Gặp lại thuyền trưởng tàu hữu nghị Italy đến Việt Nam 40 năm trước

Đôi môi run run và mắt ướt lệ, Luciano Sossai chăm chú nhìn từng tấm ảnh đen trắng được chụp lại từ những trang báo Italy 40 năm trước. Đấy là những dòng tít đầy phấn khích và tự hào về một thời kì đã qua của thành phố cảng lớn nhất nước Ý, của những người công nhân cảng và của chính ông trong những năm tháng hào hùng vẫn sống mạnh mẽ trong tâm trí ông. Những bức ảnh. Những lá cờ. Những nụ cười trẻ trung. Cả những bài báo bằng tiếng Việt in tận năm 1974 có nhắc đến con tàu mà ông đã lái sang Việt Nam, với hình ảnh của chính ông ngày đó, trẻ trung, rạng rỡ và khỏe khoắn.


Người thuyền trưởng của con tàu Australe chở đầy hàng hóa, thuốc men, đồ dùng học tập và nhiều nhu yếu phẩm khác sang giúp đỡ nhân dân Việt Nam vào cuối năm 1973 ấy đã xem đi xem lại những hình ảnh ấy không chỉ một lần. Nhưng lần nào ông cũng xúc động như được sống lại thời kì ấy.


Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Dương Anh Điền (phải) và người thuyền trưởng tàu Australe, Luciano Sossai. Ảnh: TTXVN


Còn hôm nay, khi run run chống gậy đến triển lãm "Hải Phòng-Genoa, hai thành phố cảng, một lịch sử" trong khuôn khổ "Những ngày Việt Nam ở Genoa" nhân kỉ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Italy và Việt Nam, sự xúc động đến từ một chi tiết khác nữa: triển lãm được tổ chức trong tòa nhà San Giorgio ngay cảng biển. Chính ở dinh thự cổ kính ấy là nơi mà nhân dân, chính quyền thành phố và những người công nhân cảng chia tay Sossai và con tàu khởi hành sang Việt Nam vào ngày 17-11-1973. Sossai nói: "Tôi không bao giờ quên được ngày đó. Khi chúng tôi khởi hành, cả thành phố ra vẫy tay chào. Ba nghìn tấn hàng được quyên góp trong nhiều tháng của nhân dân Ý gửi tặng nhân dân Việt Nam đã được chính người Genoa mang sang trao tận tay theo cách ấy".


Ngày Sossai lái con tàu sang Việt Nam và cập cảng Hải Phòng vào tháng 1-1974, ông mới hơn 30 tuổi, cái tuổi mà biết bao người bạn Việt Nam ở thành phố này đang có trong những năm ấy. Ông nói: "Thực ra, những phong trào ủng hộ Việt Nam đã được thực hiện trong những năm 1960, với việc quyên góp thuốc men. Phong trào ấy thu hút sự quan tâm của rất nhiều giai tầng trong thành phố. Chúng tôi hăng hái tham gia các hoạt động vì nhân dân Việt Nam, tổ chức nhiều cuộc nói chuyện về cuộc chiến tranh, về tinh thần chiến đấu của nhân dân Việt Nam, tổ chức hàng nghìn cuộc biểu tình trong vài năm, và sau đó thậm chí tổ chức một cuộc phong tỏa không cho các tàu chiến chở vũ khí sang Việt Nam cập cảng Genoa. Genoa khác những bến cảng khác. Chúng tôi bảo vệ hòa bình".


Hòa bình là cái tên sau đó người ta gán cho con tàu Australe mà ông lái sang Việt Nam cách đây đúng 4 thập kỉ và trở thành biểu tượng cho tình hữu nghị mà nhân dân Ý dành cho nhân dân Việt Nam. Genoa và Hải Phòng từ đó cũng trở thành thành phố kết nghĩa. Hôm khai mạc sự kiện "Những ngày Việt Nam ở Genoa" bằng triển lãm ảnh gắn liền với tên của hai thành phố ấy, mọi người không khỏi xúc động khi chứng kiến cái ôm nhau thật chặt của Sossai với Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Dương Anh Điền, người sau đó đã nói lời cám ơn đến Sossai và những người Italy yêu chuộng hòa bình.


