Đạo diễn, NSND Khải Hưng:

Du lịch trong số phận người trên từng trang kịch bản

Giản dị nhưng rất có cá tính, đó là cảm giác ban đầu của tôi khi đặt chân đến phòng làm việc của đạo diễn Khải Hưng (ảnh). Phía hai bên tường đối diện nhau ông treo hai khung ảnh, trên đó, đính chừng 500 bức ảnh của các đoàn làm phim, các cảnh phim mà ông đã cóp nhặt được được trong hơn 30 năm làm nghề.


Có nhiều tấm hình chụp lại phim của ông, nhưng cũng có rất nhiều tấm hình khác, là những bức ảnh đẹp, lý thú mà ông xin được của bạn bè, của các đoàn làm phim. Ông đã lưu giữ lại vì thấy nó đẹp. Khi thấy tôi chăm chú vào những tấm hình, đạo diễn Khải Hưng bảo: “Cũng vì hai cái khung hình này mà có nhiều người đến gặp tôi, cuối cùng chả biết đến gặp để làm gì, vì người ta cứ mải nhìn hình, đoán cảnh này ở phim nào, đạo diễn là ai. Tôi cứ ngồi trơ khấc!”.



Câu chuyện của đạo diễn Khải Hưng và tôi bắt đầu từ seri phim hài “xả xì choét” mà ông đạo diễn vừa bắt tay thực hiện trong năm nay và được phát sóng vào thứ 7 hàng tuần. Mỗi chương trình kéo dài 45 phút, gồm hai phim ngắn. Mỗi phim dài 20 phút thuộc một đề tài được kết cấu trong bộ 10 tập. Kịch bản phim hoàn toàn thuần Việt thông qua những chuyện tưởng như đùa nhưng rất thâm thúy nơi văn phòng công sở, trong các gia đình đô thị với mối quan hệ giữa sếp và nhân viên, đồng nghiệp với nhau, mẹ chồng - nàng dâu, chủ nhà - ôsin để tạo nên những tràng cười sảng khoái cho khán giả.


Đạo diễn Khải Hưng cho biết, phim là những mẩu chuyện được góp nhặt từ thực tế đời sống, thậm chí trong chính nhà ông. Nhà ông có một cô giúp việc, cô ấy thường lôi kéo mẹ ông chống lại vợ ông. Chuyện rất ly kỳ, dích dắc và có kết thúc bất ngờ. Rồi chuyện của bạn bè, xóm giềng mà ông được chứng kiến, thu lượm qua tháng năm nên người xem chương trình này sẽ cảm thấy gần gũi như một phần cuộc sống, câu chuyện của mình trong đó. Đạo diễn Khải Hưng khẳng định rằng: “Xả xì choét” trước hết là để tôi xả, sau tôi mời mọi người xả cùng tôi”.


Những gương mặt hài tham gia làm phim không phải là ai khác mà chính là những gương mặt đã được đạo diễn Khải Hưng “khai sinh” từ chương trình “Gặp nhau cuối tuần” như: Phạm Bằng, Văn Hiệp, Quang Thắng, Vân Dung, Hiệp “Gà”, Đức Khuê, Quốc Khánh…


Ông kể lại: “10 năm trước, khi tôi đang đạo diễn “Chuyện của sếp” ở Đài truyền hình, thấy một anh lơ ngơ đi vào. Anh ấy xưng tên là Quang Thắng, đang là diễn viên của đoàn kịch Hải Phòng, chuyên đóng những vai chạy cờ, muốn xin vào trường quay để xem diễn xuất. Tôi thấy mặt anh ta ngộ ngộ nên giao cho một vai, cũng phải đóng đến 5-6 lần mới đạt nhưng từ những vai như thế, Quang Thắng đã trở thành diễn viên hài nổi tiếng. Hay như Phạm Bằng, tôi thích đóng đinh Phạm Bằng vào vai sếp. Có lần, tôi và Phạm Bằng đi quay ở ngoại thành, những đứa trẻ chăn trâu cứ đến đòi bắt tay bác sếp vui tính”.


Ngoài thương hiệu “Gặp nhau cuối tuần” từng làm khán giả cười đến chảy nước mắt, nhắc đến đạo diễn Khải Hưng, phải kể đến công sức ông đã “đẻ” ra một công nghệ làm phim truyền hình thay thế phim “Mì ăn liền” trước đó. Ông đã làm cho đời sống phim ảnh mở rộng với nhiều đề tài gần đời sống và giải cứu các đạo diễn, các nhà làm phim khỏi “cơn đói” hồi bấy giờ với một loạt thể loại phim “Văn nghệ chủ nhật”.


Nói về điều này, đạo diễn Khải Hưng tâm sự: “Vào một ngày đẹp trời của tháng 8/1994, ông Tổng Giám đốc của Đài Truyền hình Việt Nam đã gọi tôi và hỏi: "Bây giờ tôi giao cho anh 100 phút phát sóng để chiếu phim truyền hình Việt Nam vào chiều chủ nhật hàng tuần, các anh có làm được không?” (Câu này tôi còn nhớ như in). Cũng lúc ấy tuổi còn trẻ, còn hăng máu nên tôi trả lời luôn là "được", nhưng biết đâu cái câu liều lĩnh ấy đã cột chặt tôi vào công việc quản lý, một công việc mà cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ là "sở đoản" của tôi.


Chỉ một tháng sau, ngày 4/9/1994, chương trình Văn nghệ chủ nhật đầu tiên đã lên sóng. Trong hơn một thập kỷ phát sóng, Văn nghệ chủ nhật tự hào là chưa lần nào “đứt” sóng, “thủng” sóng. Hai năm sau, Văn nghệ chủ nhật nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và rất nhiều sự mến yêu của công chúng.


Tôi nhớ có một lần, đoàn làm phim của chúng tôi đang trên đường đi làm phim tại một tỉnh miền núi. Lần trong đêm, chúng tôi nghe thấy những tiếng khóc của đàn ông, ngạc nhiên, chúng tôi tiến lại gần thì ra đó là một đơn vị bộ đội, đang xem phim “Mẹ chồng tôi” qua đầu phát băng của đơn vị. Đó là bộ phim được phát sóng đầu tiên trên Văn nghệ chủ nhật. Cảm xúc của những người lính trẻ đã làm tôi lặng người. Tôi nghĩ rằng mình là một người hạnh phúc khi truyền được những xúc cảm của mình cho khán giả. Điều này thì chưa chắc một "tỉ phú" nào đã có thể làm được”.


Tôi hỏi đạo diễn Khải Hưng, sau bao nhiêu năm gắn bó ở Hãng phim của Đài Truyền hình Việt Nam, về nghỉ hưu, nếu nói thật lòng, ông có thấy hụt hẫng không? Ông bình thản và chậm rãi nói: “Tôi có một thói quen mấy chục năm nay là ăn sáng ở duy nhất một quán phở, thứ 2, thứ 4, thứ 6 ăn phở bò và thứ 3, thứ 5, thứ 7 ăn phở gà. Ăn sáng xong, tôi lại đi duy nhất một con đường đến cơ quan, là Hãng phim Đài Truyền hình, dù tắc đường thì tôi vẫn chờ cho thông xe rồi đi, mà không cố để tìm một nhánh rẽ khác.


Hồi mới nghỉ hưu ở đài, tôi thành lập công ty riêng, và theo thói quen, 7 giờ sáng tôi dắt xe ra, ăn sáng và đến công ty riêng của mình. Không hiểu, lần đó đi trên đường mải nghĩ gì mà tôi lại phóng xe đến thẳng Đài Truyền hình Việt Nam, đi qua cổng bảo vệ, tôi cũng chẳng có cảm giác gì cả, chỉ nghĩ là phải rẽ chỗ này, đậu xe chỗ kia... Hôm ấy, bỗng bảo vệ người ta chào tôi, tôi thấy chào có vẻ hơi nghiêm trọng nên mới giật mình “thôi chết rồi nhầm đường”. Tôi dừng lại và… quay xe đi ra.


