Đưa trẻ em về với đồ chơi truyền thống

Mỗi mùa Trung thu, ngoài những bánh nướng, bánh dẻo gợi cho mọi người, mọi nhà nhớ đến Tết Trung thu, thì các em nhỏ lại náo nức với những món đồ chơi được ông bà, cha mẹ mua tặng.

 

Nếu như những năm trước, nhiều người lo ngại bởi những món đồ chơi ngoại nhập, đồ chơi điện tử áp đảo các đồ chơi truyền thống, thì năm nay, những lo lắng này đã vơi bớt phần nào, khi những đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn kéo quân, ông tiến sỹ, đèn con cá, đèn lồng thương hiệu “thuần Việt”, treo rực rỡ ở hầu khắp các cửa hàng đồ chơi Trung thu.

 

Những đồ chơi “thuần Việt” đỏ phố Hàng Mã.

 

Trên những phố đồ chơi Trung thu ở Hà Nội như phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can… những ngày này rực rỡ sắc màu của những đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn lồng, mặt nạ giấy… đây là những đồ chơi Trung thu truyền thống, do các doanh nghiệp, các nghệ nhân ở các làng nghề thủ công Việt Nam sản xuất. Điều đáng mừng là những mặt hàng của Việt Nam đã được bày nhiều hơn, ở những nơi trang trọng, trung tâm của gian hàng, chứ không bị “lép vế” ở trong góc khuất như những năm trước.


Một trong những mặt hàng chiếm ưu thế nổi bật của đồ chơi Trung thu truyền thống năm nay là đèn lồng các loại. Các doanh nghiệp trong nước đã sáng tạo và tung ra thị trường nhiều loại lồng đèn đẹp, mới lạ dành cho thiếu nhi. Chất liệu để làm đèn lồng cũng rất phong phú. Có loại bằng giấy màu, loại bằng giấy bóng kính, bằng nhựa… Đặc biệt, thị trường đèn lồng năm nay trở nên sôi động hơn, khi xuất hiện nhiều mẫu đèn lồng mang trên mình những thông điệp về tình yêu quê hương, đất nước, chủ quyền biển đảo, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam...

 

Có hàng chục mẫu đèn lồng in hình các anh hùng dân tộc như Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Thánh Gióng, nhiều đèn lồng in những hình ảnh về ngư dân, biển đảo, cảnh sát biển, biểu tượng Trường Sa, Hoàng Sa… với những thông điệp hướng về biển đảo in trên mặt đèn lồng như “Em yêu biển đảo quê hương”, “Bé hướng về biển đảo”, “Em yêu biển đảo Việt Nam”, “Em yêu chú bộ đội hải quân Việt Nam”… Không chỉ có hình ảnh, mà những bản nhạc ở đèn lồng Việt Nam cũng là những giai điệu “thuần Việt”, khơi lại ký ức về Trung thu xưa như “Tết Trung thu”, “Rước đèn ông sao”…


Một số doanh nghiệp còn đưa ra các sản phẩm lồng đèn bằng giấy, in hình công chúa, những con thú tròn, thú vuông, hình trái cây… màu sắc sặc sỡ, dễ lắp ráp để cha mẹ có thể cùng lắp ráp với trẻ em, những chiếc lồng đèn này giúp các em có thể “vừa học vừa chơi”, phát huy khả năng sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành trong quá trình lắp ráp… những mẫu lồng đèn này được nhiều phụ huynh lựa chọn. Giá của chúng cũng rất phải chăng, từ 15.000-50.000 đồng/sản phẩm.


Một chủ cửa hàng bán đồ chơi trên phố Hàng Mã cho biết, năm nay, các mẫu đèn lồng truyền thống do Việt Nam sản xuất chiếm 80-90% thị trường, các sản phẩm đèn lồng của Việt Nam đẹp, mềm mại và phong phú nên được nhiều phụ huynh lựa chọn. Chị Phạm Thị Hường, trú tại quận Long Biên, chia sẻ: “Tôi chọn mua cho các con mình những đồ chơi truyền thống, là chiếc đèn ông sao với đèn lồng về các vị anh hùng dân tộc. Những sản phẩm này vừa rẻ, an toàn, lại góp phần giáo dục truyền thống văn hóa cho các con. Tôi không mua những loại đồ chơi ngoại, vì nhiều đồ chơi bạo lực, những đồ chơi khác thì lo có chất độc gây hại, ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu”.


Cùng với sự trở lại của các sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống, các chương trình vui Tết Trung thu ở nhiều nơi cũng quan tâm đến các hoạt động vui Tết Trung thu cổ truyền cho các cháu thiếu nhi.


Trong hai ngày 6 và 7/9 (tức ngày 13 và 14/8 âm lịch) Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn cho các em thiếu nhi vui Tết Trung thu truyền thống. Theo đó, các em thiếu nhi sẽ được các nghệ nhân dân gian trực tiếp hướng dẫn làm đồ chơi Trung thu truyền thống như làm đèn ông sao, đèn kéo quân, ông tiến sĩ…; được tự tay nặn tò he, nặn hoa quả bằng bột; làm cốm cổ truyền; làm bánh dẻo; tập cắt tỉa hoa quả; học bày mâm cỗ Trung thu; tham gia hoạt cảnh vui Tết Trung thu và kể sự tích về Trung thu; chơi các trò chơi dân gian... Đặc biệt, các em còn được giao lưu với những người dân huyện đảo Lý Sơn, tìm hiểu về Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, khám phá về đời sống của ngư dân ở Lý Sơn, tham gia các trò chơi dân gian ở vùng biển như đi chợ chiều, gắp cua bỏ giỏ, nối thúng, ba chân đi hái nho, hắt sò, đoán sò, ô ăn quan bằng vỏ ốc, tìm kho báu...


Bộ VHTTDL cũng tổ chức “Lễ hội Trung thu 2014” tại Trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam với nhiều hoạt động mang đậm văn hóa truyền thống, tín ngưỡng dân gian và Tết Trung thu cổ truyền Việt Nam. Đó là triển lãm Lễ hội Trung thu với “tứ” dân gian được khai thác: “Ông Nghè tháng Tám” và câu chuyện cổ tích “Ngôi đền giữa biển”, phần nào sẽ giúp các em hiểu thêm về Tết Trung thu, về tinh thần hiếu học của cha ông. Là lễ rước đèn đêm Trung thu với sự tham gia của đoàn xiếc, đoàn lân sư rồng, đoàn rước đèn ông sao, đoàn mâm ngũ quả, bánh Trung thu, đoàn đèn kéo quân…


Những chương trình này đã góp phần đưa trẻ em về với Tết Trung thu truyền thống, đưa các em đến với những giấc mơ, những câu chuyện thần kỳ, những ước vọng tương lai, góp phần hoàn thiện nhân cách văn hóa của con người Việt Nam, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.


Bài và ảnh: Phương Hà

Sự lên ngôi của bánh Trung thu truyền thống
Sự lên ngôi của bánh Trung thu truyền thống

Tết Trung thu - Tết của đoàn viên đã đến rất gần. Trẻ em háo hức chờ đến ngày hội để được rước đèn ông sao, được phá cỗ đêm trăng... Những người lớn cũng mong đến ngày Tết để cùng gia đình vui vầy bên mâm cỗ đêm rằm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN