Theo dòng lịch sử
Xã Nghi Trường ngày nay gồm hai làng Đông Chử và Kỳ Trân trong lịch sử. Đây cũng chính là vùng đất từng được người đương thời tôn vinh là một trong những “trung tâm đào tạo hiền tài”, là “cái nôi của phong trào yêu nước, phong trào cách mạng” của huyện Nghi Lộc trong suốt khoảng thời gian từ cuối thế kỷ thứ XIX đến trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Cùng với truyền thống khoa cử và truyền thống yêu nước, mảnh đất Nghi Trường còn lưu giữ những truyền thống quý giá về văn hóa tâm linh, nổi tiếng bởi hệ thống đình, chùa, miếu cổ. Một trong những ngôi đền thờ nổi tiếng là đền Diên Cờ, mang đậm dấu ấn tâm linh của người dân nơi đây.
Đền Diên Cờ nguyên bản có ba tòa “lộng lẫy” là: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Trước sân đền từng có tàu voi, tàu ngựa, tướng canh. Xung quanh đền có nhiều cây cối rậm rạp; trong đó có những cây vối, cây rói cổ thụ. Cách đền không xa là một lạch nước – dấu tích còn lại của sông, suối, ao, đầm thuở trước. Cảnh quan đền Diên Cờ thuở xưa thâm nghiêm, u tịch và nổi tiếng là linh thiêng, nên trong quá trình vận động của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Huyện ủy Nghi Lộc và cơ sở Đảng địa phương đã từng tổ chức nhiều cuộc họp bí mật, quan trọng tại khu đền này.
Sau nhiều thăng trầm, biến cố của dòng chảy của thời gian, đền Diên Cờ đã gần như bị phá hủy toàn bộ. Cho đến những năm 2009 - 2010, nếu không có những người “hữu hằng tâm”, “hữu hằng sản” hết mình với sự phục dựng, bảo tồn bản sắc văn hóa của đất và người Nghi Lộc thì đền Diên Cờ vẫn chỉ là phế tích. Trong số những người dành hết tâm lực cho việc phục dựng đền Diên Cờ, trước hết là gia đình ông Nguyễn Đăng Cẩn, mà trụ cột là người con trai cả - Đại tá, Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp – Tổng giám đốc Tổng công ty 36 – Bộ Quốc phòng.
Đền Diên Cờ được bắt đầu phục dựng, trùng tu từ năm 2010 và được khánh thành vào ngày 15/7/2012, trong sự vui mừng của người dân Nghi Trường. Tọa lạc trên khuôn viên rộng 7.000m2, ngôi đền được trùng tu với 9 hạng mục: Thượng điện, trung điện, hạ điện, nhà hóa vàng, nhà phục vụ, núi đất, cổng tam quan, sân đền và bia đá. Tất cả những hạng mục này đều được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống để tăng độ thâm nghiêm, thiêng liêng vốn có.
Tác giả GS. AHLĐ Vũ Khiêu tại Lễ hội đền Diên Cờ. |
Việc phục dựng lại ngôi đền là một việc làm tất yếu, bởi bấy lâu nay, ngôi đền đã trở nên hoang phế không còn tương xứng như giá trị vốn có của nó. Đây là nơi thờ các thần Cao Sơn, Cao Các, Tam toà Thánh Mẫu: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn và phối thờ các cụ: Nguyễn Thức Vạn, Đỗ Văn Sỹ, Lê Văn Vận, Đinh Văn Sung, Lê Văn Tần. Tại đền Diên Cờ còn thờ Ngũ vị quan lớn thuộc hệ thống đạo Mẫu Việt Nam, gồm: Quan Đệ Nhất, quan Đệ Nhị, quan Đệ Tam, quan Đệ Tứ và quan Đệ Ngũ, cùng với ba Ông Hoàng là Hoàng Bơ, Hoàng Bảy và Hoàng Mười.
Ngoài các vị kể trên, đền Diên Cờ còn thờ Trần Hưng Đạo với tư cách là vị Thần "Hộ quốc tỷ dân", có công lớn với nước, với dân. Đền còn phối thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí - một trong những nhân vật chủ chốt đã cùng Lê Lợi, Nguyễn Trãi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh xâm lược, giành thắng lợi; cũng là người hai lần giúp nhà Lê khai quốc, lập vương, được Đại minh đế Lê Thánh Tông phong là "Bình Ngô khai quốc / Tịnh nạn trung hưng".
Về địa lý, xã Nghi Hợp - quê của Cương Quốc công Nguyễn Xí, cách xã Nghi Trường - nơi có đền Diên Cờ chỉ 3 km. Vì vậy, việc đền Diên Cờ phối thờ Cương Quốc công - một Nhân Thần nổi tiếng khắp nước, khắp vùng là điều dễ hiểu. Điều đặc biệt ở đây là một số tư liệu cho thấy việc tạo lập đền Diên Cờ có liên quan đến sự kiện Nguyễn Xí khao quân mừng thắng trận. Trong tiếng Hán, "Diên" có nghĩa là "Hội", "Diên Cờ" là "Hội Cờ". Tương truyền, sau khi cùng Nguyễn Chích chỉ huy quân đánh thắng trận Trà Lân (thuộc huyện Con Cuông, miền tây Nghệ An), Nguyễn Xí đã kéo quân về quê và tổ chức lễ hội khao quân. Sau đó, điểm khao quân của ông được nhân dân trong vùng lập đền thờ ông cùng các vị Sơn Thần, Nhân Thần khác. Đền có tên là Diên Cờ để ghi nhớ nơi diễn ra Hội Cờ khao quân của Nguyễn Xí.
Nguồn tư liệu khác cho thấy đền Diên Cờ có liên quan đến việc Nguyễn Xí luyện quân. Vào thế kỷ XV, đất đai Đông Chử - Nghi Trường chủ yếu là những cồn cát mênh mông và những gò đống cây cối rậm rạp, hoang vu, rất thuận lợi cho việc tập luyện quân sĩ, voi ngựa... Tương truyền, trong một lần được nhà vua cử cầm quân chinh phạt giặc phương Nam, Nguyễn Xí và Lê Thận đã cho quân sĩ dừng để huấn luyện tại làng Đông Chử. Sách "Cương Quốc công Nguyễn Xí tộc phả - Di huấn - Phụ lục" có đoạn chép: "Sau khi triều đình vua Lê Thánh Tông xây dựng "Cương Quốc công từ" (đền thờ Cương Quốc công) tại tổng Thượng Xá (Nghi Hợp), nhân dân làng Đông Chử cũng lập điện tế Cương Quốc công Nguyễn Xí tại địa điểm Ngài và quan Tư đồ Lê Thận dừng chân trên đường đem đại binh vào đánh dẹp quân Chiêm Thành lấn chiếm biên giới phía Nam vào năm 1445. Điện tế cũng đầy đủ nghi thức tôn nghiêm như đền thờ của các làng xã trong vùng". Nền điện tế và ao Voi Nẹp (hồ Bạch Tượng) tại xóm 14 xã Nghi Trường hiện nay là những dấu tích còn lại liên quan đến hoạt động của Nguyễn Xí và quân sĩ của ông thuở xưa.
Tâm huyết và kỳ vọng
Anh hùng lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp rất tâm đắc với nhận định của ông Lý Quang Diệu- nguyên Thủ tướng Singapore rằng: Việt Nam là quốc gia có nhiều người theo đạo Phật. Nên chăng, chúng ta cần thông qua tín ngưỡng, văn hóa truyền thống để giáo dục; ví như răn dạy con người làm theo 10 điều răn của đức Phật, dạy chúng ta biết làm người, biết thương yêu lẫn nhau, biết cách xây dựng xã hội tươi đẹp. Thực tế chứng minh dù đời hay đạo vẫn hướng tới một xã hội phồn thịnh, yên bình trên cơ sở lòng tin của người dân. Khi đức tin bị xói mòn thì xã hội thiếu tính ổn định.
Chính bởi những gì đã chiêm nghiệm được, đại tá Nguyễn Đăng Giáp đã tự mình đúc kết được: Cho dù đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần phát triển, con người vẫn coi trọng văn hóa tâm linh, xem đó như là nơi gửi gắm đức tin. ViệtNamkhông thể tách khỏi thế giới “phẳng đó”.
Dòng họ Nguyễn Đăng có tiếng hiếu học, chữ nghĩa, đại tá đã sớm ý thức được truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam là “Vinh quy bái tổ”, “ Uống nước nhớ nguồn”. Bởi lẽ đó, việc phục dựng ngôi đền vừa có giá trị củng cố đời sống tinh thần, tâm linh cho người dân bản địa vừa có giá trị giáo dục cho thế hệ sau phải biết noi gương những vị có công với Tổ quốc đang được thờ trong đền, để phấn đấu, học tập giúp bảo vệ, dựng xây đất nước.
Thành công của việc phục dựng, nâng tầm đền Diên Cờ là thành quả của chủ trương “xã hội hóa” các hoạt động phục hồi, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa tâm linh; là công của, nhiệt tâm của nhiều người, mà công đầu thuộc về gia đình ông Nguyễn Đăng Cẩn. Nhiều người khẳng định: Không có gia đình ông Nguyễn Đăng Cẩn, không có Đại tá Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp khởi xướng, đầu tư và lôi cuốn mọi người; thì không có đền Diên Cờ được phục dựng, nâng tầm như hôm nay. Ở đây, nếu không có tố chất, bản lĩnh của người anh hùng dám vượt bỏ những thiên kiến hẹp hòi, vượt qua những trở ngại thuộc về “nhân tình thế thái” thì đền Diên Cờ với sự uy linh, hoành tráng cũng chỉ còn trong hoài niệm.
Được đến thăm và chứng kiến đền Diên Cờ - một công trình văn hoá lịch sử gắn với tên tuổi của những vị tiên liệt của nước Việt ta, tôi càng ghi nhận công lao, tâm sức của thế hệ hôm nay đã biết tri ân những vị tiên liệt đó. Từ công trình này mỗi người đến đây sẽ chiêm nghiệm cho mình về trách nhiệm với dân, với nước trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay. Cho nên như tôi đã nói: Địa linh sinh nhân kiệt, nhưng nhân kiệt cũng sinh địa linh là như thế.
Đền Diên Cờ xứng đáng được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia để thế hệ hôm nay và mai sau giữ gìn và phát huy những truyền thống lịch sử dân tộc.