Công nhân “khát” văn hóa

Là lực lượng sản xuất đóng góp lớn cho nền kinh tế, nhưng những năm qua, đời sống văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của phần lớn người lao động, đặc biệt là công nhân nhập cư ở Đồng Nai, chưa được quan tâm đúng mức. Hàng trăm ngàn công nhân đang có nguy cơ “tụt hậu” về tri thức và phải sống trong cảnh “khát” văn hóa.


Sau 10 giờ lao động trên dây chuyền máy, chiều đến, Trần Văn Nam (công nhân trọ tại ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) và 2 người bạn cùng phòng, chỉ còn biết chờ thời gian trôi thật nhanh để ăn cơm tối và đi ngủ. Nơi ở của Nam không có bất kỳ phương tiện nghe nhìn nào. Nam chia sẻ: “Cả 3 chúng tôi đều là thanh niên (sinh năm 1990 và 1991) chưa lập gia đình, quê ở Nghệ An vào Đồng Nai làm công nhân đã được 5 năm. Công nhân ở đây khoảng 17 giờ là đi làm về nhưng vì không có hoạt động gì nên chỉ đóng cửa nằm trong phòng. Chẳng riêng gì chúng tôi, dãy trọ này có 30 phòng nhưng chỉ có 2 phòng có tivi, máy tính thì không ai có. Trước đây dùng điện thoại đọc báo, song từ ngày cước phí tăng, tôi không dám vào mạng nữa”.

 

Một tiết mục văn nghệ do Đoàn ca múa nhạc Đồng Nai biểu diễn phục vụ thanh niên công nhân tại phiên chợ thanh niên công nhân được tổ chức tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh: www. baodongnai.com.vn

 


Đang tuổi thanh niên, Nam cũng như bao người khác ước ao sau giờ làm được chơi thể thao, đọc sách, song với công nhân, mong muốn đó quá tầm tay. Nam kể: Ở đây đi đá bóng là phải thuê sân, mỗi giờ mất hơn 200.000 đồng; chơi cầu lông thì không có sân; đọc sách, báo lại càng khó vì lương công nhân làm sao đủ tiền mua. Thiếu nơi sinh hoạt, giải trí nên thời gian rảnh thanh niên công nhân chỉ còn biết tụ tập uống rượu, đánh bài.


Tại phường Long Bình (thành phố Biên Hòa), theo thống kê có khoảng 50.000 công nhân nhập cư sinh sống. Chị Nguyễn Thị Thanh (ở trọ tại khu phố 8, phường Long Bình) cho biết: “Tôi sinh năm 1993, quê Thanh Hóa, vào đây lập nghiệp đã 4 năm. Tôi còn trẻ, chưa lập gia đình, nên thích tham gia các hoạt động văn nghệ, nhưng từ ngày vào đây, tôi chưa một lần được tham gia múa hát tập thể. Thỉnh thoảng ở khu công nghiệp cũng diễn ra các chương trình ca nhạc, do tư nhân tổ chức, nhưng giá vé cao nên công nhân không có điều kiện đi xem. Riêng công ty tôi thì chưa bao giờ tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao dành cho công nhân”.


Cùng khu trọ với chị Thanh có nhiều người đã lập gia đình, có con. Theo lời kể của các công nhân, những ngày nghỉ họ muốn đưa con đi chơi nhưng trên địa bàn phường không có trung tâm văn hóa, thư viện, khu vui chơi giải trí. Chị Nguyễn Thị Lan (khu phố 8, phường Long Bình) than thở: “Công nhân như chúng tôi sách, báo không có đọc, tivi không có mà xem thành thiếu văn hóa đã đành chứ bọn trẻ rất thích được đến công viên, khu vui chơi, song ở thành phố Biên Hòa những thứ đó rất thiếu thốn. Nhiều trẻ là con công nhân, bố mẹ mải đi làm, con không có chỗ chơi, thiếu người quản lý nên thường lui tới quán internet chơi điện tử, xem phim”.


Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, trong gần 750.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, có 70% đang ở độ tuổi từ 18 - 35; 60% là lao động nhập cư, nhu cầu vui chơi, giải trí của các công nhân ngày một lớn. Những năm qua, đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động trên địa bàn tỉnh dù đã được cải thiện so với trước, nhưng vẫn còn rất thiếu thốn. Đa phần công nhân không có sách, báo để đọc, ít được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, dẫn đến sa vào các tệ nạn xã hội.


Ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện đa số văn phòng khu phố, ấp tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi công năng thành nhà văn hóa. Mới đây, Liên đoàn Lao động phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiến hành khảo sát cơ sở hạ tầng phục vụ cho sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao của công nhân tại 47 khu phố, ấp trên địa bàn 8 xã, phường tập trung nhiều công nhân nhập cư. Kết quả, hầu hết nhà văn hóa khu phố, ấp có diện tích chật hẹp, thiếu trang bị cơ sở vật chất, chỉ để dùng cho việc hội họp của đoàn thể. Dù có 26 nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn nhưng sinh hoạt còn nghèo nàn, không có sách báo, phương tiện nghe nhìn phục vụ nhu cầu của công nhân.


Năm 2011, Chính phủ đã ban hành đề án xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân tại các địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo đề án, cùng với việc xây dựng khu công nghiệp, các tỉnh, thành phải tiến hành xây dựng khu sinh hoạt văn hóa, giải trí cho công nhân. Cũng thời gian trên, tỉnh Đồng Nai quyết định xây dựng trung tâm văn hóa phục vụ công nhân tại thành phố Biên Hòa, nhưng sau hơn 3 năm trung tâm này vẫn chưa được triển khai do không giải phóng được mặt bằng. Vì nhiều nguyên nhân nên đến thời điểm này, trên địa bàn Đồng Nai dù đã có 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động nhưng chưa có khu công nghiệp nào xây dựng trung tâm văn hóa khiến nhu cầu thụ hưởng văn hóa của công nhân vẫn chưa được đáp ứng.


Công Phong

Bác Hồ với công nhân và công đoàn
Bác Hồ với công nhân và công đoàn

Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã sớm nhận thức và khẳng định sứ mệnh lịch sử, vai trò to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam và tổ chức công đoàn trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN