Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và Hà Nội, các Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú đã dự lễ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân cho các nghệ sỹ được phong tặng, truy tặng đợt này.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng khẳng định: Nghệ thuật, văn hóa là giá trị tâm hồn của một dân tộc. Văn hóa chính là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…
Văn nghệ sỹ đã làm vinh quang nền nghệ thuật nước nhà
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú là phần thưởng cao quý nhất mà Nhà nước dành tặng cho đại diện tiêu biểu của đội ngũ văn nghệ sỹ cả nước. Đây là những nghệ sỹ đã luôn nỗ lực rèn luyện, trưởng thành và không ngừng sáng tạo trong sự nghiệp nghệ thuật, được đồng nghiệp và nhân dân tin yêu.
"Các đồng chí là lực lượng tin cậy, trung thành của Đảng và Nhân dân, có lòng yêu nước nồng nàn, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tinh thần cống hiến và tâm huyết với nghề nghiệp. Các nghệ sỹ thực sự là những ngôi sao chiếu sáng bầu trời nghệ thuật của Việt Nam", Thủ tướng nói và nhấn mạnh, nghệ thuật, văn hóa là giá trị tâm hồn của dân tộc. Trong nhiều năm qua, các văn nghệ sỹ bỏ ra nhiều trí tuệ, mồ hôi và cả máu xương để xây dựng các giá trị tinh thần của Việt Nam, từ đó góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước và nhân dân trân trọng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sỹ - những người đã góp phần củng cố, chấn hưng và làm vinh quang nền nghệ thuật nước nhà.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chuyên nghiệp, nghiêm túc, minh bạch trong việc lựa chọn, xét duyệt danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú lần này. Đáng ghi nhận là độ tuổi nghệ sỹ đa dạng, từ 30 đến 92 tuổi. Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ tài năng nghệ thuật, sự đóng góp, cống hiến của các nghệ sỹ ở các lứa tuổi khác nhau và có tính kế thừa qua các thế hệ.
Thủ tướng vui mừng bởi các nghệ sỹ được trao danh hiệu đến từ khắp vùng miền của cả nước, từ nhiều dân tộc anh em như Kinh, Thái, Mường, Tày, Nùng, H’Mông, Ê Đê, đến Jơ Rai, Khmer. Cùng với các nghệ sỹ khác, các nghệ sỹ được trao danh hiệu ngày hôm nay sẽ là những cánh chim đầu đàn gìn giữ, phát triển, lan tỏa giá trị văn hóa, nghệ thuật đến đồng bào ta ở trong, ngoài nước và bạn bè quốc tế. Đây là điều hết sức đáng trân trọng, trong điều kiện đời sống vẫn còn khó khăn, môi trường sáng tạo chưa được tốt. Đặc biệt, lần trao danh hiệu này, 13 cố nghệ sỹ được truy tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú. Đây là sự trân trọng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với công lao, tài năng của các nghệ sỹ. Xin trao danh hiệu, niềm tự hào này tới thân nhân, gia đình các nghệ sỹ.
Cần hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật thời gian qua đã có nhiều bước tiến quan trọng, nhưng cũng còn có không ít khó khăn, thách thức và cả những hạn chế mà chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận và sớm có các giải pháp kịp thời.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa nghệ thuật, văn nghệ rất đặc biệt và không chỉ chúng ta mà bạn bè quốc tế cũng coi đây là một di sản phi vật thể quý giá. Sinh thời, Bác Hồ đã từng nói: “Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận, anh chị em là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Câu nói ấy giản dị ấy rất đúng đến ngày hôm nay.
Ngày nay, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế, bùng nổ của các phương tiện truyền bá sản phẩm nghệ thuật, công nghệ giải trí đang làm thay đổi phương cách truyền tải nghệ thuật và văn hoá cảm thụ. Hiện tượng suy thoái văn hóa của một bộ phận xã hội cũng như cán bộ; chạy theo thương mại, giật gân, thậm chí bóp méo lịch sử trong sáng tác và biểu diễn đặt ra cho cộng đồng văn nghệ sỹ Việt Nam một câu hỏi lớn: Qua nghệ thuật, chúng ta có thể làm gì để cho tâm hồn văn hóa dân tộc ngày càng đẹp, sáng hơn?
