Mẫu máy ảnh X100V của Fujifilm nổi tiếng đến mức trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024, mảng hình ảnh, bao gồm máy ảnh, là yếu tố đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận kỷ lục của công ty. Mảng này chiếm 37% lợi nhuận hoạt động trong năm tài chính 2023, so với 27% của năm trước đó.
Tuy vậy, Fujifilm đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu của những người hâm mộ trẻ tuổi đối với chiếc máy ảnh trị giá 1.599 USD này, vốn được yêu thích vì vẻ ngoài và các chức năng cao cấp.
Giám đốc nhóm hình ảnh chuyên nghiệp của Fujifilm, ông Yujiro Igarashi cho biết, sau khi “cháy hàng” trong năm 2023, Fujifilm đã nỗ lực tăng gấp đôi sản lượng sản xuất tại Trung Quốc cho mẫu VI ra mắt vào tháng 3/2024. Ông cho hay lượng đơn đặt hàng đã vượt xa dự báo của công ty. Mặc dù đã tăng gấp đôi sự chuẩn bị, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.
Được thành lập cách đây 90 năm, Fujifilm đã cạnh tranh với Kodak, hãng dẫn đầu lĩnh vực vật tư nhiếp ảnh trong nhiều thập niên trước khi vượt qua họ về doanh số bán hàng vào năm 2001. Tuy nhiên, chiến thắng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, khi máy ảnh kỹ thuật số trở thành tính năng tiêu chuẩn trên điện thoại di động.
Để tồn tại, Fujifilm đã tận dụng chuyên môn về hóa chất tráng phim, rửa ảnh để chuyển sang các ứng dụng chăm sóc sức khỏe, một chiến lược cũng được các đối thủ trong nước là Canon và Olympus áp dụng. Fujifilm không từ bỏ máy ảnh, nhưng họ đã cắt giảm 5.000 nhân viên trong mảng phim ảnh và chuyển phần lớn sản xuất sang Trung Quốc vào năm sau đó.
Trong giai đoạn dịch COVID-19, Fujifilm đã tập trung vào các loại thuốc kháng virus và vaccine phòng ngừa, nhưng giờ đây máy ảnh đã đưa họ trở lại “đỉnh vinh quang”.
Mặc dù ra đời năm 2011 với mục đích cứu vãn mảng máy ảnh chuyên nghiệp của Fujifilm, nhưng sức hút của dòng máy X100 lại đến từ phong cách hoài cổ. Theo nhà văn W. David Marx, điện thoại thông minh giúp chụp ảnh quá dễ dàng khiến ảnh mất đi giá trị.
Cùng với sự phục hồi của hoạt động du lịch sau dịch COVID-19, nhu cầu về máy ảnh đã tăng vọt. Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội như Instagram, TikTok đã biến X100 thành một biểu tượng thời thượng.
Thế nhưng, vấn đề hiện tại là nguồn cung. Máy ảnh X100 cũ được bán với giá cao gấp nhiều lần giá niêm yết trên các trang web đấu giá. Cộng đồng người hâm mộ online cũng đang sốt ruột chờ đợi đơn hàng của họ.
Ông Igarashi thừa nhận rằng sản lượng là một rào cản, nhưng thiết kế và tính phức tạp của X100 khiến việc sản xuất hàng loạt trở nên khó khăn. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Fujifilm, ông Teiichi Goto từng nói rằng ông khá hài lòng với việc giữ nguồn cung hạn chế. Theo ông việc sản xuất quá nhiều và hạ giá sẽ làm giảm sức hút của sản phẩm. Ông cũng lấy ví dụ về máy ảnh Leica của Đức như một “hình mẫu” để duy trì giá trị cao cấp.
Tuy nhiên, một người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội cho rằng nếu danh sách chờ đợi đặt hàng quá dài và giá cao có thể khiến khách hàng chuyển sang các đối thủ cạnh tranh như Canon G7X và Ricoh GR.