Đô thị Việt Nam chỉ thực sự phát triển cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối và đặc biệt phát triển trong thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, một hệ thống với gần 800 đô thị có quy mô khác nhau được hình thành trải đều từ cực Bắc (Hà Giang) cho đến cực Nam (mũi Cà Mau) và từ phía Đông sang phía Tây của Tổ quốc. Với tổng diện tích đất đô thị chiếm hơn 33% diện tích đất tự nhiên của cả nước và hơn 30 triệu dân sống trong đô thị, đóng góp tới 65% GDP cả nước; đô thị Việt Nam đã trở thành những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa... là động lực quan trọng của nền kinh tế. Sự phát triển hệ thống đô thị theo hướng văn minh hiện đại đã làm thay đổi diện mạo đất nước ta, làm giàu thêm nền kiến trúc và văn hóa của dân tộc.
Một đô thị được coi là nơi sống tốt, khi ở đó, người dân sống có văn hóa. |
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đầy năng động đó, đô thị nước ta đã và đang bộc lộ những bất cập làm cản trở đến sự phát triển bền vững của đất nước. Quy hoạch đô thị còn duy ý chí, thiếu tính dự báo, hoặc dự báo sai, nên khi thực hiện thường phải điều chỉnh, hay bị “treo”, không triển khai được. Hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị không đồng bộ, yếu kém, thiếu tính kế thừa, khớp nối giữa cũ và mới. Kiến trúc đô thị lai tạp, thiếu bản sắc đặc trưng của văn hóa vùng, miền. Cấu trúc đô thị phân bố và phát triển chưa hợp lý, thiếu công trình dịch vụ phục vụ dân sinh, phục vụ cộng đồng (như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh viện, vườn hoa, sân chơi, giao thông công cộng, nhà ở cho người nghèo đô thị...) nhưng lại thừa nhà hàng, siêu thị bán hàng cao cấp, hàng nhập ngoại, khách sạn, trường học quốc tế, ô tô cá nhân... Nhiều khu đô thị mới được xây dựng do chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư, nên thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội... trở thành những ốc đảo cô độc bằng bê tông và kính. Thậm chí có khu đô thị từng được vinh danh là “Khu Đô thị kiểu mẫu” chưa đầy mươi năm giờ bị băm nát như những vết chém bởi hội chứng “xây chen” của các dự án nhà ở chung cư cao tầng.
Những bất cập đang diễn ra trong phát triển đô thị có nhiều nguyên nhân, mà trong đó quan trọng nhất là sự xuống cấp của văn hóa và sự thiếu vắng tri thức trong quản lý đô thị.
Ngày hôm nay, cuộc sống của cư dân đô thị khá hơn rất nhiều so với thời kỳ trước đổi mới. Ăn mặc đẹp hơn, nhu cầu mua sắm nhiều hơn, nhà ở rộng rãi hơn, khang trang hơn. Ra đường bây giờ rất ít xe đạp, giao thông chủ yếu là xe máy và ô tô cá nhân. Nhưng, bên cạnh đó cũng không khó nhận ra sự xuống cấp về văn hóa ở một bộ phận không nhỏ cư dân đô thị cũng như sự yếu kém về năng lực (chưa nói đến đạo đức) của một đội ngũ công chức làm công tác quản lý đô thị. Điều này thể hiện trong cuộc sống thường ngày, từ cách ứng xử thô lỗ trong giao tiếp, trong sinh hoạt cộng đồng đến coi thường các quy định của pháp luật (như hỗn loạn trong giao thông, vứt rác, vệ sinh bừa bãi, xây dựng trái phép, không phép, lấn chiếm vỉa hè, không gian công cộng thành của riêng...). Câu chuyện cháy nổ chung cư cao tầng CT4 tại khu đô thị Xa La; sập biệt thự cổ ở 107 Trần Hưng Đạo, hay chủ đầu tư tòa nhà ở 8B Lê Trực (đường Trần Phú kéo dài) nằm trong Khu trung tâm chính trị Ba Đình (vốn được quản lý đặc biệt về quy hoạch xây dựng) đã ngang nhiên xây dựng sai phép cao đến 70m, gấp 3 lần chiều cao Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà Quốc hội (ở Hà Nội); vụ lấp sông Đồng Nai để xây dựng khu vui chơi, biệt thự nghỉ dưỡng (ở Biên Hòa - Đồng Nai) hay hàng loạt công trình có khối tích lớn, cao tầng xây dựng trên bờ biển TP Nha Trang (ở Khánh Hòa); những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo với kiến trúc lập dị mọc lên trên nhiều tuyến phố mới ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... đã cho thấy lỗ hổng lớn của công tác quy hoạch và quản lý đô thị.
Thế giới đang hướng tới phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sống tốt và phát triển bền vững trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Vậy thế nào là đô thị sống tốt. Phải chăng đó là đô thị có diện tích thật lớn, người thật đông và có muôn vàn công trình kiến trúc hiện đại, hoành tráng và mỹ lệ. Không, không hẳn như thế!
Một đô thị được coi là nơi sống tốt, khi ở đó, người dân sống có văn hóa, biết tôn trọng luật pháp và được pháp luật bảo vệ. Ở đó, cư dân được sống an toàn trong nơi ở của mình (dù là chung cư cao tầng hay nhà phố), thân thiện, hài hòa với cộng đồng, với thiên nhiên. Ở đó, không có chuyện xây dựng trái phép và không phép. Không gian công cộng, vỉa hè không bị lấn chiếm vì mục đích cá nhân. Ở đó, đảm bảo những dịch vụ công thiết yếu của đời sống, giao thông công cộng thuận tiện, an toàn và rẻ tiền. Ở đó, người dân có việc làm, có thu nhập, có chỗ ở tiện nghi phù hợp với khả năng kinh tế. Ở đó, người dân được tham gia vào quản trị đô thị một cách dân chủ, được đóng góp ý kiến cho những dự án phát triển vì tương lai của chính mình. Ở đó, người dân được hưởng bầu không khí trong lành với các không gian xanh, không gian công cộng, không bị ô nhiễm bởi tắc đường, kẹt xe, úng ngập do triều cường, mưa to, tiếng ồn, bụi và khí thải...
Đô thị hóa và phát triển đô thị là xu thế chung của thời đại. Người ta đã dự báo, thế kỷ 21 là thế kỷ của đô thị. Đô thị tạo nên diện mạo của đất nước và đô thị cũng tạo ra diện mạo mới cho toàn thế giới. Vì thế, để đô thị phát triển bền vững, trở thành mái nhà chung của cộng đồng, thì bên cạnh sự chăm lo phát triển kinh tế, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội... thì rất cần quan tâm đến xây dựng văn hóa, văn minh đô thị mang bản sắc Việt Nam. Mà nền văn hóa, văn minh ấy phải được bắt đầu từ nếp sống của mỗi công dân, mỗi gia đình, mỗi công sở và trước hết là trong quản trị đô thị.