Để xây dựng và phát triển tốt văn hóa và con người Việt Nam, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần nhất là hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam; tạo môi trường, điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn. Từ đó văn hóa mới trở thành nền tảng đích thực cho hội tụ - kết nối tinh hoa khoa học kỹ thuật, tạo sức hút đối với quốc tế, nền tảng cho phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp văn hóa và ngành du lịch, để tạo ra sự khác biệt, một thương hiệu cho Việt Nam. Văn hóa chính là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đặc biệt, chúng ta đang tiến hành tổng kết, xây dựng các văn kiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó xác định phát huy giá trị văn hóa, con người, khơi dậy khát vọng dân tộc trở thành một trong những đột phá chiến lược.
Trước yêu cầu và bối cảnh giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát các quy định pháp luật có liên quan về xét tặng đối với hai danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú; sớm nghiên cứu, đề xuất, trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng phù hợp với thực tiễn; điều kiện, quy trình xét duyệt bảo đảm minh bạch, công bằng, nhanh chóng và thuận lợi cho các nghệ sỹ; chế độ chính sách và ưu đãi cho các nghệ sĩ được tốt hơn.
Thủ tướng mong muốn các nghệ sỹ liên tục tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trí tuệ, bản lĩnh, kế thừa và phát huy truyền thống vinh quang của Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng; luôn sáng tạo nghệ thuật mang tầm thời đại, xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, lan toả các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Vinh danh 84 Nghệ sỹ Nhân dân và 307 Nghệ sỹ Ưu tú
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Hội đồng cấp nhà nước cho biết: 84 Nghệ sỹ Nhân dân và 307 Nghệ sỹ Ưu tú đã được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước lần thứ IX. Các nghệ sỹ thuộc 9 dân tộc anh em: Kinh, Thái, Mường, Tày, Nùng, H’Mông, Ê Đê, Jơ Rai, Khmer. Đây là phần thưởng cao quý, ghi nhận những nỗ lực cống hiến và tài năng nghệ thuật xuất sắc của các nghệ sỹ, góp phần trực tiếp xây dựng nghệ thuật của dân tộc, được đồng nghiệp và nhân dân tin yêu.
Trong đó, nghệ sỹ nam cao tuổi nhất sinh năm 1927 (92 tuổi) là Nghệ sỹ Nhân dân Đường Tuấn Ba, nhà quay phim Hãng phim Giải phóng, nay là Công ty Cổ phần phim Giải phóng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thuộc lĩnh vực Điện ảnh. Nghệ sỹ nữ cao tuổi nhất sinh năm 1931 (88 tuổi) là Nghệ sỹ Nhân dân Phó Thị Đức (Kim Đức), nguyên diễn viên hát, Đài Tiếng nói Việt Nam thuộc lĩnh vực Âm nhạc.
Trong số các Nghệ sỹ Nhân dân được phong tặng lần này có nhiều tên tuổi được công chúng mến mộ như các Nghệ sỹ Ưu tú: Trần Hạnh, Trung Anh, Mạnh Cường, Trọng Trinh, Minh Hằng, Công Lý, Thu Hà, Kim Xuân,Thanh Ngoan; ca sĩ Quốc Hưng; nghệ sĩ cải lương Minh Vương, Thanh Tuấn, Triệu Trung Kiên...
Các cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú đều đang hoạt động và đóng góp sôi nổi trong lĩnh vực nghệ thuật. Tiêu biểu là nghệ sỹ cải lương Quang Khải, Chỉ huy dàn nhạc Đặng Châu Anh, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, nghệ sỹ piano Trịnh Minh Trang, nghệ sỹ violon Đào Mai Anh, diễn viên Cát Tường, Ngọc Trinh…
Công tác xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú lần thứ 9 được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục hồ sơ quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Các hồ sơ đề nghị xét tặng được thực hiện qua 03 cấp Hội đồng: cấp cơ sở; cấp Bộ, tỉnh và cấp Nhà nước. Hội đồng cấp Nhà nước được thực hiện qua 2 bước xét: Hội đồng chuyên ngành và Hội đồng cấp Nhà nước…