Để sân khấu truyền thống thành sản phẩm du lịch hấp dẫn - Bài 1: Hiệu quả chưa cao

Trên thế giới, việc đưa nghệ thuật truyền thống vào khai thác du lịch đã được nhiều quốc gia triển khai hiệu quả. Ở Việt Nam, một số loại hình nghệ thuật truyền thống như như chèo, tuồng, cải lương, múa rối… cũng đã và đang được một số nhà hát khai thác để phát triển du lịch. Tuy nhiên, con đường này vẫn còn nhiều gian nan.

Chú thích ảnh
Trích đoạn vở cải lương “Giấc mộng đêm xuân” tại Sân khấu cải lương ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Gia Thuận/TTXVN

Bài 1: Hiệu quả chưa cao

Nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống hấp dẫn đã được các Nhà hát dàn dựng và đưa vào biểu diễn phục vụ khách du lịch, tuy nhiên, hiệu quả chưa cao.

Nhiều chương trình phục vụ du lịch

Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho biết, để đưa nghệ thuật tuồng đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là với khách du lịch, Nhà hát vẫn tổ chức biểu diễn nghệ thuật tuồng vào các tối thứ Hai và thứ Năm hàng tuần. Đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt mà Nhà hát kết nối với Ban Quản lý phố cổ và phố đi bộ Hoàn Kiếm để biểu diễn cho du khách với những trích đoạn: "Ông già cõng vợ đi xem hội", "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo", các tiết mục nhạc dân tộc... đã thu hút sự quan tâm của du khách. Nhận thấy đây là một sản phẩm tốt cho du lịch, ngay sau khi hoạt động trở lại sau thời gian dài nghỉ do dịch COVID-19, Ban Quản lý Phố cổ và phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm lại tiếp tục bắt tay với Nhà hát để biểu diễn phục vụ du khách.

Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Tuấn thừa nhận, cái bắt tay này chưa vẫn chưa hẳn là ra tiền, chưa được coi là một "tour" đi xem nghệ thuật tuồng của du lịch.

Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: Nhà hát đã thử nghiệm thành công một số chương trình, vở diễn theo hình thức mới kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa rối nước và rối cạn, nhằm làm mới hơn, hấp dẫn hơn múa rối nước truyền thống. Nhiều tác phẩm như "Hồn quê", "Đồng vọng rối Việt", "Âm vang đồng quê", "Trăng đất Việt", "Thân phận nàng Kiều"... đã mang đến một diện mạo mới cho nghệ thuật múa rối truyền thống. Nhiều chương trình được dàn dựng và kể những câu chuyện mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Hiện Nhà hát Múa rối Việt Nam có 5 sân khấu biểu diễn, nằm trong khuôn viên của Nhà hát tại địa chỉ 361 đường Trường Chinh, Hà Nội. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, Nhà hát đã thực hiện được 300 suất diễn phục vụ công chúng, có thời điểm, cả 3 sân khấu biểu diễn của Nhà hát cùng sáng đèn. Đây là tín hiệu đáng mừng của việc khởi động hoạt động trở lại của sân khấu truyền thống, đặc biệt là đối với nghệ thuật múa rối.

Với nghệ thuật chèo, Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, cách đây 3 năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đồng ý để Nhà hát Chèo Việt Nam làm đề án du lịch tại chỗ, tức là tổ chức các show diễn chèo tại Nhà hát (số 1 phố Giang Văn Minh, quận Ba Đình, Hà Nội). Nhà hát đã nỗ lực kết nối hợp tác với các tour của Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... được các công ty lữ hành quốc tế tư vấn xây dựng những chương trình có thời lượng 20-30 phút hoặc 50-60 phút, tùy theo từng đối tượng hợp đồng với các tour khác nhau. Mỗi tour "chào giá" 4-6 triệu đồng, nhưng vẫn khó thu hút khách.

Hai năm trở lại đây, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã kết hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam dựng những vở cải lương - xiếc với cách thể hiện mới, như vở "Cây gậy thần", "Thượng thiên thánh mẫu". Theo Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, hai vở này là học theo mô hình nổi tiếng Cirque du Soleil (Gánh xiếc tỷ đô) của Canada. Tuy nhiên, đến nay, những vở diễn dày công dàn dựng vẫn chưa có "đất diễn" cho du lịch, bởi việc tiếp cận và kết nối giữa sân khấu truyền thống với các đơn vị lữ hành vẫn là bài toán khó.

Bắt tay chưa chặt

Kể từ năm 2008 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo, nghệ sỹ của 12 nhà hát trực thuộc Bộ với hàng trăm doanh nghiệp lữ hành, khách sạn trên địa bàn Hà Nội nhằm tạo cơ hội để các nhà hát gắn kết với ngành Du lịch, vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các loại hình truyền thống, vừa góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch văn hóa. Thế nhưng, đến nay đã 13 năm, hai ngành này vẫn chưa thực sự "bắt tay" chặt chẽ để đạt hiệu quả như mong muốn.  

Nói về nguyên nhân của tình trạng này, ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho rằng: Một trong những lý do khiến sân khấu truyền thống nói chung, nghệ thuật tuồng nói riêng kết nối với du lịch chưa hiệu quả, là do cơ chế chính sách để tạo lực gắn kết chưa có. Theo ông Tuấn, nhà nước ta chưa có chính sách để khuyến khích được các công ty du lịch và lữ hành khai thác các sản phẩm của sân khấu truyền thống thành những sản phẩm du lịch. Nhiều năm nay, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch chủ yếu khai thác và đưa vào các tour, chương trình du lịch là chương trình múa rối nước. Khách du lịch đến Hà Nội chỉ đi tham quan các thắng cảnh, chưa đến với các điểm nghệ thuật biểu diễn. Việc khám phá tìm hiểu giá trị của nghệ thuật truyền thống chưa có trong kế hoạch phát triển của các công ty du lịch và lữ hành…

Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Ngoan cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu ngành Du lịch và nghệ thuật biểu diễn phải có sự kết nối. Mặc dù đã có sự chỉ đạo nhưng hiện nay vẫn chưa có tour du lịch nào có sự tham gia của nghệ thuật chèo truyền thống… Theo Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Ngoan, một trong những nguyên nhân khiến các chương trình chưa hút khách là do thiếu nguồn nhân lực truyền thông để tiếp thị, quảng bá sân khấu truyền thống đến các công ty du lịch, du khách. Trang web của Nhà hát cũng chỉ có tiếng Việt mà chưa có tiếng Anh, cách thể hiện cũng thiếu hấp dẫn…

Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam Nguyễn Tiến Dũng thừa nhận, sân khấu truyền thống (tuồng, chèo, cải lương, múa rối…) từ bao đời nay không chỉ là hồn cốt của văn hóa dân tộc mà hiện còn đang trở thành "đặc sản" dành cho du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, dù đang sở hữu từ nguồn lực cho đến chất liệu sân khấu phong phú, nhưng đến nay, câu chuyện kết nối với du lịch vẫn đang loay hoay ở vạch xuất phát.

Bài cuối: Cần một "tổng chỉ huy" đủ mạnh

Phương Lan (TTXVN)
Chèo - Nghệ thuật sân khấu truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam
Chèo - Nghệ thuật sân khấu truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam

Từ bao đời nay, hát Chèo đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quen thuộc của người dân Việt. Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc, Chèo là một loại hình sân khấu kịch hát, gắn với các lễ hội dân gian, các hoạt động giao lưu văn nghệ ở vùng Đồng bằng sông Hồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN