Dòng thơ Bút Tre giữa đời thường

Có một dòng thơ mang tên thơ Bút Tre đã trở thành “đặc sản” tinh thần vô cùng độc đáo nơi quê hương Đất Tổ Phú Thọ. Dù chỉ nghe một lần hay được người khác đọc cho nghe, người ta thấy những vần thơ ấy dấy lên trong tâm hồn mình sự mộc mạc đậm chất dân gian, sự hứng thú và như vơi nhẹ những nỗi niềm trong cuộc sống.


Thơ giữa lòng dân gian


Con đường làng dẫn chúng tôi vào xã Đồng Lương huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ, nơi sinh ra, lớn lên và cũng là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của nhà thơ Bút Tre. Bút Tre không phải là tên thật mà là bút danh của ông Đặng Văn Đăng, nguyên Trưởng ty Văn hóa tỉnh Vĩnh Phú nay là Phú Thọ. Ông sinh năm 1911, tốt nghiệp tú tài Tây toàn phần về triết học; là người sử dụng thành thạo hai ngoại ngữ tiếng Pháp và tiếng Anh. Ông từng viết báo, viết truyện in trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.


Minh họa: Trần Thắng


Người dân quê ông kể rằng, tuy bận rộn nhưng ông Đặng Văn Đăng vẫn sống gắn bó với làng quê mình như với chính tâm hồn mình vậy. Ông còn sáng tác thơ ở bất kỳ tình huống nào trong công việc cũng như trong cuộc sống. Người thơ ấy và những vần thơ ấy, với người dân Đồng Lương từ bao đời nay vẫn được xem như “đặc sản” tinh thần vô giá mà mỗi khi có khách quý về thăm làng họ không thể không khoe được!


Thơ Bút Tre không giống thơ bình thường và thơ bây giờ mà thơ ông có giọng điệu riêng, có chủ đề riêng và cách hiệp vần cũng như nhịp điệu riêng rất dễ phân biệt và nhận ra.


Khi ấy, những vần thơ của Bút Tre chủ yếu nói về những sự kiện quan trọng của đất nước, những công việc, những con người và cảnh sắc quê hương mình. Không sáng tác những tác phẩm thơ đồ sộ mà Bút Tre cốt lấy những tinh túy của văn chương bác học để làm cho những vần thơ của mình mang hơi thở dân gian. Ông viết thơ, trường ca tặng Bác Hồ, tặng đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Võ Nguyên Giáp, các đồng chí bộ trưởng rồi ca ngợi quê hương mình, người dân mình.


Chủ đề không có gì là mới nhưng lại được Bút Tre thể hiện dưới một hình thức thơ khá độc đáo. Đó là hiện tượng vắt dòng câu thơ tạo nên sự bẻ đôi đột ngột của dòng thơ và đối tượng được nói đến khiến cho người đọc có những bất ngờ thú vị: “Hoan hô đại tướng Võ Nguyên/Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về” (Thơ tặng đồng chí Võ Nguyên Giáp). Cách để lửng từ cũng tạo nên những suy ngẫm bất ngờ đối với người đọc: “Bút Tre chẳng như mọi người/Qua sông… nhớ mãi nụ cười chú em”. Bên cạnh đó, ông sử dụng lối viết tắt hay còn gọi là lối chặt từ của câu thơ: “Bây giờ đang đứng trưởng ty/Bút Tre thơ phú tôi thì có sau” (Từ “đứng” nghĩa là đang giữ chức vụ). Đặc biệt, lối thơ hoan hô đã có sức cổ vũ tinh thần khá độc đáo. Khi sáng tác thơ tặng cho các nguyên thủ hay người dân, Bút Tre thường sử dụng cách nói này để tạo nên khí thế cũng như lay động tâm hồn người dân: “Hoan hô trung tá Phạm Tuân/Bay lên vũ trụ một tuần về ngay”. Rồi lối nói biến âm cũng khá độc đáo: “Chú về công tác bảo tàng/Cũng là công việc cách màng giao cho”.


Bên cạnh những vần thơ viết tặng và ca ngợi nhân vật, Bút Tre còn dành nhiều trang thơ ca ngợi vẻ đẹp của quê hương. Vẫn lối nói hóm hỉnh mà chân chất hồn quê ấy, những đặc sản, những phong trào và những con người quanh năm chân lấm tay bùn ở quê ông đã đi vào thơ từ đó mà tạo nên sức cổ vũ mạnh mẽ. Đọc thơ Bút Tre, người ta thấy xuất hiện nào là quýt Đan Hà: “Quả đỏ cành treo đưa nũng nịu/Khi gió thu về gió mát hôn” (Quýt Đan Hà), bưởi Đoan Hùng: “Mùi hương thơm bưởi vương trên tóc/Tiếng hát người yêu bên xóm sang” (Bưởi Chí Đám), hồng Hạc Trì: “Hồng ngon hồng ngọt bên đình/Hồng em không hột em xinh càng nhiều”, rồi những phong trào như sản xuất giỏi, thu gom phân xanh giỏi của nông dân: “Dằng dặc xe trâu phân đổ ruộng/Bình minh tươi dậy khắp trời trong” (Cô lái máy cấy)…


Thơ của Bút Tre đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân quê Phú Thọ, giai thoại về Bút Tre cũng được người ta kể cho nhau nghe. Chuyện kể rằng: “Sau khi giữ chức Huyện ủy Thanh Sơn, phụ trách công tác tuyên huấn, cuối năm 1951 theo yêu cầu của công tác tổ chức, ông Đặng Văn Đăng tạm biệt Thanh Sơn về tỉnh nhận nhiệm vụ mới. Vốn tính hay đùa và thích làm thơ, khi đạp xe từ phố Vàng ra đến đèo Gió, ông vừa dừng xe, sửa sang quần áo, đặt mũ xuống đất, quay đầu vào Thanh Sơn đọc mấy câu ứng khẩu: “ Trùng trùng đồi núi trùng trùng/Từ nay bái lạy núi rừng Thanh Sơn/Thanh Sơn ơi hỡi Thanh Sơn/Đèo cao bóng cả xanh rờn bóng cây/Từ nay tao cúi lạy mày”. Đoạn ông phì cười, làm mấy người bạn phá lên cười theo. Không ngờ trong đợt “3 xây 3 chống” (1963-1964) vì bài thơ trên ông bị kết là có vấn đề về tư tưởng và phải làm kiểm điểm. Về sau, mỗi khi nhắc lại chuyện này, ông nheo nheo mắt, cười dí dỏm: “Mình quá đùa, hóa vạ””(Ngô Quang Nam kể).


Sức lan tỏa của thơ Bút Tre


Thơ Bút Tre có sức sống lâu bền và sức lan tỏa khi những vần thơ ấy được dân gian hóa. Từ hiện tượng thơ Bút Tre đã ra đời hàng hoạt những lối thơ khác như thơ Bút Hóp, Bút Sậy, Bút Mỡ… ở khắp các miền quê khác nhau. Người ta gọi đó là hiện tượng “hậu thơ Bút Tre” hay thơ “Bút Tre đời mới”.


Nếu thơ Bút Tre có lối hoan hô thì thơ Bút Tre đời mới cũng có những câu tương tự: “Hoan hô đồng chí Trần Hoàn/Mới lên Bộ trưởng chiếu toàn phim hay”; “Hoan hô đồng chí Hà Băng/Ấn cho tàu chạy băng băng như rùa”… Rồi cũng có thơ theo lối vắt lòng và bẻ vần: “Máy bay hạ cánh Tân Sơn…/Nhất tôi sung sướng mừng rơn trong bùng (bụng)” (Đến Tân Sơn - Nguyễn Quốc Văn - Hải Phòng). Bên cạnh đó, lối vắt dòng thơ theo kiểu Bút Tre cũng khá phổ biến sau này: “Vội vàng về thị xã Phan…/Rang ngay đậu phộng đón bàn tới thăm” (đón bạn) (Bút Tre trẻ với Thuận Hải - Thụy Hà - Ninh Thuận)… Người ta sử dụng lối thơ Bút Tre để thi vị hóa cuộc sống, làm xua tan đi mệt nhọc và tạo nên sự gần gũi, thân mật giữa người với người trong cuộc sống.


Đọc những câu thơ thời “Hậu Bút Tre” chúng tôi cảm nhận được sức lan tỏa khá sâu sắc của thơ Bút Tre trong lòng dân gian. Điều đó giống với những câu ca dao, dân ca cứ phát triển mãi thành những dị bản, những sáng tác mới mà không có điểm dừng.


Có thể nói sức cổ vũ và giá trị nhân văn trong thơ Bút Tre là khá phong phú. Không đi vào những lối nói quen thuộc của thơ truyền thống, Bút Tre đã tạo cho thơ của mình gần với lối nói của ca dao, dân ca, gần với lời ăn tiếng nói của dân gian. Nhờ vậy, tiếng thơ của ông khi ra đời đã được đông đảo người dân lao động yêu mến và nhớ mãi. Nhiều người khi đọc thơ Bút Tre cứ nghĩ thơ viết cho vui, cho gây cười nhưng từ trong mỗi từ, mỗi câu, ẩn chứa tình yêu quê hương đất nước, con người và cổ vũ cho phong trào của nhà thơ mang nặng tình quê.



Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN