Để khán giả mở 'hầu bao' mua vé

Khán giả bao giờ cũng là thước đo sức sống của một nền nghệ thuật sân khấu. Nhiệm vụ của sân khấu nghệ thuật thủ đô là phải làm cho khán giả thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của mình.

Ít khán giả tự bỏ tiền mua vé

Từ khi nghệ thuật sân khấu Thủ đô bước vào cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, nhiều người vẫn đánh giá rằng, sân khấu Thủ đô thiếu vắng khán giả. 


Tuy nhiên, PGS.TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội đã đưa ra một thống kê khá cụ thể về những hình thức tiếp cận khán giả của sân khấu Hà Nội như: Diễn phục vụ chính trị cho khán giả bao cấp bằng vé mời miễn phí xem tại rạp, xem ở vùng sâu vùng xa; diễn tham gia vào các lễ hội, các sự kiện lớn của tỉnh, thành phố, đất nước, bằng những hợp đồng thỏa thuận, có thu; diễn phục vụ học sinh, sinh viên, các cơ quan, tổ chức xã hội... theo từng đề tài bằng hợp đồng có thu; diễn phục vụ khách du lịch nước ngoài, giao lưu nghệ sỹ với khán giả yêu nghệ thuật; bán vé cho khán giả tự do đến xem tại rạp; tham gia đóng phim truyền hình, quảng cáo... Bên cạnh đó, các nhà hát còn mở dịch vụ có thu cho thuê địa điểm bán cây cảnh, triển lãm, tổ chức các sự kiện, cho thuê trang phục, đạo cụ biểu diễn hoặc hợp tác với các công ty, đơn vị...

Cảnh trong vở kịch “Đứa con tội phạm” của Nhà hát Kịch Hà Nội.

Từ đó, PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng, sân khấu Thủ đô, tuy mức độ khác nhau, nhưng không hề “vắng khán giả”, không hề “đói nghèo”. Có chăng, chỉ vắng khán giả ở hình thức “khán giả tự bỏ tiền mua vé đến rạp” và chỉ đói nghèo khi lấy “lương cứng” ra làm chuẩn mực cho nhu cầu sống của nghệ sỹ hàng ngày mà thôi.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Trí Trắc, thì những hình thức hoạt động tiếp cận khán giả hiện nay của sân khấu Thủ đô vẫn chỉ là manh mún, gặp chăng hay chớ và vô cùng vất vả, điều này khiến cho các nhà hát thiếu tính chiến lược, thiếu chủ động, thiếu tính chuyên nghiệp và khó đạt được những tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật đỉnh cao. Vì khán giả Thủ đô không có một đối tượng khán giả cụ thể thường xuyên theo tinh thần “sân khấu nào khán giả đó”, để chăm lo cho phong cách sáng tạo nghệ thuật của mình, mà chủ yếu chạy theo các loại “dịch vụ” với khán giả “tạp mỹ” trong mối quan hệ “tạp thu”, bằng những sáng tạo “tạp phẩm” nhằm thích ứng với cơ chế thị trường “tạp hóa”...

Nói về vấn đề này, NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội sân khấu thừa nhận, nhiều vở diễn được các nhà chuyên môn đánh giá là kịch bản hay, diễn viên giỏi, mà lượng khán giả mua vé đến xem rất ít ỏi. Tuy nhiên, NSND Thanh Trầm cũng thừa nhận, kịch bản sân khấu vẫn chưa đáp ứng và theo kịp thời đại, nhất là đối với các khán giả trẻ. Bên cạnh đó, các nghệ sỹ biểu diễn cũng chưa thật sự xuất sắc, chưa tạo ấn tượng cho người xem. Thêm vào đó, sự đầu tư dài hơi cho các kịch bản sân khấu còn hạn chế, chế độ đãi ngộ đối với nghệ sỹ còn chưa theo kịp cuộc sống...