Hình như hôm đấy anh bảo vệ cũng biết là tôi nhầm, vì từ ngày ra khỏi cơ quan, chưa bao giờ tôi quay trở lại. Nói ra điều này để thấy rằng, tôi có buồn, có chút hụt hẫng vì bây giờ cánh cửa mình đã gắn bó tới 30 năm không phải là cánh cửa mở ra với mình. Ai cũng vậy thôi, tôi không nói tới một giám đốc, một lãnh đạo hay một người quản lý, nhưng khi đã gắn bó với một nơi từng là chỗ lập nghiệp, chỗ mình cống hiến và thành đạt mà phải xa nơi đó thì mình thấy tiếc chứ, nhớ chứ! Chả thế mà hôm tôi gói ghém đồ đạc rời khỏi cơ quan, xuống chân cầu thang đã thấy anh em vỗ tay chào đón và rải chiếu chờ sẵn để uống rượu chia tay mà không hề báo trước.


Tôi chả mấy khi uống rượu và uống say thì lại càng không nhưng hôm đó là lần đầu tiên trong đời tôi say rượu. Tất nhiên, say quá rồi thì anh em lại bế tôi lên chính cái phòng cũ của mình để nằm nghỉ và lật khật thế nào, mãi đến đêm tôi mới lê cái thân về được tới nhà”.


Giờ đây, đạo diễn Khải Hưng đã quen với một con đường mới, con đường duy nhất đến công ty của riêng ông, dù công việc và thói quen của ông vẫn thế, luôn đến cơ quan lúc 7 giờ 30 phút sáng, tự pha cà phê đen nóng bằng cái tách đã gắn bó mấy chục năm với mình, thậm chí, lau căn phòng mình dù đã thuê người dọn đẹp. Uống cà phê xong, ông đóng cửa ngồi đọc một núi kịch bản gạch xóa và… chửi bậy vì đọc phải một đoạn thoại viết dở hay một tình huống vô duyên.


Đến trưa ông ăn cơm hộp, nghỉ ngơi tại công ty đến chiều lại đọc kịch bản và hết giờ thì đi về nhà. Thú vui và cách “xả xì choét” của ông ở nhà chính là chăm sóc, tắm gội cho đứa con gái 6 tuổi bé bỏng.


Thỉnh thoảng có cậu con trai lớn, đạo diễn trẻ Khải Anh ở nhà thì bố con nói chuyện công việc, phim ảnh chốc lát rồi ai lại về phòng người nấy. Đạo diễn Khải Hưng bảo rằng sự nghiệp truyền hình của ông, nghĩ lại, giống như một bước ngoặt bất ngờ trong cuộc đời. Ông đã được học để trở thành thầy giáo nhưng đứng trên bục giảng chẳng được bao lâu thì ông lại đi học để trở thành "lập trình viên" máy tính. Tưởng rằng như thế đã là yên vị, bỗng dưng, có một đoàn làm phim đến quay, Viện trưởng muốn ông giúp họ rồi người ta đã rủ ông chuyển sang làm truyền hình và như duyên nợ, ông gắn bó với nó cho tới ngày hôm nay, khi đầu đã hai thứ tóc. Sau những thành công của hàng loạt các bộ phim do ông làm đạo diễn như “Mẹ chồng tôi”, “Không còn gì để nói”, “Lời nguyền của dòng sông”, “Ba lẻ một”… NSND Khải Hưng khẳng định rằng, thú vui lớn nhất trong đời của ông chính là được du lịch trong số phận người trên từng trang kịch bản.



Nhật Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN