Tết Trung thu - Tết của đoàn viên đã đến rất gần. Trẻ em háo hức chờ đến ngày hội để được rước đèn ông sao, được phá cỗ đêm trăng... Những người lớn cũng mong đến ngày Tết để cùng gia đình vui vầy bên mâm cỗ đêm rằm. Mùa Trung thu năm nay sẽ đẹp hơn, bởi những người dân đất Việt đang từng bước lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc qua Tết Trung thu cổ truyền.
Bài 1: Sự lên ngôi của bánh Trung thu truyền thống
Như một truyền thống văn hóa, ngày Tết Trung thu, dù ít hay nhiều, nhà nào cũng cố gắng mua những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon về thắp hương ông bà, tổ tiên, rồi cùng gia đình quây quần bên mâm cỗ đêm rằm ngắm trăng, thưởng bánh… Những năm gần đây, thị trường bánh trung thu rất sôi động với hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng, nhưng nhiều người tiêu dùng Thủ đô vẫn trung thành với các cửa hàng bánh Trung thu truyền thống xưa.
Những ngày này, trên nhiều con phố lớn nhỏ ở Hà Nội, từ phố cổ đến những đường phố lớn, từ nội thành đến ven đô… đâu đâu cũng thấy sắc vàng, sắc đỏ rực rỡ của các gian hàng bánh Trung thu được dựng bên lề đường, với đủ các thương hiệu như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Hải Hà, Thu Hương, Long Đình… Ở các đại lý bánh kẹo, bánh Trung thu cũng được các chủ đại lý dành riêng cho một khu vực trưng bày. Các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm bánh Trung thu mọc lên san sát, nhưng lượng khách ghé mua bánh cũng không nhiều.
Cửa hàng bánh Trung thu truyền thống Bảo Phương lúc nào cũng có vài chục khách xếp hàng chờ mua bánh. |
Trong khi đó, ở những hàng bánh Trung thu truyền thống nổi tiếng Hà Nội, lượng khách đến mua bánh, đặt bánh ngày càng đông hơn, có nơi khách phải xếp hàng hàng tiếng đồng hồ mới mua được vài hộp bánh.
Khoảng 2 tuần trở lại đây, cửa hàng bánh Trung thu truyền thống Bảo Phương (trên phố Thụy Khuê) lúc nào cũng có vài chục người xếp hàng mua bánh. Hàng chục thợ làm bánh làm việc liên tục không nghỉ, nhưng cứ ra mẻ bánh nào là lại hết veo. Cầm trên tay hộp bánh Trung thu vẫn còn nóng hổi, anh Nguyễn Duy Vĩnh, ở đường Lạc Long Quân, cho biết, anh xếp hàng mua bánh cũng gần 1 tiếng đồng hồ mới đến lượt, dù phải đợi nhưng mua được những chiếc bánh vừa mới ra lò, vẫn nóng hổi, thơm lừng, anh thấy rất vui.
Vẫn đứng xếp hàng chờ đến lượt vào mua bánh, chị Nguyễn Thu Hảo, ở quận Ba Đình cho biết, 4 năm nay, năm nào chị cũng phải ra đây xếp hàng mua bánh để gia đình thắp hương Tết Trung thu và làm quà biếu hai bên nội, ngoại. “Năm ngoái tôi phải xếp hàng gần một ngày trời mới mua được bánh về đấy, năm nay hy vọng sẽ đỡ hơn”, chị Hảo chia sẻ.
