân lên chùa thắp hương, chính quyền địa phương phải huy động các xe tải chở đất đổ lên mặt đường gần khu vực chân núi nhằm giảm bớt nguy hiểm, tai nạn cho du khách. Tuy nhiên khi du khách lên đỉnh núi Nưa thì đành chịu và phó mặc cho số phận. Đoạn đường từ chân núi lên đỉnh núi dài gần 4 km liên tục có những đoạn cua gấp, nhiều đoạn có độ dốc 30 đến 40 độ và suốt cả tuyến đường liên tục có những "ổ voi" khiến việc lên, xuống rất khó khăn. Đặc biệt những ngày đầu xuân do mưa phùn, đường trơn nên việc lên chùa càng thêm nguy hiểm.

Khi đoàn chúng tôi vừa mới dừng xe ở chân núi đã có một thanh niên nhanh nhảu chạy tới mời chào đưa xe vào bãi gửi. "Các anh cứ để xe đây, em sẽ bố trí xe ô tô cho các anh lên tận cổng chùa. Giá "mềm" thôi, cả lượt đi và lượt về em chỉ lấy mỗi người 80.000 đồng". Miệng nói, tay anh ta đã dắt luôn chiếc xe máy của chúng tôi vào sân gửi xe và thu mỗi xe 10.000 đồng. Phải đợi đến gần 20 phút, một chiếc xe u oát cũ kỹ mới xuất hiện, người thanh niên vừa rồi vội vàng "lùa" hết khách đã chèo kéo được lên xe một cách nhanh chóng như sợ có xe khác cướp mất khách.

Khi đường quá trơn và dốc thì xe U oát gần như là phương tiện di chuyển duy nhất. Ảnh: dulichxuthanh.com


Cả 12 người ngồi chen chúc đến nỗi không có chỗ để chân. Phụ xe không có chỗ ngồi, phải đứng bám ở phía ngoài xe. Xe chạy càng lên cao sương mù càng dày đặc, cách 15 m không nhìn rõ mặt nhau. Xe đã cũ nát thiếu an toàn nhưng lái xe chạy rất ẩu, buộc người đi bộ và cả cánh xe ôm phải nép sát vào vách núi để nhường đường. Nhiều người không kịp tránh bị bùn đất bắn tung toé lên quần áo, mặt mũi. Xe chở khách lên xuống liên tục khiến nhiều ổ voi càng thêm lầy lội, sụt lún, nhiều hố sâu tới gần 50 cm. Nhiều bà ngồi trên xe phải nhắm mắt, chắp tay cầu khấn cho xe đi được an toàn. Khi lên đến đỉnh núi, xe bốc mùi khét lẹt và nóng ran như sắp cháy, lái xe vội trấn an mọi người: "Tôi ôm côn lâu quá nên mới có mùi khét đấy, chứ xe này máy móc còn ngon lắm". Được biết tại khu vực này luôn có 10 xe u oát và gần 30 xe ôm làm dịch vụ chở khách lên Am Tiên thắp hương đầu năm. Nhưng vào những ngày mưa thì cánh xe ôm cũng đành chịu bởi đường quá trơn và dốc.

Một số du khách sợ đi ô tô, xe máy mất an toàn, đã chọn cách leo bộ, nhưng cũng thật gian nan, phải mất từ 3- 4 giờ đồng hồ mới lên được chùa. Khi lên đến nơi du khách cũng không còn đủ sức thăm thú.


Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Am Tiên. Ảnh: internet

Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Am Tiên mang dấu tích lịch sử đặc biệt quan trọng cùng với vẻ đẹp được thiên nhiên ưu đãi đã tạo nên một tiềm năng du lịch rất lớn. Mỗi năm, Am Tiên đón hàng chục nghìn du khách thập phương tập trung trong những tháng đầu năm Âm lịch, về tham quan, vãn cảnh, thắp hương cầu lộc, cầu tài. Nhưng để đảm bảo an toàn cho du khách, cùng với việc quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, tỉnh Thanh Hóa và huyện Triệu Sơn cần khẩn trương hoàn thiện việc thảm nhựa hoặc bê tông hoá con đường dẫn lên đỉnh Am Tiên.


Trịnh Duy Hưng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN