Đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại đại hội.
|
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI với 52 đồng chí. Tại phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI, đồng chí Nguyễn Xuân Anh được bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI cũng đã bầu Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020. Đại hội đã bầu Đoàn Đại biểu đi dự Đại hội lần thứ XII của Đảng gồm 17 chính thức, 1 dự khuyết.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ thành phố xác định mục tiêu tổng quát là xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, phát huy dân chủ và sức mạnh đồng thuận, năng động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hoá - xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của cả nước; phấn đấu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.
Đại hội xác định nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao quy mô, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Đề án tái cơ cấu kinh tế, Đề án phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý đô thị; tiếp tục đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng văn minh, hiện đại, có môi trường sống tốt. Thực hiện linh hoạt, đồng bộ cơ chế, chính sách; tăng cường thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội; tập trung xây dựng văn hóa, văn minh đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đẩy mạnh cải cách tư pháp, thanh tra, phòng, chống tham nhũng. Phát huy dân chủ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Ba đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 được xác định; Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại; tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm; xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đà Nẵng sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn, bền vững hơn.
Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 (tính theo phương pháp giá cơ bản); Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 8 - 9%/năm. GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.000 - 4.500 USD. Cơ cấu GRDP; Dịch vụ 63 - 65%; Công nghiệp - Xây dựng 35 - 37% và Nông nghiệp 1 - 2%. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân 9,5 - 10,5%/năm. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 10 - 11%/năm (trong đó, công nghiệp tăng 10,5 - 11,5%/năm). Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 2 - 3%/năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 15 - 16%/năm. Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân 5 - 8%/năm; tổng chi ngân sách Nhà nước tăng bình quân 2 - 3%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng bình quân 9 - 10%/năm. Giảm tỷ suất sinh 0,1‰/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50 - 55%; tỷ lệ tạo việc làm tăng thêm bình quân 4 - 5%/năm. Hoàn thành Đề án giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch 95 - 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn đạt 95 - 98%. Hằng năm phát triển trên 2.000 đảng viên mới, không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém.
Nhìn tổng quát, 5 năm qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, quân và dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là thành phố luôn giữ được ổn định, nội bộ đoàn kết, nhân dân đồng thuận. Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; chất lượng tăng trưởng một số mặt được cải thiện. Hoạt động đối ngoại được mở rộng, vị thế thành phố ngày càng được nâng cao. Việc thực hiện năm đột phá về phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XX đạt được một số kết quả khả quan. Nhiều công trình trọng điểm quy mô lớn được hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới về đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển khá, nhiều chính sách an sinh xã hội gắn với chương trình thành phố “5 không”, “3 có” được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác cải cách hành chính, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp có chuyển biến rõ nét. Công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp được quan tâm thực hiện. Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục được đổi mới, chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần củng cố và làm nổi bật mối quan hệ cốt lõi giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị với nhân dân theo hướng “Đảng nói, dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; Chính quyền làm, dân ủng hộ”.
Phát biểu tại phiên bế mạc, đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh: "Nhìn về tương lai phía trước, thành phố chúng ta có nhiều thời cơ, thuận lợi song cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Mục tiêu "xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước", một thành phố thực sự đảm bảo các giá trị và tiêu chí của một đô thị văn minh, hiện đại không phải là mục tiêu quá xa vời song không phải dễ dàng đạt được. Điều đó đòi hỏi chúng ta trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở mỗi cấp, mỗi ngành phải năng động, sáng tạo, đổi mới, xây dựng phong cách nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của cấp mình, ngành mình, cá nhân mình với hiệu quả cao nhất".