Không chỉ ở cửa hàng bánh Bảo Phương, mà ở nhiều cửa hàng bánh truyền thống khác ở Hà Nội như bánh bà Dần (Hàng Bè), bánh Phương Soát ở Hàng Chiếu, bánh truyền thống Ninh Hương trên phố Hàng Điếu, bánh bà Tuyết ở Mã Mây… cũng thu hút nhiều khách đến mua và đặt hàng. Hầu hết các khách hàng khi được hỏi đều trả lời, họ chọn mua bánh Trung thu truyền thống để nhớ đến hương vị Tết Trung thu ngày xưa. Thêm vào đó, mua bánh Trung thu truyền thống họ rất yên tâm vì bánh ngon, lại không có chất bảo quản…
Chị Minh Hằng, trú tại quận Hoàn Kiếm, chia sẻ: “Bây giờ bánh Trung thu không hiếm như ngày trước, đặc biệt là mấy năm gần đây, các công ty bánh kẹo đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm bánh từ bình dân đến cao cấp. Nhiều loại bánh có nhân được chế biến từ những nguyên liệu đắt tiền, nhưng những chiếc bánh ấy không còn mang hương vị cổ truyền như ngày xưa nữa, nếu có mua cũng chỉ để đi biếu, còn gia đình tôi năm nào cũng mua bánh cổ truyền ở phố cổ về ăn, vừa yên tâm về chất lượng, vừa là dịp nhớ lại hương vị bánh Trung thu ngày xưa mà mẹ tôi vẫn cho chúng tôi ăn”.
Chị Hằng kể: “Ngày xưa, mỗi khi đến ngày Tết Trung thu, mẹ tôi thường bày một mâm cỗ cúng rằm tháng Tám rất đẹp, trên mâm cỗ ấy có các loại quả theo mùa như quả na, quả nhãn, quả hồng, quả bưởi, quả chuối… đặc biệt là những chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống. Năm nào dư dả, mẹ còn mua thêm cho chị em tôi những chiếc bánh Trung thu hình con cá chép, hình chú lợn trông rất ngộ nghĩnh… chị em chúng tôi chơi mãi rồi mới dám ăn. Hương vị của những chiếc bánh ấy tôi vẫn nhớ đến tận bây giờ. Bánh nướng vỏ vừa mềm, vừa béo, nhân bánh bên trong trông rất hấp dẫn: Một chút đỏ của lạp xưởng, điểm vài hạt trắng trong của thịt mỡ, trắng ngà của mứt bí, thêm ít hạt vừng, vài sợi chỉ lá chanh thái nhỏ làm “dậy” hương thơm đặc trưng của nhân bánh. Bánh ăn vừa béo vừa bùi, nhưng lại không hề thấy ngán...”.
Mấy năm về trước, đã từng có một khoảng thời gian, những chiếc bánh Trung thu được sản xuất công nghiệp với mẫu mã đẹp mắt, nguyên liệu phong phú lấn át loại bánh cổ truyền. Các công ty đua nhau cho ra đời những loại bánh Trung thu khác nhau, với những tên gọi mỹ miều như trăng vàng kim cương, trăng vàng bạch kim, trăng vàng hoàng kim… giá trị của những hộp bánh lên tới vài triệu đồng, thậm chí có những khách sạn 5 sao làm những hộp bánh trung thu siêu xa xỉ, giá lên tới hàng chục triệu đồng… Nhân bánh cũng không đơn thuần là lạp xường, thịt mỡ hay mứt bí nữa, mà nó được thay thế bằng bào ngư, vi cá, yến sào… được quảng bá rùm beng, người người xuýt xoa. Khi đó, những người nặng lòng với các giá trị của văn hóa truyền thống đã không khỏi chạnh lòng với những biến tấu hào nhoáng đến xa xỉ của những chiếc bánh Trung thu. Sau này, những hộp bánh Trung thu ấy cũng thường chỉ được mua để đem tặng, đem biếu, mà không mấy ai dám mua để thưởng thức.
Cũng may là những giá trị thực dụng ấy rồi cũng dần lùi xa, chỉ còn lại những giá trị truyền thống vẫn lặng lẽ, âm thầm tiếp nối từ năm này qua năm khác, từ đời này qua đời khác, mà không dễ bị mất đi. Khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, những người dân ở Thủ đô đã và đang quay trở về với những chiếc bánh Trung thu truyền thống. Những chiếc bánh ấy tuy không đắt tiền, nhưng nó vẫn vô cùng cao sang, bởi nó mang trong mình giá trị văn hóa truyền thống, mang hương vị truyền thống của người con đất Việt.