Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng Nguyễn Thị Trinh cho biết, Triển lãm là hoạt động kỷ niệm 10 năm hành trình nghiên cứu, phát triển của Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam. Đây là lần thứ 2 triển lãm Trúc chỉ đến với công chúng thành phố Đà Nẵng, kể từ triển lãm lần đầu tiên với chủ đề “Trúc chỉ - Lời của sông” diễn ra vào tháng 9/2017.
Theo bà Nguyễn Thị Trinh, Triển lãm mong muốn chia sẻ đến người dân và du khách trong và ngoài nước cách nhìn đầy đủ về loại hình nghệ thuật mới này thông qua những thể hiện về kỹ thuật, đề tài, ứng dụng; cùng “khả năng” lan tỏa nguồn “năng lượng” an lành từ các tác phẩm nghệ thuật đến tâm trí người thưởng lãm mà Trúc chỉ đã đạt được trong chặng đường 10 năm qua. Đây còn là dịp để giới thiệu các họa sĩ tài năng, người làm nên các tác phẩm Trúc chỉ và đặt dấu mốc cho hành trình 10 năm tiếp theo đoàn kết, hòa hợp, để các họa sĩ cùng nghiên cứu phát triển, đưa Trúc chỉ trở thành một giá trị văn hóa mới của Việt Nam.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng 52 tác phẩm tranh và vật dụng làm từ Trúc chỉ (một loại giấy được làm từ tre) được chia thành 2 không gian riêng: Không gian Triển lãm “Nghệ thuật Trúc chỉ” trưng bày các tác phẩm tranh của 13 họa sĩ qua nhiều thời kỳ.
Không gian Mỹ thuật ứng dụng gồm: Các tác phẩm ứng dụng kỹ thuật đồ họa Trúc chỉ tạo thành tác phẩm sắp đặt, trang trí với kỹ thuật trình chiếu tạo tương tác với khán giả. Trong đó có các tác phẩm ứng dụng độc bản, riêng biệt với những đặc điểm sáng tạo mới tinh tế từ Trúc chỉ.
Sau Triển lãm “Năng” ở Đà Nẵng, triển lãm tiếp theo với chủ đề “Thắm” (khoe bản sắc Trúc chỉ) sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/2023 và triển lãm với chủ đề “Hợp” (hợp tác) tại Thành phố Hồ Chí Minh vào dịp cuối năm nay.
Đông đảo người dân và du khách đã đến tham quan thưởng thức các tác phẩm Trúc chỉ tại lễ khai mạc; những tác phẩm Trúc chỉ: Ngũ sắc; Ngược dòng; Hoàng cúc… thu hút sự quan tâm của người xem.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 23/7.