Bảo tồn di sản, kinh nghiệm của các nước:

Để làng không chết vì… cổ

Những năm trở lại đây, Trung Quốc - quốc gia có bề dày văn hóa hàng ngàn năm - đang phải đánh đổi lấy sự phát triển ở những khu vực thành thị và sự hiện đại hóa bằng chính sự tồn tại của nhiều ngôi làng cổ. Theo một bài điều tra tổng quát của Hội Văn học dân gian và Nghệ thuật xã hội Trung Quốc, kể từ năm 2005, gần một nửa số những ngôi làng cổ - nơi lưu giữ những lối kiến trúc xưa, các phong tục tập quán cũng như cách thức sinh hoạt ở Trung Quốc - đã chỉ còn là dĩ vãng.

 

Sự “mục rữa” của những ngôi làng cổ


Những ngôi làng cổ của Trung Quốc càng ở xa những khu vực phát triển thì càng dễ dàng sống sót với sự khắc nghiệt của thời gian bởi mãi cho đến khi sự mở rộng của các khu đô thị tràn qua những lũy tre làng trong thế kỉ hai mươi, thế giới bên ngoài mới biết đến sự tồn tại của chúng.


Ngôi làng cổ Yingtan ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Internet


Nhưng cái giá của sự tách biệt là cơ sở vật chất rơi vào tình trạng xuống cấp mà nguyên do một phần bắt nguồn từ việc nhiều gia đình trước đây đã dựng nhà từ gỗ và bùn để dễ dàng cho việc sửa chữa. Giáo sư Wan Jianzhong giảng dạy ở khoa tiếng Trung, Đại học Sư phạm Bắc Kinh giải thích: “Trung Quốc có một truyền thống ‘sống trẻ’, nghĩa là trong số những ngôi nhà cổ này có nhiều nhà được dựng lên với định hướng sẽ được xây mới vào một lúc nào đó”. Chính vì lí do này mà giờ đây những ngôi nhà cổ trở nên không an toàn cho con người sinh sống.


Một nguyên nhân khác dẫn đến sự “mục rữa” của những ngôi làng cổ đến từ sự phát triển của giao thông ở các khu vực lân cận. Sự phát triển này đã vô tình “dẫn lối” cho nhiều người rời bỏ quê hương, bôn ba đi tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở những chốn phồn hoa đô thị.


Người đi đã đành, người làng ở lại cũng tạo ra không ít khó khăn cho công tác bảo tồn làng cổ bởi họ có nhu cầu phải thay đổi cấu trúc của những ngôi nhà cho phù hợp với một cuộc sống hiện đại. Giáo sư sử học Liang Hongsheng tại Đại học Sư phạm Giang Tây nói: “Được tiếp cận với cuộc sống hiện đại ở thành phố, dân làng bắt đầu thích sử dụng các thiết bị điện và nội thất hiện đại để trang trí nhà cửa, họ phá bỏ những bức tường để có thêm không gian sống. Rồi cứ thế chẳng còn lại gì là cổ”.

 

Bởi vì làng là “hồn thiêng” sông nước…


Để giải quyết bài toán bảo tồn làng cổ, duy trì vẻ nguyên thủy của Ji’an cũng như tạo điều kiện cho nhân dân sinh sống, chính quyền địa phương đã triển khai một dự án cho phép người dân xây nhà mới ở một khu vực tập trung nằm bên ngoài khu làng cổ. Ông Zhu Lisheng, phó giám đốc Phòng công chúng của Ủy ban hội nghị hiệp thương nhân dân thành phố Ji’an nói: “Chúng tôi cung cấp một quận nhỏ cho người dân để họ xây dựng nhà cửa, bằng cách này người dân vừa có chỗ sinh sống, vừa không gây hại với những ngôi nhà cổ”. Ông nói thêm: “Bất kì hành vi làm hại hay thay đổi nào với những ngôi nhà cổ đều phải được báo cáo”.


Ngôi làng cổ Wendou ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.


Tuy vậy, giải pháp cấp đất xây nhà này lại vướng phải điểm yếu là chi phí tốn kém. Ông Zhu nói: “Điều kiện kinh tế của các ngôi làng khác nhau. Ngoài ra các nhân tố địa lý và tài chính cũng chi phối ít nhiều. Để thực hiện dự án này với mội ngôi làng cần chi phí xấp xỉ 80.000 - 100.000 nhân dân tệ”. (khoảng 250.000.000 - 315.000.000 đồng Việt Nam). Do đó, không phải ngôi làng cổ nào cũng được dự án này cấp vốn.


Khó khăn đẻ tiếp khó khăn khi tình huống dở khóc dở cười khác lại phát sinh. Người dân khi đã có nhà mới lại không muốn chi thêm nhiều tiền vào việc sửa chữa những ngôi nhà cổ đang xuống cấp. Một lần nữa, gánh nặng này lại đổ lên vai chính quyền sở tại. Giáo sư kiến trúc Lou Qingxi tại Đại học Thanh Hoa nói: “Việc này còn khó khăn hơn cả việc bảo vệ khu hoàng thành”.


Một khâu khác trong công tác bảo tồn làng cổ cũng được nghĩ đến là phục dựng và giữ gìn dáng vẻ ban đầu của làng cổ. Giáo sư Wang Zhenzhong của khoa Địa lý tại trường Đại học Fudan đề nghị lập một hệ thống hồ sơ lưu trữ truyền miệng bởi theo ông “thông qua những cuộc phỏng vấn, các chuyên gia có thể biết và ghi chép lại hình dáng ban đầu của những ngôi làng cổ này”.


Theo chuyên gia nghiên cứu Văn học dân gian Trung Quốc Tao Lifan, “người dân địa phương phải tự thấy yêu mến, tự hào và có nhu cầu bảo vệ làng của mình thay vì bị thúc ép bởi chính quyền sở tại”. Có một góc nhìn khác, giáo sư Liang Hongsheng lại cho rằng “không thể buộc người dân suy nghĩ như những học giả. Vấn đề mấu chốt là chính quyền và người dân phải đạt được đồng thuận xây dựng trên chính lợi ích chung của cả đôi bên”.


Dù bằng cách nào đi nữa, sự duy trì những ngôi làng cổ, nơi lưu giữ các di sản văn hóa, là một nhiệm vụ tiêu tốn thời gian và tiền bạc mà ở đó đòi hỏi tất cả các bên phải cùng nhau đổ tâm huyết bởi đây là một công việc giữ gìn lịch sử cho các thế hệ tương lai, ngay tại chính những con đường, mỗi ngôi nhà cổ hay câu cửa miệng mang âm hưởng vùng miền trong những câu chuyện sau lũy tre làng…



Anh Minh (Global Times)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN