Đóng góp ý kiến để sửa đổi, bổ sung quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT

Hội nghị, hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 89/2104/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú đã diễn ra ngày 11/11 tại Hà Nội.

Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của đông đảo các nghệ sỹ, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn để tháo gỡ những bất cập trong việc xét tặng danh hiệu, thực sự tôn vinh cống hiến nghệ thuật, tránh thiệt thòi cho các nghệ sỹ, nhất là những nghệ sỹ đã cao tuổi.

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Thi đua, khen thưởng (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phùng Huy Cẩn cho biết: Từ năm 2015 đến nay, đã có 2 đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú. Đợt năm 2015 có 102 nghệ sỹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân” và 379 người là “Nghệ sỹ Ưu tú”. Đợt phong tặng lần thứ 9 năm 2018, Chủ tịch nước đã quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân” cho 84 nghệ sỹ; danh hiệu “Nghệ sỹ Ưu tú” cho 307 nghệ sỹ.

Việc trao tặng danh hiệu vinh dự cao quý của Nhà nước đã góp phần động viên, khích lệ các văn nghệ sỹ - “những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa” đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật nước nhà - say mê trong sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật, có nhiều chương trình, tác phẩm, tiết mục nghệ thuật có giá trị phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, việc xét tặng danh hiệu này vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu, rà soát lại các quy định của Nghị định 89, từ đó đề xuất một số giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Đó là về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, nhất là với nghệ sỹ của các môn nghệ thuật truyền thống ở địa phương. Tiếp đó là kiến nghị sửa đổi, bổ sung về tỷ lệ thành viên có mặt tại cuộc họp Hội đồng phải đạt ít nhất 90%; bỏ quy định xin ý kiến bằng phiếu với các thành viên vắng mặt. Theo đề xuất mới, tỷ lệ phiếu bầu đồng ý của tổng số thành viên các cấp của Hội đồng phải đạt ít nhất 80% thay vì 90% như hiện hành...

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất bổ sung thêm nội dung trong Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 89: một số trường hợp đặc biệt sẽ do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Điều này nhằm tránh bỏ sót việc tôn vinh các nghệ sỹ thực sự có tài năng, có cống hiến, được đông đảo công chúng mến mộ. Trong đợt xét tặng năm 2018 vừa qua đã có một số trường hợp được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước xét tặng các danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú”. Và các trường hợp này đều được Chủ tịch nước phong tặng, dư luận xã hội đều đồng tình, không có khiếu nại...

Rất nhiều ý kiến do các nghệ sỹ đóng góp tại cuộc họp đều ủng hộ những kiến nghị, đề xuất sửa đổi Nghị định 89 mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất. Đồng thời, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến xác đáng. Đặc biệt là điều mà Nghị định hiện hành quy định: Nghệ sỹ Ưu tú (phải) đạt 2 huy chương Vàng hoặc 1 huy chương Vàng và 2 huy chương Bạc. Đa số đại biểu cho rằng nên bỏ quy định về việc quy đổi 2 huy chương Bạc thành 1 huy chương Vàng khi xét danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú.

Về vấn đề quy đổi huy chương, Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Hoa cho biết: Việc quy đổi huy chương là hết sức vô lý bởi lẽ tính chất hai loại huy chương này hoàn toàn khác nhau, không thể lấy cái nọ đổi sang cái kia để "bù". Thêm vào đó, có một vấn đề tồn tại hiện nay là huy chương Vàng chỉ tồn tại trong các kỳ liên hoan, hội diễn dành cho các nghệ sỹ trong ngành còn còn các tiết mục, nghệ sỹ giành giải Vàng cũng ít được phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân như trước. Người dân cũng vì thế mà không biết ai là Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú mới được phong. Như thế có nghĩa là số lượng Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú ngày càng nhiều nhưng thương hiệu và chất lượng thì lại ngày càng “xuống cấp”...

Mặt khác, nhiều ý kiến cũng cho rằng nên rút ngắn thời gian xét tặng các danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” bởi 5 năm như hiện hành là quá dài. Mỗi ngành nghệ thuật lại có đặc thù riêng, thời gian hoạt động nghệ thuật các bộ môn như xiếc, múa... rất ngắn. Nếu 5 năm mới xét danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” như hiện nay sẽ rất thiệt thòi cho các nghệ sỹ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến đóng góp, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi Nghị định 89/2104/NĐ-CP để công tác xét tặng danh hiệu được triển khai thực hiện hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Việc này là cần thiết, tôn vinh được các nghệ sỹ tài năng, có cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với các nghệ sỹ trong tình hình mới.

Thanh Giang (TTXVN)
Danh sách nghệ sỹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú lần thứ IX
Danh sách nghệ sỹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú lần thứ IX

Chiều 29/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch long trọng tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú lần thứ IX năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN