Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành thuộc lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, di sản, địa chất, môi trường, du lịch cùng một số đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng hồ sơ di sản thế giới. Kết quả hội thảo là cơ sở khoa học để tỉnh giới thiệu với chuyên gia tư vấn quốc tế tính khả thi của Hồ sơ khoa học di tích Hang Con Moong và phụ cận.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng và giá trị nổi bật toàn cầu của di tích Hang Con Moong và phụ cận, trên cơ sở kết quả khai quật, nghiên cứu nửa thế kỷ qua, kết quả khảo sát mới đây. Trong đó, tập trung thảo luận một số nhóm vấn đề chính như: Các kết quả khai quật, nghiên cứu Hang Con Moong từ 1976 đến nay; xác định đặc trưng, tính chất, niên đại và những giá trị lịch sử văn hóa nổi bật của di tích Hang Con Moong trong bối cảnh rộng hơn...
Những tham luận này cung cấp cho Hội thảo thông tin khách quan, chính xác để nhà khoa học, chuyên gia có cơ sở thảo luận về giá trị nổi bật toàn cầu của Hang Con Moong và vị trí của hang trong hệ thống di tích phụ cận cũng như tính sát thực, tính nguyên vẹn của di sản.
Bên cạnh đó, trên cơ sở 10 tiêu chí của UNESCO xác định giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới, các nhà khoa học đề xuất tiêu chí Hang Con Moong và phụ cận có thể đáp ứng, đó là tiêu chí về Di sản văn hóa, Di sản thiên nhiên hoặc Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đồng thời trao đổi kinh nghiệm về lộ trình xây dựng Hồ sơ di sản thế giới, nguồn thông tin tư liệu cần tiếp tục thu thập, hoàn thiện trong thời gian tới cũng như cơ chế, chính sách, cơ chế phối hợp, kết nối giữa chuyên gia UNESCO, nhà khảo cổ, nhà quản lý di sản trong nước và quốc tế với nhóm biên soạn Hồ sơ di sản thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho rằng, Thanh Hóa cần quan tâm nhiều hơn đến việc tham vấn khuyến nghị của chuyên gia đến từ ICOMOS (Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ). Các tư vấn, kiểm tra tại chỗ của ICOMOS là cơ sở để Ủy ban Di sản thế giới ban hành quyết định liên quan đến các di sản văn hóa và di sản hỗn hợp. Đồng thời, Thanh Hóa cần triển khai xây dựng thật tốt hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Hang Con Moong là di sản thế giới.
Kết luận hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam khẳng định, căn cứ công ước di sản thế giới năm 1972 và Hướng dẫn thực hành Công ước của UNESCO, căn cứ Luật Di sản văn hóa Việt Nam, đối chiếu hồ sơ khoa học di tích quốc gia năm 2007 và hồ sơ khoa học di tích quốc gia đặc biệt năm 2015, Hội thảo thống nhất khu di sản Hang Con Moong có thể đáp ứng các tiêu chí nổi bật toàn cầu, đó là tiêu chí văn hóa (iii, v), truyền thống cư trú lâu dài (x). Đồng thời nhấn mạnh công tác xây dựng Hồ sơ di sản thế giới là một công việc khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, cần tập trung trí tuệ rất cao của hệ thống chính trị gồm tỉnh Thanh Hóa, nhà khoa học, quản lý đầu ngành trong nước, quốc tế cũng như các bên liên quan.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tống Trung Tín cũng cho rằng, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị liên quan phối hợp Trung ương triển khai xây dựng hồ sơ Khu di sản Hang Con Moong cũng như sớm thực hiện việc xây dựng đề án “Nghiên cứu, xây dựng hồ sơ Di tích Hang Con Moong trình UNESCO công nhận là di sản thế giới”. Đồng thời, tỉnh tập trung nghiên cứu, lựa chọn và biện luận cho các tiêu chí xác định giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Hang Con Moong và các di tích có liên quan...
Hang Con Moong (xã Thành Yên, huyện Thạch Thành) khai quật lần đầu năm 1976 và được nhận định là di tích khảo cổ học tiền sử hang động đặc sắc nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Khu di sản gồm hàng chục hang động, mái đá phân bố trong không gian rộng hơn 20.000 ha tại khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương thuộc huyện Thạch Thành cùng một số địa vực thuộc tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình.
Đến năm 2008, Hang Con Moong được khảo sát tổng thể, chuẩn bị tư liệu cho việc xây dựng Hồ sơ di sản văn hóa thế giới. Trong các năm từ 2010 đến 2014, Hang Con Moong và các di tích xung quanh được khai quật, nghiên cứu có hệ thống thuộc khuôn khổ dự án hợp tác giữa Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa. Công cuộc nghiên cứu này mang lại khối lượng tư liệu mới quan trọng trong nhận thức tiền sử Việt Nam và khu vực.
Qua nhiều lần khai quật, các nhà khoa học xác nhận con người thời tiền sử đã có mặt ở trong hang từ khoảng 60.000 năm đến 7.000 năm trước Công Nguyên. Đây chính là nơi quần cư liên tục của người Việt cổ, với 3 nền văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình và Bắc Sơn - là những nền văn hóa tiêu biểu cho Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung. Hang Con Moong là điển hình nổi bật về việc định cư truyền thống của loài người, từ đá cũ đến đá mới, từ săn bắn hái lượm đến trồng trọt.
Hang Con Moong được xếp hạng là Di tích quốc gia năm 2007, Di tích cấp Quốc gia đặc biệt năm 2015. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ Hang Con Moong và các di tích phụ cận với tổng diện tích quy hoạch 977,568 ha. Với giá trị đặc biệt nổi trội, riêng có, di tích Hang Con Moong và phụ cận được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn đưa vào lộ trình xây dựng Hồ sơ di sản thế giới.