Những hồi ức mà Sossai kể có thể được chia sẻ bởi rất nhiều những người bạn Việt Nam khác mà tôi đã gặp trong những lần xuống công tác ở Genoa. Trong một cuộc nói chuyện về Việt Nam ở đây mấy năm trước, hàng mấy chục người Genoa tuổi trung niên hào hứng kể những câu chuyện về những năm tháng ấy. Lúc đó, ông Claudio Burlando, chủ tịch vùng Liguria mà Genoa là thủ phủ, đã say sưa kể về phong trào phản chiến, ủng hộ nhân dân Việt Nam và nhắc đến Sossai cũng như con tàu mà ông lái đến cảng Hải Phòng sau 13 nghìn hải lí và 53 ngày lênh đênh trên biển. Một thoáng nghẹn ngào xúc động nhắc đến quá khứ, Burlando kết luận: "Tôi cũng là một công nhân cảng, và tôi trưởng thành từ những năm tháng ủng hộ nhân dân Việt Nam". Chính từ những người như Burlando và Sossai mà đến giờ, tình hữu nghị giữa nhân dân và công nhân cảng với Việt Nam vẫn được duy trì qua các hoạt động của chi hội Genoa thuộc Hội hữu nghị Italy-Việt Nam. Hội viên của chi hội chính là những người đã có mặt trong phong trào ủng hộ Việt Nam ngày đó. Con tàu hữu nghị mà Sossai lái sang Việt Nam chính là ý tưởng của con người ấy 40 năm trước.


Sossai bây giờ đã ngoài 80 và những năm qua phải vật lộn chống chọi với những căn bệnh của tuổi già. Tôi thăm ông một lần 4 năm trước trong căn hộ chung cư của ông ở một khu bình dân của thành phố cảng. Căn hộ nhỏ, nhưng đầy dấu ấn Việt Nam qua những đồ lưu niệm và cả tiếng cười của cháu ông, một đứa bé được nhận nuôi người Việt lúc ấy mới 4 tuổi. Lúc ấy, ông vừa trải qua một cơn bạo bệnh và rất yếu. Nhưng ngay cả khi ấy, ông vẫn kể lại những mẩu chuyện về con tàu, về những cuộc biểu tình của công nhân cảng trong tiếng hô "Giáp! Giáp! Hồ Chí Minh!" và cả một cuộc gặp gỡ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ánh mắt đầy phấn khích. Bây giờ gặp lại ông, thấy ông khỏe hơn mà ai cũng thấy vui lây. Bởi từ 40 năm nay, Sossai đã được coi như một hình ảnh đẹp của tình hữu nghị Italy-Việt Nam, là biểu tượng đầy giá trị của lòng yêu hòa bình và hào phóng của nhân dân Genoa, thành phố đã sinh ra Cristoforo Colombo, người đã tìm châu Mỹ vào năm 1492.


Mô hình của con tàu mà Colombo ngày ấy bây giờ được dựng ở cảng biển Genoa, ngay phía trước dinh San Giorgio, nơi con tàu Australe mà Sossai bẻ lái đã nhổ neo vào năm 1973. Một con tàu tìm ra châu Mỹ. Một con tàu tìm đến hòa bình và hữu nghị. Cho quá khứ, hiện tại và mai sau...



Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italy)

Truyền thống 'tôn sư trọng đạo' của người Việt tại Australia
Truyền thống 'tôn sư trọng đạo' của người Việt tại Australia

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth, bang Tây Australia đã phối hợp với Hội Sinh viên Việt Nam tại Tây Australia (VISAWA) tổ chức buổi gặp mặt tri ân các thầy cô giáo đang dạy tại các trường có đông sinh viên, học sinh Việt Nam theo học tại Perth.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN