Thực tế, một số người vẫn còn đánh đồng tín ngưỡng thờ Mẫu với mê tín dị đoan. Theo ông Trần Quang Dũng, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, tín ngưỡng và mê tín cùng chung niềm tin nhưng có sự khác biệt giữa niềm tin chân chính và niềm tin mù quáng. Nếu niềm tin đó chân thành thì tín ngưỡng sẽ trong sáng, còn nếu niềm tin mù quáng, tiêu cực sẽ trở thành mê tín dị đoan. Ông Trần Quang Dũng cũng không phủ nhận, nhiều người đang lợi dụng một tín ngưỡng rất trong sáng để tuyên truyền mê tín dị đoan và để thực hiện hành vi trục lợi. Thông thường những người này không hiểu biết nhiều về ý nghĩa đạo Mẫu và tín ngưỡng thờ Mẫu nên lợi dụng để thỏa lòng tham sân si, bởi vậy mới xuất hiện những “đồng đua”, “đồng đú”.
Những năm qua, mặc dù thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tương đối phát triển song công tác bảo tồn từ phía các cơ quan quản lý văn hóa chưa được rõ nét. Có chăng, một số địa phương, một số hội, trong đó có Hà Nội tổ chức liên hoan nghi lễ chầu văn để thông qua đó định hướng nghi lễ thực hành theo đúng bản chất. Chính vì vậy, khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được công nhận di sản thế giới, điều người ta nghĩ tới trước tiên là tuyên truyền để mọi người nhận thức rõ các giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu, làm cơ sở để bảo tồn đúng hướng. Theo ông Trần Quang Dũng, phải xác định đúng đối tượng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức; các đối tượng đó bao gồm: các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giới truyền thông, thanh đồng có uy tín và công chúng. Trong đó, thanh đồng có vai trò quan trọng, làm cầu nối, đưa thông tin từ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến công chúng.
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương). Ảnh: Minh Đức - TTXVN |
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Ngoài việc định hướng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua hai liên hoan nghi lễ chầu văn, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội còn định hướng thông qua hoạt động giao lưu nghi lễ hầu đồng của Hội Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Theo ông Trương Minh Tiến, trong thực hành nghi lễ có nghi thức cầm mớ tiền lẻ tung lên sẽ gây ra sự phản cảm nên các thanh đồng cần tung vài tờ tượng trưng và nên cho tiền vào bao lì xì phát cho mọi người. Ngoài ra, thay vì đốt vàng mã, mọi người có thể in hình ra tranh rồi đốt để tránh lãng phí. Việc thực hành nghi lễ phải đúng không gian, địa điểm, không nên tùy tiện thực hành ở bất cứ chỗ nào.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay trong công tác quản lý thực hành tín ngưỡng này là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa có văn bản chính thức hướng dẫn công tác bảo tồn, phát huy thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Các địa phương đang rất mong chờ có văn bản này để làm cơ sở định hướng đúng hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn. Không chỉ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa quan tâm đến công tác bảo tồn mà ngay cả các thanh đồng chân chính đều mong muốn các cơ quan quản lý văn hóa sớm có giải pháp đưa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hoạt động theo đúng khuôn khổ.
Thanh đồng Nguyễn Văn Minh, thủ nhang đồng đền của đền Đức thánh Vua Bà (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: Các thanh đồng cũng cần có trách nhiệm lưu giữ nghi lễ, cần có thái độ dứt khoát và kiên quyết loại trừ những hiện tượng lợi dụng văn hóa tín ngưỡng để trục lợi, làm mất đi vẻ đẹp và giá trị đích thực của tín ngưỡng trong đời sống xã hội. Như vậy, với việc UNESCO công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thực hành tín ngưỡng này đã không chỉ là văn hóa Việt Nam mà đã đến với cả thế giới. Niềm tự hào đi liền với trọng trách bảo tồn để giá trị văn hóa Việt Nam xứng đáng với danh hiệu đã được công nhận.