Nhà viết kịch Chu Thơm không khỏi xót xa, khi nhiều vở kịch dàn dựng xong, khi báo cáo vở diễn mới thì tràn ngập hoa chúc mừng, và khá đông khán giả đến xem, nhưng đến khi công diễn thì không bán được vé, Nhà nước không thu hồi được vốn và các nghệ sỹ là những người đau xót nhất, vì sức lực và tâm huyết của họ bỏ ra không được khán giả nhìn nhận, động viên... Và như vậy, “tài năng sẽ ‘chết’ nếu không có người hâm mộ”, nhà viết kịch Chu Thơm ví von. 


Sân khấu nào khán giả ấy 

Theo PGS.TS Trần Trí Trức, khán giả bao giờ cũng là thước đo sức sống của một nền nghệ thuật sân khấu, không có khán giả mua vé đến rạp, thì sẽ không có nghệ sỹ tài năng, và như vậy, sẽ không có nghệ thuật sân khấu tự chủ Thủ đô. Chính vì vậy, giải pháp để nghệ thuật sân khấu Thủ đô “sống” được, là phải thực hiện với tinh thần “sân khấu nào khán giả ấy”, “khán giả mới cần nghệ thuật sân khấu mới”, thông qua hàng loạt sự đổi mới, từ phương pháp viết kịch, đạo diễn, diễn xuất và hình thức, nội dung mới theo maketing kiểu mới...

Nhà viết kịch Chu Thơm cho rằng, muốn khán giả mở “hầu bao” mua vé vào rạp xem phim không phải dễ, không đơn giản chỉ là làm đẹp lòng khán giả bằng cách uốn éo, chiều theo thị hiếu khán giả, mà phải cho khán giả thấy được sự bứt phá của nghệ thuật biểu diễn trong cách khai thác đề tài, từ đề tài hình sự, tâm linh, tình yêu... Đặc biệt, phải cho họ thấy được tài năng diễn xuất của các nghệ sỹ, các nhân vật trung tâm của sân khấu. Nhà viết kịch Chu Thơm dẫn chứng, ngày xưa, nhiều khán giả mang tâm lý đến rạp xem diễn viên biểu diễn là chính, còn hiện nay, nhiều khán giả đi xem vở diễn vì có Thành Lộc, Hồng Vân, Hoài Linh tham gia... “Chính vì vậy, nhiều đơn vị xã hội hóa coi việc gây dựng cho bằng được các ngôi sao ở mỗi sân khấu xã hội hóa để kéo khán giả đến rạp là việc rất quan trọng”, nhà viết kịch Chu Thơm chia sẻ.

Theo ý kiến của nhiều nghệ sỹ, nhà biên kịch, để cuốn hút người xem, làm cho khán giả bỏ tiền mua vé đến rạp, cần chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, tìm hiểu xem khán giả cần gì, muốn gì, không thích gì... Từ đó lựa chọn kịch bản, đổi mới cả hình thức và nội dung, nâng cao chất lượng nghệ thuật của vở diễn... Đồng thời, cũng phải chú ý đến việc đào tạo khán giả cho sân khấu thông qua các chương trình giáo dục phổ thông, qua công tác tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều kênh, như website, facebook... để đưa các vở diễn, chương trình tiếp cận với công chúng; tăng cường đội ngũ làm công tác tổ chức biểu diễn, tổ chức giao lưu nghệ sĩ với khán giả... Chỉ có sự sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn thì sân khấu mới kéo được khán giả đến rạp.     

Lan Lộc/Báo Tin Tức
'Romeo và Juliet" lại lên sân khấu kịch Việt Nam sau gần 40 năm vắng bóng
'Romeo và Juliet" lại lên sân khấu kịch Việt Nam sau gần 40 năm vắng bóng

Chiều 14/7, Nhà hát Kịch Việt Nam đã tổ chức khởi công vở kịch kinh điển “Romeo và Juliet”, kịch bản William Shakespears, dịch giả Đặng Thế Bính; do NSND Anh Tú biên tập và đạo diễn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN