Thế giới Phật bằng gốmAi đã có dịp đến thăm nơi ở, hoặc trưng bày gốm của nhà điêu khắc gốm Nguyễn Tuấn, sẽ thấy mình như lạc vào một thế giới Phật mới lạ, với những tạo hình Phật bằng gốm rất độc đáo, sáng tạo. Trong vô số các bức tượng hình Phật với đầy đủ các kích cỡ to nhỏ khác nhau, thần thái của những bức tượng Phật cũng được tác giả khắc họa một cách rõ nét.
Một góc không gian vườn tượng Phật do họa sỹ Nguyễn Tuấn thực hiện. |
Những bức tượng Phật với kích thước khác nhau, mang tâm trạng khác nhau, có bức nhỏ nhắn như một đứa trẻ, có bức lại to như một người trưởng thành, có bức tượng đầu Phật mình chim, có bức tượng tạo hình Phật nhưng trông có phần giống cây xanh. Có bức tượng Phật nằm co ro, nhắm mắt ngủ, có bức ngồi bó gối suy tư, lại có bức tượng Phật trán cao ngất… Khi ngắm nhìn những tác phẩm này, người xem có cảm giác dường như không đơn giản là ngắm những bức tượng Phật bằng gốm, mà trong mỗi bức tượng Phật là một số phận, một câu chuyện đời mà tác giả chứng kiến, một triết lý hay một quan niệm sống mà tác giả gửi gắm vào trong tác phẩm.
Họa sỹ Nguyễn Tuấn cho biết, trong những tác phẩm của anh, có rất nhiều tác phẩm được anh lấy cảm hứng từ những hoạt động của cuộc sống thường nhật. Chỉ tay vào bức tượng Phật nằm co ro, anh bảo, bức tượng này được anh đặt tên là “ngủ”, lấy cảm hứng từ dáng nằm của những đứa trẻ sống bụi bờ, lang thang trên vỉa hè. Có tác phẩm Phật ngồi bó gối là lấy hình tượng từ dáng ngồi của những người đang chờ xe buýt, những con người chờ việc trên vỉa hè… Còn bức tượng trán cao, biểu tượng sự hanh thông trí tuệ của nhà Phật. Tượng Phật mình chim được anh sáng tác nhằm truyền tải thông điệp ý nghĩa về chủ đề bảo vệ môi trường: Trái đất đang dần kiệt quệ tài nguyên, biến đổi khí hậu do sự tàn phá, khai thác của con người, Phật hóa thân thành chim “di cư” đến hành tinh khác…
Duyên với gốm Phật Sinh ra ở Hải Dương, nhưng họa sỹ Nguyễn Tuấn lại gắn bó là lập nghiệp ở làng gốm Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh). Anh kể, khi còn là sinh viên chuyên ngành Gốm, khoa Mỹ thuật truyền thống của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, anh được nhà trường đưa đi tham quan các làng gốm cổ. Và rồi, khi đến Phù Lãng, khung cảnh của một ngôi làng cổ nằm bên sông Cầu, trên bến dưới thuyền rộn ràng tấp nập đã rung động tâm hồn chàng sinh viên trẻ. Rồi chất đất sét đỏ, chất liệu men da lươn truyền thống, thuần Việt của gốm Phù Lãng cũng đặc biệt thu hút sự chú ý của Tuấn. Thế là, dù chưa tốt nghiệp, nhưng Tuấn đã thường xuyên về Phù Lãng vừa học hỏi, vừa sáng tạo các tác phẩm của mình từ gốm Phù Lãng.
Ban đầu, cũng như nhiều người khác, anh có những tác phẩm nghệ thuật lấy hình tượng người phụ nữ, những đề tài na ná phương Tây để đưa vào trong tác phẩm. Cơ duyên đưa anh đến với gốm Phật bắt đầu từ khoảng năm 2007, khi anh tham gia làm những phù điêu trong một công trình ở Yên Tử, thời gian sống trong chùa, vừa làm vừa nghe tiếng niệm kinh, gõ mõ trong mùi hương trầm quấn quýt, anh thấy mình nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Rồi khi nghe các thầy nói về đạo Phật, về Phật giáo… anh dần dần cảm nhận được những triết lý của Phật và nhận thấy đó là một chất liệu rất hay.
Sau khi công trình ở Yên Tử hoàn thành, trở về với công việc đời thường, Tuấn vừa làm vừa nghiên cứu, tìm hiểu thêm những tích, những thuyết trong Phật giáo, mang những câu chuyện đó gắn với đời thường. Và rồi, anh bất chợt nhìn thấy hình ảnh Phật trong hình dáng ngồi của những người đang đợi chờ nơi bến xe buýt, trong những khuôn mặt những con người đứng đợi việc nơi vỉa hè. Hay trong giấc ngủ chập chờn của một cậu bé học việc trong xưởng gốm, trong vóc dáng của những cô thôn nữ làng gốm nơi anh làm việc, trong những khuôn mặt tươi cười của những người anh, người bạn… và anh đã tìm thấy nguồn cảm hứng cho những chuỗi tác phẩm điêu khắc gốm của anh sau này.
Hàng chục năm theo đuổi và tạo hình Phật giáo thông qua gốm Phù Lãng, dù có những thay đổi, có sự sáng tạo ra cái mới, song, xuyên suốt hành trình tạo hình gốm của anh đều liên quan đến Phật giáo. Tác giả nắm bắt thần thái của Phật ngay từ những hoạt động của cuộc sống thường nhật. Các tác phẩm của Nguyễn Tuấn thể hiện cuộc sống ở góc nhìn nhân ái và phản ánh giá trị của tình yêu, lòng độ lượng giữa con người với con người.
Họa sỹ Nguyễn Tuấn chia sẻ, anh chọn hình ảnh đức Phật trong tạo hình gốm, bởi theo anh, đức Phật là hình ảnh tốt đẹp nhất. Thuyết giáo nhà Phật là từ bi hỉ xả… là điều tốt lành nên anh đã đưa hình tượng đức Phật vào trong mọi khía cạnh, ngóc ngách từ đời sống xã hội cho đến thiên nhiên. Những sắc thái của cuộc sống ấy được anh “thổi hồn” vào những bức tượng Phật, qua chất liệu men da lươn truyền thống, thuần Việt của làng gốm Phù Lãng, mang đến cho người xem cảm giác gần gũi, thân quen, và rồi đâu đó, một lúc nào đó, sẽ có người chợt nhận ra rằng: Phật không ở đâu xa mà hiện hữu ngay trong mỗi con người. Phật tính cũng hiện hữu cả ở nơi cỏ cây hoa lá… như một sợi dây vô hình bền chặt gắn bó Phật với chúng sinh.