Hà Nội nâng cao năng lực quản lý, hướng tới đô thị hiện đại

Từ sau khi hợp nhất địa giới hành chính năm 2008, với diện tích 3.344,5km2, dân số tăng hơn 3 lần, Hà Nội rất cần một định hướng dài hạn để vươn mình trở thành một Thủ đô lớn, tầm cỡ trong khu vực cũng như thế giới.


Đặc biệt, sau khi “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội đứng trước cơ hội và thách thức mới, trong đó nhiệm vụ quy hoạch Thủ đô được đặt lên hàng đầu.

Tích cực triển khai

Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 33 đồ án quy hoạch chung, 35 đồ án quy hoạch phân khu. Dự kiến đến hết năm 2015 hoàn thành phê duyệt 32/33 đồ án quy hoạch chung (đạt 97%), 33/35 đồ án quy hoạch phân khu (94%) kế hoạch. Nhiệm vụ năm 2016 là phê duyệt 1 đồ án quy hoạch chung và 2 đồ án quy hoạch phân khu còn lại.

Thành phố cũng đã phê duyệt 30/30 đồ án quy hoạch sử dụng đất các quận, huyện, thị xã đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015); 6 quy hoạch phát triển ngành, 29 quy hoạch điện lực các quận, huyện; đồng thời hoàn thành phê duyệt toàn bộ 401 quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

Đô thị Hà Nội đang ngày càng mở rộng.Ảnh: TTXVN

Bên cạnh những nỗ lực này, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục cũng như những bài học kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị thời gian qua. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa đạt yêu cầu dẫn đến việc phải điều chỉnh phù hợp thực tiễn; tồn tại mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn, cải tạo chỉnh trang đô thị, giữa quy hoạch nông thôn mới, gìn giữ các làng nghề truyền thống với quy hoạch chung. Công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng còn hạn chế, khâu giải phóng mặt bằng còn bất cập. Quy hoạch hạ tầng cơ sở giao thông đô thị chưa đồng bộ và thiếu cân đối; phương thức quản lý vận hành sử dụng nhà chung cư, tái định cư cũng vẫn bất cập...

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị các cấp. Theo đó, công tác quy hoạch của thành phố tập trung vào khu vực ngoài phạm vi phát triển đô thị thành phố Hà Nội và khu vực các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, các khu chức năng đặc thù, các điểm dân cư nông thôn. Thành phố sẽ tập trung đầu tư phát triển các kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tổ chức không gian ngầm gắn liền với phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Song song với đó, thành phố sẽ xây dựng đầy đủ hệ thống công cụ, cơ chế chính sách quản lý trật tự xây dựng đô thị phù hợp để giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn triển khai.

Tăng cường quản lý

Cùng với công tác quy hoạch, trong giai đoạn 2011- 2015, Hà Nội tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhất là khâu giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đến nay, đã có 7/36 công trình và cụm công trình trọng điểm được hoàn thành, đưa vào sử dụng. 14 dự án giao thông và nhóm dự án bảo vệ môi trường cũng cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao cho các chủ đầu tư. Hà Nội đã phát triển khoảng gần 70 khu đô thị mới về phía Tây và một phần quận Long Biên, nâng diện tích ở bình quân tại đô thị lên 23 - 24 m2/người và từng bước cải thiện bộ mặt kiến trúc đô thị. Thành phố đã đi đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội và nhà ở nói chung, riêng nhà ở xã hội đạt khoảng 40% số lượng căn hộ cả nước.

“Công tác quy hoạch giai đoạn 2011-2015 đã được triển khai đồng bộ, tổng thể trên diện rộng và gắn với việc hoạch định các không gian phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là lần đầu tiên một khối lượng lớn các đồ án quy hoạch được triển khai theo Luật Quy hoạch đô thị và việc lập quy hoạch thực sự mang tính dân chủ với sự tham gia sâu của cộng đồng”

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo

Công tác quản lý đô thị cũng được Hà Nội đẩy mạnh và chuyển biến tiến bộ rõ rệt, nhất là sau 2 năm thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị". Tình hình quản lý đất đai, trật tự xây dựng được chú trọng và chuyển biến tích cực, tình trạng xây dựng sai phép, trái phép, nhà siêu mỏng, siêu méo đã giảm đáng kể; hệ thống đường dây cáp nổi tiếp tục được hạ ngầm, treo gọn; tình trạng mái che, mái vẩy đã được giải tỏa và sắp xếp lại; hạ tầng hồ nước, cây xanh được tập trung cải tạo; hệ thống chiếu sáng đô thị, nhất là chiếu sáng trang trí được đầu tư. Cảnh quan môi trường ngày càng được cải thiện.

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, vấn đề phát triển đô thị và quản lý đô thị sẽ là nhiệm vụ trọng tâm và chương trình lớn của Thành ủy - UBND thành phố khóa tới. Do đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, chú trọng xây dựng chính quyền đô thị trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Hà Nội chú trọng phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị văn minh hiện đại, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung: Giao thông, cấp, thoát nước, mạng lưới điện, viễn thông... Để làm được này, các đơn vị, ngành hữu quan cần quan thâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quy, đất đai, xây dựng để bảo đảm đơn giản, công khai, minh bạch; tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong phát triển và quản lý đô thị.

Nhóm phóng viên
Nam Định xây dựng đô thị hiện đại
Nam Định xây dựng đô thị hiện đại

Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam được triển khai tại thành phố Nam Định đã đáp ứng “Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020” của Chính phủ và phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh Nam Định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN