Theo đó, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định chủ trì xây dựng Đề án tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, báo cáo Bộ VHTTDL cho ý kiến thỏa thuận trước ngày 15/1/2017 trước khi trình UBND tỉnh Nam Định phê duyệt; xây dựng Kế hoạch tổng thể và Kịch bản Lễ đón Bằng của UNESCO với kinh phí huy động chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.
NSND Lan Hương dựng vở "Tâm Linh Việt" để tôn vinh Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. |
|
Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tư vấn, phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định xây dựng Đề án tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
Cục Hợp tác quốc tế chủ động liên hệ với Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Paris để tiếp nhận bằng, chuẩn bị cho việc tổ chức Lễ đón bằng.
Cục Di sản văn hoá xây dựng Chương trình hành động quốc gia cam kết bảo vệ, phát huy giá trị di sản; có văn bản hướng dẫn, khuyến cáo các tỉnh, thành phố có di sản đối với việc sử dụng các biểu tượng liên quan của UNESCO và việc gọi tên, thực hành di sản, các biện pháp quản lý nhà nước đối với di sản…
Sở dĩ phải có chỉ đạo này bởi theo lãnh đạo Bộ VHTTDL, ngay sau khi Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được công nhận là di sản; bên cạnh niềm vui và vinh dự, thì nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa cũng như những người dân trong xã hội đã bày tỏ sự lo ngại việc có thể những "mặt trái" của Tín ngưỡng thờ Mẫu (gọi nôm na là hầu đồng) sẽ có cơ hội bung ra.
"Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ đã lường trước và đã xây dựng một chương trình hành động để bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa này, hạn chế những mặt tiêu cực. Chương trình hành động này dự kiến sẽ được đưa ra trong lễ đón nhận bằng chứng nhận của UNESCO, diễn ra thời gian tới tại tỉnh Nam Định.